Du lịch thiếu nhân lực chất lượng

Với tốc độ tăng trưởng 10% khách quốc tế mỗi năm, cộng với sự phát triển của du lịch nội địa, du lịch Việt Nam những năm gần đây đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch lại không tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng này, ngành du lịch vì vậy đang rất thiếu nhân sự có kỹ năng và tâm huyết với nghề.

15.5888


Thiếu và yếu


Bên cạnh thị trường truyền thống, gần đây, lượng khách của một số thị trường ngôn ngữ hiếm như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha vào Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, do chưa chú trọng vấn đề đào tạo nên ngành du lịch Việt Nam đang thiếu trầm trọng hướng dẫn viên (HDV).

 

Đào tạo nhân lực tại các khách sạn cao cấp.


Hiện cả nước có hơn 6.700 HDV du lịch quốc tế, trong đó có khoảng 3.700 HDV tiếng Anh (tương đương gần 50%), còn lại là gần 1.000 HDV tiếng Pháp, 961 HDV tiếng Trung, 431 tiếng Nhật, 375 HDV tiếng Đức… Trong khi đó, riêng thị trường khách Nhật Bản, ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2015 đón hơn 1 triệu du khách và số lượng HDV tiếng Nhật sẽ phải tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, điều này khó khả thi bởi trong 1 - 2 năm tới chưa thể đào tạo được HDV nói tiếng Nhật thành thạo.


Nhu cầu tăng cao trong khi HDV du lịch khan hiếm nên nhiều đơn vị buộc phải linh động tuyển những người từng đi xuất khẩu lao động nước ngoài để đào tạo thành HDV. Vấn đề vướng mắc là những đối tượng này giỏi ngoại ngữ nhưng lại “trống” về nghiệp vụ, hổng về kiến thức văn hóa, xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng tour. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều tình trạng HDV du lịch “chui” là người nước ngoài, chủ yếu là ở các đoàn khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga. Đó thường là nhân viên của các công ty du lịch nước ngoài đi theo đoàn khách đến Việt Nam đặt tour, thuê nhà hàng… và kiêm luôn vai trò HDV. Theo các chuyên gia du lịch, tình trạng này không chỉ gây thất thu, khó kiểm soát chất lượng dịch vụ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam.

 

Đào tạo về giao tiếp tại khách sạn cao cấp.


Không chỉ mảng lữ hành mà lĩnh vực khách sạn cũng đang “khát” nhân lực, nhất là những người có kỹ năng. Trong khi đó, hiện cả nước có hơn 14.200 cơ sở lưu trú với 320.000 buồng lưu trú cho du khách, riêng số buồng khách sạn từ 3 - 5 sao đạt hơn 34%. Đại diện quản lý nhân sự tại khách sạn Hilton cho biết: “Điểm yếu của nhân sự Việt Nam là thiếu kỹ năng nên khi tuyển dụng thường phải đào tạo lại. Không chỉ đơn thuần là yếu về ngoại ngữ mà những kỹ năng phục vụ của họ không theo chuẩn quốc tế”.


Ông Trịnh Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: “Hầu hết các sinh viên du lịch được đào tạo thiên về kiến thức, học thuật, chỉ phù hợp với hoạt động nghiên cứu. Do thiếu thực tiễn nên hầu hết sinh viên chuyên ngành khách sạn, du lịch phải qua các lớp đào tạo lại và học hỏi kỹ năng. Trong khi đó, tại nước ngoài, từ năm thứ 2 đại học, sinh viên đã được hướng dẫn thực tập tại cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn để trau dồi kỹ năng”.


Cần có giải pháp căn cơ


Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội nhận định: “Nếu đã dự báo lượng khách tăng, đúng ra là chúng ta phải đón đầu, nhưng thực tế lại đang có phần bị động, lâm vào tình trạng đi sau diễn biến của thị trường”.

 

Các học viên được hướng dẫn thực hành làm bếp tại khách sạn.


“Thị trường khách Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng trưởng nhanh là điểm đáng mừng, song việc đào tạo đội ngũ HDV ngoại ngữ “hiếm” không đáp ứng được nhu cầu, luôn “lẽo đẽo” đi sau so với tăng trưởng. Theo quy định, muốn được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế phải tốt nghiệp đại học cùng nhiều đòi hỏi khắt khe về nghiệp vụ, ngoại ngữ, sức khỏe… nhưng nguồn nhân lực nói chung chưa đáp ứng được. Đó là khó khăn rất lớn trong việc cân bằng giữa cung - cầu”, ông Mai Tiến Dũng cho hay.


Trước tình hình này, theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hà Nội Redtour, để đảm bảo không vi phạm pháp luật mà vẫn có HDV du lịch quốc tế phục những đoàn khách ngôn ngữ hiếm như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số đơn vị lữ hành bất đắc dĩ đã phải tìm giải pháp tình thế khác như sử dụng HDV quốc tế và một phiên dịch khác để dịch lại lời thuyết minh của HDV đó sang ngôn ngữ của du khách. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng thuyết minh cũng như thông tin dịch vụ đến với khách du lịch.


Nhìn chung, những phương pháp mà một số đơn vị lữ hành quốc tế đang áp dụng cũng chỉ là giải pháp tình thế, cần sớm có giải pháp căn cơ hơn trong việc dự báo thị trường cũng như liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường. “Thời gian qua, một số mô hình liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường đã phát huy khá hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính đơn lẻ. Do đó, cần sự quy hoạch và điều phối của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực du lịch, cụ thể là Bộ VHTTDL. Thực tế, việc thiếu HDV và nhân viên khách sạn đã xảy ra từ hơn 10 năm nay và đã được dự báo rất nhiều, song đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục”, một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị.


Các chuyên gia đã cảnh báo nếu không có chiến lược và kế hoạch đào tạo, chất lượng nhân lực ngành du lịch nước ta sẽ sớm tụt hạng, ngày càng thiếu trầm trọng. Hiện nay, khoảng 70 cơ sở đào tạo trong cả nước chỉ đào tạo chừng 13.000 sinh viên mỗi năm, nghĩa là chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu. Theo Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, đến năm 2015, ngành du lịch cần tới 620.000 lao động trực tiếp trong tổng số 2,2 triệu việc làm do ngành tạo ra và đến năm 2020 con số này lên tới 870.000 người.


Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tới đây, ngành du lịch sẽ làm việc với các doanh nghiệp và trường đào tạo về du lịch để bàn giải pháp bồi dưỡng, đào tạo HDV cho những thứ tiếng còn thiếu.

Năm 2013, ngành du lịch đã nỗ lực đạt được con số ấn tượng là đón 7,57 triệu du khách quốc tế; trong năm 2014, ngành đã đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên thành 8 triệu lượt du khách.Tuy nhiên, để có sự phát triển bền vững, ngành du lịch cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; trong đó, phải sớm có những giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.


Bài và ảnh: Xuân Minh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]