Đau bụng kỳ kinh có thể là dấu hiệu bệnh hiểm

15.5948

Gần đây, chị Thu (29 tuổi, Hà Nội) sợ không dám gần chồng vì mỗi khi giao hợp lại đau bụng kinh khủng. Đã đi khám nội khoa nhưng không ra bệnh gì, chỉ đến khi khám phụ khoa chị mới biết bị lạc nội mạc tử cung.
>

Đau bụng nhiều khi đến tháng có thể là dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung. Ảnh minh họa: Corbis.com.

Có con gái đầu lên 8 tuổi, vẫn có kinh đều nên chị nghĩ mình đau bụng liên quan đến nội khoa. Nhưng đi khám nhiều nơi vẫn không tìm ra bệnh. Trong thời gian này, chị vẫn kiêng không dám gần chồng. Chị chỉ sợ chồng nghĩ đến tuổi này mà còn chảnh, nhưng không thể chiều được vì đau kinh khủng.

"Bình thường đến tháng, mình cũng đau bụng, mấy năm gần đây thì đau quá, nhiều lúc phải tiêm thuốc giảm đau mới chịu được. Nhưng lúc đó, mình nghĩ là bình thường, chị em nào đến tháng mà chả thế. Chứ có ai dè đâu mình đau như thế là có bệnh", chị Thư tâm sự.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) cho biết, lạc nội mạc tử cung là một bệnh khá phổ biến trong các bệnh phụ khoa ở chị em, chiếm khoảng 2%. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: bụng, bàng quang thậm chí là buồng trứng...

Theo bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh có thể do hiện tượng trào ngược máu kinh (có lẫn những mảnh nhỏ của nội mạc tử cung bong ra). Vì thế, đến chu kỳ kinh, khi nội mạc tử cung phát triển dầy lên và những mảnh lạc này cũng dầy lên (khoảng hơn 10 lần), trương lên, chứa đầy máu, chèn ép và gây đau.

 "Bệnh càng lâu ngày thì đau càng nặng thêm do các đám niêm mạc tử cung bị lạc chỗ mỗi ngày càng to thêm. Có lúc đau ở vùng bụng âm ỉ kéo dài, có lúc chỉ đau khi giao hợp như trường hợp của Thu", bác sĩ Dung cho biết.

Hơn nữa, biểu hiện của bệnh thường là đau bụng khi hành kinh. Chính vì thế nhiều chị em thường bỏ qua dấu hiệu này vì nghĩ mình bị đau bụng kinh. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ, nếu để ý kỹ có thể thấy nếu chỉ là hành kinh thì cơn đau chỉ bắt đầu 1, 2 ngày trước kỳ kinh và ngày đầu tiên rồi thôi. Còn nếu do bị lạc nội mạc tử cung thì cơn đau bắt đầu sớm hơn và chỉ dứt khi ra hết kinh.

Ngoài việc gây đau, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ở một số chị em bệnh có thể dẫn tới vô sinh. Trong các trường hợp bị vô sinh, có khoảng 30-50% chị em bị tổn thương nội mạc tử cung, bác sĩ Dung cho biết.

Chẳng hạn, niêm mạc có thể nằm ở vòi trứng dẫn đến tắc vòi trứng. Ngoài ra, khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra, dễ bị viêm nhiễm và gây dính, tắc vòi trứng...

Theo bác sĩ, tùy theo vị trí lạc chỗ và tùy mức độ nặng nhẹ sẽ được điều trị phù hợp. Tình trạng bệnh có thể biến mất khi chị em đến tuổi mãn kinh hoặc có thai.

Điều cần lưu ý là thuốc điều trị đều là các thuốc nội tiết, có tác dụng làm thoái triển và làm teo các đám niêm mạc tử cung lạc chỗ. Vì thế, bản thân các niêm mạc bình thường trong tử cung cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây nên những bất thường về kinh nguyệt, đặc biệt là vô kinh.

Vì vậy, việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định, cân nhắc sau khi đánh giá cụ thể mức độ nặng, nhẹ và việc bệnh nhân muốn có con nữa hay không. Trong trường hợp nặng, thì phải phẫu thuật để loại bỏ các nhân lạc nội mạc, thậm chí cắt bỏ toàn bộ tử cung cùng hai buồng trứng.

Để tránh bệnh quá nặng, bác sĩ Dung khuyến cáo phụ nữ nếu bị đau bụng nhiều vào thời kỳ kinh nguyệt nên đi khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Phương Trang

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]