Nhân lực du lịch yếu trước hội nhập

Cùng với các ngành kinh tế khác, Du lịch Việt Nam đã chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN được một thời gian ngắn, song theo thừa nhận của một số chuyên gia du lịch, hiện nguồn nhân lực du lịch vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

0

Thiếu “lực” cạnh tranh

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Bên cạnh đó, theo thừa nhận của một số doanh nghiệp du lịch, hiện nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng... song khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.

Ông  Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, qua khảo sát một số công ty du lịch, không những thiếu về số lượng mà chất lượng của nhân lực trong ngành cũng tồn tại vấn đề khó khăn.

Ông Bình thừa nhận, thực tế cho thấy có khoảng 30- 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour không đạt chuẩn ngoại ngữ. Vậy nên trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhân lực trong ngành du lịch của Việt Nam thường “thua” một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines trong cạnh tranh dẫn khách tại một số địa điểm nổi tiếng ở khu vực phía Nam như Phú Quốc, Côn Đảo…

“Đó còn chưa kể do ngoại ngữ hạn chế nên nhiều nhân lực trong ngành khó giới thiệu tốt để người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, dẫn đến tình trạng khách quốc tế đến nước ta vẫn chưa hiểu hết tiềm năng di sản và văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình nói.

Còn ông Trần Ngọc Lương- Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành và nhân sự Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cho rằng, ngoài hạn chế về khả năng ngoại ngữ, nhân lực du lịch hiện còn yếu ở khâu tư duy nghề nghiệp bảo thủ và tư duy quản lý.

Sở dĩ như vậy theo ông Lương, thời gian vừa qua một số nhân viên công tác trong các khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh vẫn coi nghề lễ tân, phục vụ trong khách sạn là nghề không cao quý, không đàng hoàng. “Cá biệt có nhân viên trước khi lấy chồng còn xin nghỉ việc vì sợ mang tiếng khi làm việc tại khách sạn”, ông Lương cho biết thêm.

Cũng theo vị Phó Tổng giám đốc tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, khi hội nhập, khách sạn mới tham gia vào sân chơi của Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn trong vấn đề nhân sự. Bởi nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp trung và cấp cao ngày càng được đòi hỏi cao, trong khi thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy vô hình trung lại tạo điều kiện cho lao động các nước bạn dịch chuyển, hậu quả người lao động Việt Nam đã khó sẽ ngày càng khó tìm kiếm việc làm có mức thu nhập.

Tạo sức bật từ hệ thống đào tạo

Tình trạng nguồn nhân lực du lịch yếu kém không chỉ gây hậu quả nhãn tiền là người lao động khó tìm kiếm việc làm mà xa hơn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để xảy ra tình trạng nêu trên, lãnh đạo các nhà trường đã thẳng thắn thừa nhận thực trạng giáo trình đào tạo ở trường vẫn theo mô típ truyền thống, chưa phù hợp với chuyển động của thực tiễn nên khi ra trường, sinh viên khó bắt nhịp ngay với công việc. 

Đồng thời, mặt bằng chung đầu vào tuyển sinh của các trường hiện nay khá thấp, dẫn đến chất lượng học tập của sinh viên có nhiều hạn chế, đặc biệt về ngoại ngữ- yếu tố quan trọng được các nhà tuyển dụng đặt lên hàng đầu khi xem xét nhân sự.

Do vậy, ông Phạm Trương Hoàng- Trưởng Khoa Khách sạn và Du lịch- ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần hoàn thiện khung chương trình đào tạo với định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới để hoàn thiện kiến thức cho người học.

Đồng thời thường xuyên tổ chức cho học viên tham quan tìm hiểu môi trường thực tế và tăng cường hợp tác, trao đổi với các dự án quốc tế trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành, thực tập của sinh viên ngành du lịch tránh tình trạng học và dạy đơn thuần chỉ là lý thuyết thuần túy khô khan, ít gắn với thực hành.

Còn ông Trần Ngọc Lương cho rằng, cần gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để giúp sinh viên cọ xát với thực tế, tăng kỹ năng mềm. Đồng thời các cơ quan quản lý liên quan đến việc đào tạo nhân sự ngành Du lịch cần “ngồi lại” với nhau để cùng  bàn bạc để tìm hiểu nhu cầu thực tế của ngành, từ đó cải cách hệ thống giáo dục đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. 

Để sẵn sàng hội nhập, đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động thế giới, theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam cần có sự liên kết, hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, xã hội, doanh nghiệp trong các hoạt động phát triển nguồn nhân lực theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao.

Nguồn Hải Quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]