Nhiều đời bốc thuốc cứu người

Từ lâu, người dân xứ Mường ở huyện Kỳ Sơn dường như đã quá quen với hình ảnh bà lang Kiển tay xách nách mang túi thuốc đi khắp các thôn bản, xóm làng để khám chữa bệnh cho từng người dân. Dù nắng mưa, ngày đêm, dù núi rừng hiểm trở đường xá đi lại khó khăn nhưng cứ ở đâu có người bị bệnh là bà lang Kiển tìm đến tận nơi để chữa bệnh cho họ. “Chữa bệnh làm phúc là chính, mình biết thì chữa trị giúp người khác thôi chứ cũng không tiền bạc gì”, bà lang Kiển nhớ lại.

Sinh ra trong một gia đình đã 4 đời bốc thuốc cứu người nên bà lang Kiển sớm được thừa kế những bài thuốc quý. Bà kể, từ năm lên 12 tuổi, bà đã cùng mẹ lên rừng hái lá thuốc, ngày đó vì đường đi khó khăn lại cách xa trung tâm y tế nên hầu hết người dân trong vùng ai đau ốm đều tìm đến những thầy lang như mẹ con bà để nhờ chữa trị. Năm lên 17 tuổi, bà lang Kiển đã bắt đầu tự tay bốc thuốc chữa bệnh. Từ đó đến nay, bà lang Kiển không còn nhớ nổi bà đã chữa lành bệnh cho không biết bao nhiêu người, chỉ biết rằng năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng mỗi ngày vẫn có cả chục người bệnh đến nhờ bà chữa trị.

Căn nhà bà Kiển nằm gần tuyến quốc lộ 6, lúc chúng tôi đến bà Kiển cùng con dâu và con trai đang bốc thuốc cho bệnh nhân. Bà Kiển cho biết, nhà bà gần rừng, rừng núi xứ Mường lại nhiều cây thuốc nên các vị thuốc được bà và các con lên rừng hái về, vì nguồn thuốc có sẵn nên thuốc bà rất sạch và không qua sao tẩm. “Thuốc trên rừng lấy về, thái nhỏ rồi phơi khô nên rất sạch và an toàn, phơi cũng phải có kỹ thuật, phải chọn đúng độ nắng thì các vị thuốc mới phát huy được tác dụng”, bà Kiển nói.

Cũng chính từ những lần theo mẹ và chồng lên rừng hái lá thuốc, rồi phụ mẹ chồng bốc thuốc và nhờ những vị thuốc do mẹ chồng bốc mà nhiều người khỏi bệnh, không còn ai tin vào cúng bái nên bà Đào cũng yêu luôn nghề thuốc từ lúc nào không hay. Đang cùng mẹ bốc thuốc, bà Đào tâm sự: “Mới đó mà cũng gần 40 năm tôi theo nghề bốc thuốc rồi, bây giờ chồng tôi đã nghỉ hưu, hai vợ chồng làm thành thạo nghề nên mẹ đã truyền lại cho vợ chồng tôi hầu hết các bài thuốc. Nhưng bà bảo, còn có sức thì bà còn chữa bệnh giúp mọi người nên tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Ly - Chủ tịch hội đông y xã Dân Hòa - chia sẻ, gia đình bà lang Kiển nhiều đời bốc thuốc chữa bệnh nên có nhiều bài thuốc hay, vị thuốc quý và nhờ những bài thuốc của bà lang Kiển mà nhiều người đã khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân nghèo được bà Kiển khám và bốc thuốc miễn phí. “Hiện nay, không chỉ bà Kiển, các con mà cháu bà cũng theo nghề thuốc. Năm 2010, bà lang Kiển đã được UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen và được sở y tế cấp phép hoạt động”, ông Ly nói.

 Bằng khen do UBND tỉnh trao tặng cho bà Kiển.

Bí quyết “đánh tan” các bệnh gan, thận hiệu quả

Đến nhà bà lang Kiển mới biết, bệnh nhân tìm đến nhờ bà chữa trị không chỉ có dân bản Mường mà còn có nhiều người ở tận Hà Giang, Lào Cai, thậm chí ở tận miền Nam. Nhiều bệnh nhân ở xa sau khi đi khám ở bệnh viện còn gửi kết quả tới nhờ bà lang Kiển bốc thuốc gửi qua đường tàu xe.

Đang được bà lang Kiển điều trị bệnh sỏi thận, bà Trần Thị Lan (quê Hà Nam) cho biết, nghe nhiều người quen giới thiệu bà lang Kiển và bà lang Đào có thể chữa khỏi bệnh sỏi thận nên bà đã bắt xe tìm lên Hòa Bình để nhờ bà lang Kiển giúp đỡ. “So với nhiều nơi, thuốc của mẹ con bà lang Kiển rất rẻ mà lại hiệu quả. Sau một tuần uống, bệnh tình của tôi đã đỡ, giờ tôi lên lấy thuốc uống thêm một tuần nữa”, bà Lan chia sẻ.

Theo bà lang Đào, bài thuốc bà được mẹ truyền lại và chữa khỏi cho nhiều người nhất là chữa các bệnh về thanh nhiệt, giải độc và tiêu viêm nhằm điều trị các bệnh về gan, thận, u hạch, xương khớp, dạ dày… Đang bốc thuốc chữa bệnh viêm cầu thận cho ông Nguyễn Văn Hưng (54 tuổi, trú TP.Thái Nguyên), bà Đào phân tích, các bệnh về thận gồm có: Viêm cầu thận, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, thận hư… “Để điều trị những bệnh liên quan đến thận cần phải có vị thuốc từ cây thài lài tía, lá cây huyết dụ… Tùy vào cơ địa, độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân mà gia giảm các vị thuốc khác nhau cho phù hợp”, bà Đào nói.

Cũng theo bà lang Đào, các bệnh về thận, gan bước điều trị chủ yếu là dùng các vị thuốc nam nhằm mục đích thanh nhiệt và giải độc cho gan và thận, sau đó mới trị bệnh. Về u hạch, có thể uống thuốc nam để giải độc, tiêu viêm hoặc dùng thuốc để đắp. “Mỗi bệnh đều có các vị thuốc và lượng thuốc khác nhau, hầu hết là các vị thuốc nam có sẵn trong vườn”, bà lang Đào khẳng định.

Riêng điều trị các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, bà lang Kiển và các con, cháu phải vào tận rừng để tìm cây xạ đen, xạ xanh và xạ vàng. “Cây xạ đen, xạ vàng là loại thuốc rất tốt và quý. Thời điểm gần đây, vì nhiều người vào rừng tìm hái về bán cho thương lái ở các tỉnh nên loại cây này rất hiếm. Kết hợp vị thuốc từ cây xạ đen với các vị thuốc gia truyền có thể điều trị khỏi bệnh, tuy nhiên còn tùy thuốc vào độ nặng nhẹ của bệnh mà trọng lượng các vị thuốc khác nhau”, bà Đào cho biết.

Ba tháng trước, ông Hoàng Văn Toản (trú Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ xuất hiện một khối u ở nách khiến ông đau đớn, không thể làm được việc gì. Sau khi điều trị nhiều nơi không khỏi, nghe bạn bè giới thiệu, ông đã tìm đến nhờ mẹ con bà lang Kiển chữa trị. “Sau hơn hai tuần uống và đắp thuốc, khối u đã nhỏ lại và không còn đau như trước”, ông Toản cho biết.

Tranh thủ giờ vãn bệnh nhân, bà Đào lấy ra gần chục cuốn sổ ghi đầy đủ tên bệnh nhân, quê quán, số điện thoại, triệu chứng bệnh cho chúng tôi xem. Ở góc phải cuốn sổ, bà Đào dành ra một góc nhỏ để ghi kết quả của bệnh nhân sau khi uống thuốc. Bà Đào khoe: “Sau một thời gian cho bệnh nhân uống thuốc, chúng tôi thường gọi điện để hỏi thăm bệnh nhân, những ai khỏi bệnh, ai chưa khỏi để theo dõi. Nhiều bệnh nhân được điều trị lành bệnh vẫn tìm đến nhà tôi chơi”.