Để trẻ luôn vui khỏe trong ngày hè

Sau một năm học căng thẳng và mệt nhoài, nghỉ hè là thời gian thư giãn lý thú để các em học sinh tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí như: bơi lội, dã ngoại, du lịch, tắm biển... Để kỳ nghỉ thực sự vui khỏe, giúp trẻ phục hồi thể lực, xả bớt “stress”, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý từ những điều nhỏ nhặt nhất trong ăn uống và sinh hoạt của trẻ.

15.6018

Thời tiết mùa hè thường nóng bức, nhiệt độ môi trường có khi lên đến 38-39 độ C, những ngày này cũng hay xuất hiện mưa dông, sấm sét bất ngờ. Vì vậy, khi gia đình đi chơi xa hoặc du lịch, có trẻ nhỏ theo cùng, bạn cần phải chuẩn bị cẩn thận các đồ dùng cá nhân, nón rộng vành, dù, áo đi mưa, một số thuốc cảm thông thường… Nếu cho trẻ đi tắm biển nhớ mang theo kem chống nắng, tốt nhất nên chọn những loại kem có chỉ số SPF (Sun Protection Factor - chỉ số bảo vệ chống ánh nắng)  từ 20-30. Trường hợp, trẻ đi du lịch, dã ngoại dài ngày, cần chuẩn bị chăn mùng để tránh bị muỗi cắn - đây là tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết, sốt rét…

Các hoạt động vui chơi, thể dục - thể thao vào ngày hè cũng làm trẻ dễ bị mất nước, say nắng nếu không biết cách xử trí và phòng ngừa. Triệu chứng say nắng thường thấy ở trẻ là da nóng, khô, thân nhiệt cao, đau đầu, chóng mặt, mệt, buồn ói, thở rít, nặng hơn nữa có thể khiến trẻ ngất xỉu. Trong trường hợp này, cần chuyển ngay trẻ vào chỗ mát, dùng quạt, mở cửa lớn, yêu cầu mọi người tránh tụ tập quanh trẻ, trấn an trẻ; tháo bỏ quần áo, lấy khăn mát lau người và cho trẻ uống nhiều nước.

Cách đơn giản phòng ngừa say nắng cho trẻ là cha mẹ không nên để trẻ đi đầu trần ngoài nắng, dang nắng quá lâu, tránh ra nắng vào những lúc trời nắng gắt giữa trưa (11g-13g); bù nước đủ cho trẻ, tốt nhất là dùng các loại nước khoáng giúp bù đắp lượng nước và chất khoáng bị mất khi ra mồ hôi. Ngoài ra, một số loại nước ép trái cây như: cam, chanh, thơm (dứa), nước dừa tươi đều là những thức uống bổ dưỡng giúp bù nước, chất điện giải, các vitamin cần thiết cho sức khỏe của trẻ. Hơn nữa, các thức uống này vừa dễ tìm, ít tốn kém và chất lượng hơn nhiều so với những loại thức uống công nghiệp được chế biến sẵn.

Phụ huynh cũng cần lưu ý những tai nạn trong sinh hoạt vui chơi ngày hè mà trẻ có thể gặp như: cát, bụi văng vào mắt, ngạt nước, côn trùng cắn… Nên dặn dò, nhắc nhở trẻ cẩn thận, tránh tụ tập, vui chơi ở những nơi bụi bẩn, ô nhiễm, nguy hiểm…  Khi bị bụi hoặc cát rơi vào mắt, không được dụi mắt hay nhỏ thuốc, chỉ có thể rửa bằng nước sạch, nếu không loại được hạt bụi, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để lấy ra nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.

Mùa hè cũng là mùa các dịch bệnh: tiêu chảy, sốt, đau mắt đỏ… gia tăng. Vì vậy, cần cẩn trọng trong vấn đề ăn uống, tránh để trẻ tập trung nơi đông người nếu không cần thiết, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đau mắt đỏ, sốt…

Thêm nữa, các bà mẹ nên nhớ rằng các loại thực phẩm rất khó bảo quản và dễ bị ôi thiu trong thời tiết nóng, nếu trẻ ăn trúng những thức ăn này có thể bị ngộ độc, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy… Do đó phải chú ý vấn đề vệ sinh ăn uống kỹ càng, rửa rau, củ thật sạch trước khi chế biến, khi ăn phải nấu chín. Không để trẻ ăn những thức ăn để từ hôm trước, hay còn chín tái, còn sống, có mùi hôi…

Tính trẻ thường ham chơi và tiêu hao nhiều năng lượng, vì thế cha mẹ cần chú ý nhắc nhở trẻ ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa. Nếu đưa trẻ đi du lịch, bạn cũng nên chuẩn bị một số thức ăn dễ chế biến, phù hợp với khẩu vị của trẻ phòng hờ trường hợp trẻ chưa thích nghi và không quen với những loại thức ăn ở nơi xa lạ.

BS. Phùng Hoàng Đạo
(BV Thống Nhất TP.HCM)

Theo PhuNuOnline

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]