Ngồi trước cửa nhà thuốc của Bệnh viện đại học Y – Dược Hải Phòng đợi mẹ lấy thuốc, Nguyễn Gia Huy chỉ chực đưa tay lên dụi mắt, gạt những miếng gỉ dính chặt ở hai mí mắt. Đôi mắt em đỏ sọng. Ngồi gần em là 5-6 bé có những biểu hiện tương tự, chị Lê Thị Trang, ở ngõ 72 phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền), mẹ của Huy cho biết, bác sĩ chẩn đoán cháu bị đau mắt đỏ. Bác sĩ khuyên điều trị bệnh bằng kháng sinh để chống bội nhiễm, ngăn ngừa biến chứng.


 
Bể bơi, môi trường dễ lây lan bệnh đau mắt đỏ
Bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc, Khoa Mắt, Bệnh viện đại học Y – Dược Hải Phòng cho biết, khoảng 2 tuần nay, số người đến khám, điều trị đau mắt đỏ tăng nhanh. Mỗi ngày, các bác sĩ khám cho hơn 20 người mắc các bệnh về mắt, một nửa trong số đó bị đau mắt đỏ. Đa phần các cháu bị đau mắt đỏ thường xuyên tới bể bơi. Đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Người khỏe hít phải dịch tiết mũi, họng của người bệnh sẽ nhanh chóng bị virus adeno, tác nhân gây bệnh tấn công. Đặc biệt, trong môi trường đông đúc, ẩm ướt như bể bơi, dịch tiết này dễ phát tán, gây bệnh hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thầy thuốc gia đình, sở dĩ gọi là đau mắt đỏ là bởi mắt bị viêm kết mạc, khiến các mạch máu giãn ra, gây đỏ mọng. Người mắc bệnh thường xuyên chảy nước mắt, có thể bị ho, sốt hoặc nổi hạch sau tai. Đây là bệnh lành tính, nếu không điều trị can thiệp, bệnh sẽ tự khỏi sau 2-3 tuần.
 Ảnh minh họa
Xông tinh dầu, nhỏ sữa mẹ: 'bài thuốc' phản tác dụng
Nhưng cũng chính bởi quan niệm đây là bệnh nhẹ, dễ chữa nên nhiều người tự điều trị bệnh. Bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc cho biết, mặc dù là bệnh ít biến chứng nhưng nếu điều trị không đúng cách, đau mắt đỏ có thể khiến người bệnh mắc bệnh giả mạc, viêm giác mạc, gây đau rát mắt, cảm giác bứt rứt, khó chịu, lâu khỏi và dễ tái phát. Ngoài ra, một số gia đình còn áp dụng bài thuốc dân gian “truyền miệng” như xông tinh dầu lá cây trầu không hay nhỏ sữa mẹ vào mắt. Hiện, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả của những phương pháp điều trị này. Thậm chí, những phương pháp này có thể phản tác dụng, gây nguy hiểm cho mắt bởi, khi xông tinh dầu, hơi nóng có thể làm bỏng giác mạc. Còn trong sữa mẹ có đầy đủ chất béo, đạm, đường, là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển. Nếu nhỏ vào đôi mắt đang bị tổn thương sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Cần có ý thức phòng bệnh cho cộng đồng
Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan. Do đó, ý thức phòng bệnh của mỗi gia đình, mỗi người là điều quan trọng nhất. Bác sĩ Nguyễn Quang Thịnh khuyến cáo, khi thấy mắt có biểu hiện ngứa, khó chịu, dấu hiệu nghi mắc đau mắt đỏ, không nên đưa trẻ đến chỗ đông người, tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Nếu buộc phải ra nơi công cộng, nên cho trẻ đeo kính đen để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và đeo khẩu trang, tránh phát tán vi khuẩn ra không khí. Tuyệt đối không sử dụng chung khăn mặt và loại bỏ thói quen dụi mắt. Mỗi người nên tự trang bị lọ nước muối sinh lý 0,9%, thường xuyên rửa mắt bằng dung dịch này, nhất là sau khi đi bơi, tiếp xúc với những nguồn nước công cộng. Thói quen này giúp đôi mắt luôn sạch sẽ, hạn chế sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn. Người bị đau mắt đỏ cũng nên rửa sạch mắt trước khi nhỏ thuốc kháng sinh để thuốc ngấm sâu, tăng hiệu quả điều trị.

Theo Minh An  - Báo Hải Phòng