Theo kết quả nghiên cứu được tiến hành tại một số bệnh viện ở Hà Nội, Sơn La, Đắc Lắc và Cần Thơ từ tháng 8.2010 đến tháng 2.1011, đưa tiền trực tiếp và để tiền trong phong bì là hai cách phổ biến nhất của tình trạng chi trả các khoản không chính thức trong dịch vụ y tế. Đây là những kết luận của nghiên cứu định tính mới nhất mà Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam (TI) cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) công bố ngày 6.6.

Từ "phong bì" đến "cơ hội"


Theo bà Trần Thu Hà, cán bộ RTCCD - một trong những tác giả của nghiên cứu trên - hiện tượng phong bì, vốn đã trở nên phổ biến và tràn lan tại nhiều bệnh viện, nay được nâng lên một hình thức cảm ơn cấp cao hơn là "cơ hội". Thay vì biếu quà, tiền cho nhân viên y tế, một số bệnh nhân tìm cách thiết lập mối quan hệ thân tình với bác sĩ và "cảm ơn" bằng cách giúp bác sĩ giải quyết các vấn đề khó khăn như môi giới mua nhà giá gốc, xin giúp con bác sĩ vào trường học chất lượng cao...

Song, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có nhóm bác sĩ có chuyên môn trong một số lĩnh vực quan trọng như ngoại, sản hay thụ tinh nhân tạo mới có cơ hội này. "Như vậy, số tiền "cảm ơn" không dừng lại ở con số trăm nghìn, triệu mà có thể hàng chục, hàng trăm triệu đồng, trong khi chẳng có bằng chứng về việc đưa phong bì và tay ai cũng sạch" - bà Hà nói.

Cũng theo nghiên cứu trên, có sự chênh lệch lớn về giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, dao động từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng, một số trường hợp ngoại lệ có giá trị vài chục triệu đồng. Điều trớ trêu là khi ranh giới giữa sự sống và cái chết càng mong manh bao nhiêu thì phong bì càng phải "nặng" bấy nhiêu.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết nhân viên y tế cho rằng các khoản chi phí không chính thức là do bệnh nhân tự nguyện đưa thì chỉ một số ít bệnh nhân được phỏng vấn cho biết họ đưa tiền, quà là xuất phát từ tấm lòng. Một nửa số được hỏi nói rằng họ đưa phong bì là vì "mọi người đều làm vậy" và 1/3 cho biết họ đưa vì sợ bị bỏ mặc.

Điều đáng nói là các nhân viên y tế được khảo sát cho biết không có sự khác biệt trong chất lượng điều trị cho bệnh nhân, dù họ có hay không đưa phong bì. Song, điều chắc chắn là bệnh nhân sẽ được tư vấn nhẹ nhàng hơn và được quan tâm hơn. "Từ khía cạnh công bằng trong chăm sóc sức khỏe, chất lượng điều trị chắc chắn bị ảnh hưởng khi ưu tiên điều trị không được thực hiện theo tình trạng bệnh tật mà bị tác động bởi tiền bạc" - bác sĩ Trần Tuấn, giám đốc RTCCD nói.

Lương thấp là một rủi ro

Bà Vũ Thị Hồng Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng không nên tập trung lên án hiện tượng phong bì trong ngành y nói riêng, bởi "văn hóa phong bì" lan tràn ở nhiều lĩnh vực như xây dựng, đầu tư, thương mại... Thay đổi "văn hóa phong bì" là việc làm khó khăn, song không thể không giải quyết được mà phải bắt đầu nền tảng gốc là gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, theo bà Ngọc, cần tăng nguồn lực cho y tế dự phòng, chú trọng vào phòng bệnh hơn chữa bệnh để giảm tải cho bệnh viện, giảm thiểu tiêu cực phát sinh.

Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Viện trưởng Viện Nhi bổ sung rằng phải nâng cao trình độ cán bộ tuyến dưới, không phải ngành y quá tải mà chỉ một số bệnh viện quá tải, trong khi còn rất nhiều bệnh viện tuyến dưới vắng bệnh nhân.

Đại biểu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhấn mạnh việc tiền lương thấp của cán bộ y tế là một "rủi ro" và cho rằng vấn đề lương trong bệnh viện công nói riêng và khu vực công nói chung phải tương xứng với khu vực tư nhân.

Ông Lê Văn Lân, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề xuất, cán bộ ngành y phải có mặt bằng lương cao hơn công chức bình thường, được tính dựa vào kết quả khám chữa bệnh của chính mỗi cá nhân. Bác sĩ Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nam cho rằng một khi lương đủ và vấn đề y đức được giáo dục và đề cao thì phong bì sẽ không còn cần nữa.

Còn bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) kết luận rằng để giải quyết vấn đề chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế, cần có sự nỗ lực hành động của các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở y tế, những người cung cấp cũng như sử dụng dịch vụ y tế".

Elliot Waldman, Quỹ Châu Á: Ở một khía cạnh hẹp, tại Mỹ và Việt Nam giống nhau ở chỗ người bệnh nào cũng muốn nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất. Song ở Mỹ, bệnh nhân không đưa tiền trực tiếp cho bác sĩ mà họ nộp cho các công ty bảo hiểm. Sống ở Việt Nam một thời gian, tôi nhận thấy giải quyết được tình trạng đưa phong bì cho bác sĩ ở Việt Nam phải bắt đầu từ chiến dịch tuyên truyền, giáo dục, sao cho người dân hay bệnh nhân thấy đó là một vấn nạn chứ không phải là một thực tế phải chấp nhận của cuộc sống. Nếu không, hiện tượng phong bì sẽ còn mãi vì bác sĩ có "cầu" còn bệnh nhân lại có "cung".