Đưa trẻ khám ung thư nếu sốt, đau, chảy máu kéo dài

0

Bệnh ung thư có tỷ lệ mắc rất thấp ở trẻ em. Biểu hiện giai đoạn đầu rất giống với nhiều bệnh khác, như cảm cúm, viêm đường hô hấp... Vì thế, nếu điều trị không khỏi hoặc tái diễn nhiều lần thì cần đi khám chuyên sâu..., hai bác sĩ BV Nhi trung ương cho biết trong buổi tư vấn trực tuyến sáng nay.

Buổi tư vấn các bệnh ung thư hay gặp ở trẻ nằm trong chuỗi hoạt động FPT vì cộng đồng - hướng đến bệnh nhân ung thư năm nay.

- Tôi có một người anh trai đã mất năm 16 tuổi vì bệnh ung thư máu, viêm tủy. Nay tôi đã có một con hai tuổi và chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Tôi thường lo lắng vì không biết bệnh của anh tôi có thể di truyền tới các con tôi? Tôi đang băn khoăn có nên gửi lưu giữ tế bào cuống rốn của bé tôi sắp sinh? Xin bác sĩ cho lời khuyên. (Giang Nguyen, 28 tuổi, TP HCM)

- Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương: Bệnh ung thư máu không di truyền, vì thế bạn không cần lo lắng về nguy cơ con bị bệnh này. Việc lưu giữ tế bào cuống rốn để phòng bệnh này không phải là việc cần thiết, nhưng nếu bạn có điều kiện, thì có thể lưu trữ để dành vào các mục đích khác.

- Tôi có 2 con, bé gái 5 tuổi và bé trai gần 2 tuổi. Tôi muốn cho các con khám định kỳ 2 năm một lần, đặc biệt là tầm soát ung thư nhưng không biết làm ở đâu và ở Việt Nam có thể có thể biết những loại ung thư nào ở giai đoạn sớm? Ở Viện Nhi TW, toàn các cháu đã bị bệnh mới đến, trẻ khỏe mạnh đến khám thì bác sĩ chỉ nghe tim, phổi, hỏi lâu nay có bệnh gì không, thậm chí tôi hỏi làm xét nghiệm ở đâu thì có vị bảo có bệnh đâu mà làm. (Hien Le, 29 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ - Bác sĩ Phùng Tuyết Lan, Phó trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương: Bệnh ung thư có tỷ lệ mắc rất thấp ở trẻ em. Phần lớn các trẻ đến khám là do bị các bệnh thông thường khác như: viêm họng, sốt virus, tiêu chảy... nên khi đến khám thì các bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm thông thường như công thức máu, nước tiểu hoặc chụp phổi... Hiện tại thì chưa có bệnh ung thư ở trẻ em nào có sàng lọc phát hiện sớm.

Các bà mẹ nên đưa con đến khám khi mà các biểu hiện bất thường kéo dài hoặc được điều trị mà không đỡ như: sốt thất thường, các biểu hiện đau không giải thích được, trẻ kém ăn, sút cân hoặc không lên cân... Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ tùy theo triệu chứng mà chỉ định thêm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

- Các bà mẹ khi vào BV Nhi TW nên cho bé khám ở khoa nào và chú ý những điểm nào về triệu chứng khi mô tả với bác sĩ để bác sĩ chỉ định khám phát hiện u bướu ạ? (Sông Hương, 29 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Các biểu hiện của bệnh ung thư giai đoạn đầu rất giống với nhiều bệnh khác, ví dụ như cảm cúm, viêm đường hô hấp... Đó là những bệnh thông thường cần điều trị trước, nếu không khỏi bệnh hoặc tái diễn nhiều lần thì cần đi khám lại và thông báo với bác sĩ các triệu chứng kết hợp như thiếu máu, đau xương khớp, có hạch, xuất huyết, chảy máu... Từ đó bác sĩ có thể định hướng chỉ định các xét nghiệm cần thiết phát hiện các bệnh u bướu. Khi có những chỉ điểm bệnh ung thư thì bệnh nhân sẽ được chuyển đến khám chuyên khoa ung bướu.

 - Thưa bác sĩ tôi muốn hỏi hiện ở Hà Nội thì bệnh viện nào chuyên khám và chẩn đoán sớm về bệnh ung thư ở trẻ em (Tran Thu Huong, 31 tuổi, Hai ba trung, Ha noi)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Tại Hà Nội, có 3 đơn vị điều trị ung thư trẻ em là khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi Bệnh viện K Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), khoa Nhi Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương. Các đơn vị này đều có thể khám và chẩn đoán bệnh ung thư ở trẻ em. Tuy nhiên để chẩn đoán sớm ung thư trẻ em là vấn đề khó. Bố mẹ cần cho đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi định kỳ hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ ung thư tại các cơ sở y tế gần nhất. Khi có các triệu chứng, xét nghiệm hướng đến bệnh viện ung thư, các cơ sở y tế đa khoa sẽ chuyển bệnh nhân tới các đơn vị chuyên khoa này.

- Xin chào tiến sĩ, tôi là phụ huynh của hai con nhỏ. Hiện nay bệnh u não đang có chiều hướng phát triển mạnh và đại đa số người dân chưa biết được triệu chứng của bệnh này. Vậy xin tiến sĩ hãy cho biết bệnh u não có triệu chứng như thế nào và cách phòng ngừa ra sao, xin cảm ơn. Chúc ngày 8-3 vui vẻ và hạnh phúc (Vu Phong, 38 tuổi, Ha Nam)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Bệnh u não có biểu hiện phụ thuộc vào các vị trí của khối u. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể gợi ý như: đau đầu kéo dài thường vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, buồn nôn và nôn, giảm thị lực hoặc nhìn đôi, nhiều khi trẻ học chóng mệt, giảm sự tập trung cũng như kết quả học tập giảm sút. Đến khi khối u phát triển có thể có các biểu hiện như: co giật, liệt, đi loạng choạng. Trong mọi trường hợp, bạn cần đưa con đến khám chuyên khoa thần kinh, bệnh viện nhi để các bác sĩ khám và cho các xét nghiệm chẩn đoán.

Hiện nay chưa có một điều trị phòng ngừa nào cho các bệnh ung thư ở trẻ em. Xin cảm ơn anh về lời chúc 8/3.

- Kính thưa bác sĩ! Con tôi năm nay được 3 tuổi, cách đây gần 1 năm trên cổ cháu xuất hiện 1 cục u nhỏ, tôi có đem cháu đi khám bác sĩ và chọc sinh thiết xét nghiệm, bác sĩ nói không sao, nhưng gần 1 năm trôi qua nó không xẹp cháu không có biểu hiện gì cả. Xin hỏi liệu khối u đó có sao không? (Bui Anh Dung, 33 tuổi, K17/12 Phan Thanh)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Bạn chưa nói rõ cách đây một năm cháu được chẩn đoán khối u đó là u gì, kích thước là bao nhiêu. Nếu là khối u lành tính thì khối u đó không cần giải quyết, nếu khối u không quá lớn và không ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu. Những khối u đã tồn tại thì thường không tự hết được nếu không được can thiệp, điều trị. Nếu anh chị đưa thêm thông tin, chúng tôi mới có thể trả lời rõ hơn.

 - Cháu nhà em 6 tuổi, đang học lớp 1. Cháu hiếu động, hay chạy nhảy, nghịch ngợm. Cháu thường xuyên có các nốt thâm tím trên da. Em đã đưa cháu đi xét nghiệm máu ở Viện Nhi TƯ và các chỉ số đều bình thường. Vậy làm thế nào để chữa được các triệu chứng trên? Em xin cám ơn! (Lê Thanh Thảo, 37 tuổi, Tổ 55 Dịch Vọng - Cầu Giấy)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Các nốt thâm tím trên da sau va đập không có gì nguy hiểm cả. Nếu cháu không va đập mà bị bầm tím, anh chị nên đưa cháu đi khám chuyên khoa huyết học để tìm hiểu xem cháu có bị các rối loạn về đông máu không.

- Tôi đẻ cháu thứ 2 lúc 35 tuổi, khi con 1,5 tháng tôi thấy trên đầu cháu có một mảng da (2cm) mọng đỏ và phần dưới nách gần ngực phải cũng có vùng như vậy. Cháu khám ở BV Nhi TW và kết luận là u máu, bác sĩ cho thuốc bôi và dặn nếu chỗ đó phát triển quá lớn đi khám lại. May là, vùng da đó chỉ phát triển đến tháng thứ 9 thì nhạt dần và co lại. Hiện cháu 2,5 tuổi, vùng da đó nếu ra nắng thì thấy không giống với vùng da bình thường (không đỏ mọng nhưng vẫn có màu khác). Vậy vậy bệnh đã khỏi hẳn chưa? Có cần đi khám lại không? (Lê Na, 37 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Tuyết Lan: U máu là một loại u lành tính và phần lớn tự thoái triển không cần điều trị. Những khối u máu to hoặc tiến triển nhanh gây ảnh hưởng đến chức năng sẽ có chỉ định điều trị bằng thuốc tác dụng lên mạch máu làm giảm sự phát triển của u hoặc nếu không đáp ứng thì sẽ phẫu thuật. Tiến triển của con bạn cũng phù hợp với tiến trình chung của các khối u máu. Có thể nói là khối u của con bạn đã thoái hóa, không cần phải điều trị thêm nữa. Tuy nhiên, mảng sắc tố ở da có thể sẽ không hoàn toàn trở lại bình thường. Nếu có gì bất thường bạn cần đưa con đi khám lại.

 - Con trai tôi 6 tuổi, cháu hay kêu đau trong xương ống chân vào buổi đêm, có đêm đang ngủ cứ ngồi dậy để bóp chân cho con. Cứ sau mỗi đợt tôi lại cho uống 1 hộp canxi nước, thấy cháu đỡ nhưng rồi lại kêu đau. Xin cho hỏi thế có phải ung thư xương không? Chân thành cảm ơn các bác sĩ. (Lê Dương, 36 tuổi)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Các cháu ở độ tuổi này là độ tuổi đang phát triển về chiều cao, nên hay có những biểu hiện đau xương và triệu chứng sẽ đỡ đi khi trẻ được uống canxi. Nếu biểu hiện đau kéo dài và uống thuốc không đỡ hoặc chân (khớp) có sưng tấy thì bạn cần cho cháu đi khám và làm xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.

- Con trai tôi 5 tuổi, đi khám và xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận cháu bị thiếu máu. Xin bác sĩ cho tôi biết thiếu máu có nguy hiểm không? Chế độ dinh dưỡng cho người bị thiếu máu. Cám ơn bác sĩ (Minh Tam, 35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Thiếu máu là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Thiếu máu ở trẻ em thường là thiếu máu do thiếu sắt, liên quan đến chế độ ăn uống của trẻ. Tùy theo mức độ thiếu máu mà cần phải điều trị bằng thuốc hay chỉ điều chỉnh chế độ ăn. Nếu thiếu máu nặng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ. Chị nên điều trị theo đơn của bác sĩ và tái khám sau một tháng. Nếu cháu thiếu máu nặng và điều trị theo đơn không cải thiện, các bác sĩ sẽ phải chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu để tìm thêm các nguyên nhân thiếu máu ít gặp khác, như bệnh tan máu bẩm sinh...

Chế độ dinh dưỡng cho người thiếu máu: Nếu do nguyên nhân thiếu sắt cần phải bổ sung chế độ ăn giàu sắt như thịt có màu đỏ, rau xanh sẫm màu... Nhưng nếu do bệnh tan máu bẩm sinh thì chế độ ăn lại phải kiêng sắt.

- Em có con nhỏ 34 tháng, từ lúc hơn 12 tháng đến nay, trung bình tháng nào cháu cũng bị sốt, đi khám bác sĩ chẩn đoán đa số bị viêm họng, cũng 2-3 lần bị tay chân miệng. Gần đây nhất cháu bị viêm loét miệng rất nặng, cả tay chân cũng bị nổi mụn nước rất to (cách đây 3 tháng cháu cũng bị 1 lần rồi). Hiện tại cháu đang bị sốt 39-40 độ, đi khám BS chẩn đoán là viêm amidan có mủ. Xin bác sĩ tư vấn dùm em là có nên cho cháu đi xét nghiệm tổng quát không? (Vương Ngọc Thanh, 35 tuổi, 29 đường 218 Cao Lỗ,Phường 4,Quận 8)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Các cháu từ 12 tháng đến 3 tuổi do hệ miễn dịch chưa trưởng thành nên rất hay bị ốm (sốt virus, viêm họng, viêm phế quản, sốt phát ban...). Thông thường khi đến khám, các cháu sẽ được bác sĩ khám lâm sàng và chỉ đinh các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc chụp phổi... để tìm nguyên nhân nhiễm trùng (viêm họng, amidan, nhiễm trùng nước tiểu...) và có điều trị thích hợp. Bạn nên cho con đến bệnh viện khám khi con đang sốt cao như vậy.

- Xin bác sĩ cho em biết nguyên nhân của bướu tế bào mầm. Cháu em 10 tháng tuổi, phát hiện bướu tế bào mầm tinh hoàn giai đoạn đầu, chỉ số AFP = 500. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn, chỉ số AFP=250. Hiện tại bé đã được hóa trị lần 1. Xin bác sĩ cho biết bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn không? Xin cho em lời khuyên để hạn chế những tác dụng phụ trong khi truyền hóa chất như mệt mỏi, nôn ói, khô xạm da. Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Trần, 29 tuổi, Tỉnh Long An)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Hầu hết các loại ung thư trẻ em, trong đó có bướu tế bào mầm đều chưa rõ nguyên nhân. Bướu tế bào mầm có khả năng điều trị khỏi nếu bệnh không tái phát sau khi ngừng điều trị. Tỉ lệ sống không bệnh sau 5 năm của bướu tế bào mầm khoảng 70-80%. Cháu cần tiếp tục hóa trị liệu để tránh tái phát bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Trong khi truyền hóa chất, các bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc chống nôn, truyền dịch để giảm bớt tác dụng phụ. Gia đình cần chia nhỏ các bữa ăn cho cháu để tránh tình trạng khó tiêu, giảm nôn trớ cho trẻ.

 - Xin chào bác sĩ, xin cho tôi hỏi nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư máu, có phải do máu bị nhiễm trùng khi phẫu thuật không? Xin cảm ơn bác sĩ (Nguyen Ngoc Yen, 42 tuổi, B227nguyen duc canh, Quận 7, TP HCM)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Nguyên nhân gây các bệnh ung thư ở trẻ em hiện vẫn chưa rõ ràng. Người ta đã tiến hành những nghiên cứu về nghề nghiệp của bố mẹ, thuốc người mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai, trong gia đình có nhiều người mắc bệnh ung thư... nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân ở đa số các trường hợp ung thư ở trẻ.

Tuy nhiên tôi có thể khẳng định với bạn bệnh ung thư máu không phải do nhiễm trùng khi phẫu thuật nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm.

- Xin hỏi bác sĩ, ở TPHCM bệnh viện nào sẽ khám và tầm soát bệnh ung thư của trẻ em? (Phương Thảo, 32 tuổi, Quận 1, TP.HCM)

Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Khoa Nhi của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, khoa Nhi Bệnh Viện Huyết học truyền máu TP HCM, khoa huyết học ung thư Bệnh viện Nhi đồng 2.

 - Con gái tôi năm nay 4 tuổi, 14kg, cháu có nhiều hạch xung quanh cổ, thường xuyên bị viêm mũi, viêm họng. Cách đây 1 năm, tôi đưa cháu đi khám ở viện lao và bác sĩ kết luận bị lao hạch. Sau 1 năm điều trị, đến nay bệnh lao đã khỏi nhưng hạch vẫn còn nguyên và ở tình trạng viêm quá sản. Vậy theo bác sĩ, tôi có cần đưa cháu đi khám ung bướu hay không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Thu Hà, 33 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Các hạch của cơ thể khi bị viêm nhiễm và đã được điều trị thì có thể bị xơ hóa và không trở về kích thước bình thường được. Hạch đó vẫn tồn tại nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và cháu không cần đi khám chuyên khoa ung bướu.

- Một cháu nhỏ năm nay 12 tuổi. Mới phát hiện bị ung thư máu giai đoạn hai. Xin các bác sĩ cho biết : Nếu chữa trị khả năng thành công đạt bao nhiêu %? Thời gian điều trị dài hay ngắn? Có tốn kém nhiều hay không? (Hương, 42 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Chẩn đoán ung thư máu dựa trên hình thái tế bào và miễn dịch tế bào để xác định là bạch cầu thấp thể lympho hay thể tủy, trong mỗi thể này lại được chia ra các nhóm bệnh khác (ví dụ như: bạch cầu cấp thể lympho tế bào B, T hay bạch cầu cấp thể tủy Mo, M1, M2... đến M7). Trong chẩn đoán bạch cầu cấp không có xếp loại giai đoạn, có thể ngoài biểu hiện ở tủy xương bệnh nhân còn có thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương, gan, lách, thận, hạch ngoại vi, tinh hoàn... Tôi muốn biết cháu nhỏ của bạn hiện đang điều trị ở đâu và chẩn đoán cụ thể như thế nào thì mới có thể tư vấn cho bạn phác đồ, thời gian cũng như kết quả điều trị. Các cháu điều trị có bảo hiểm y tế được chi trả 80% chi phí.

Tôi có 2 con trai, con lớn được gần 3 tuổi rưỡi. Khoảng 1 năm gần đây tôi thấy da mặt cháu tái nhợt và hay tái khi chơi giỡn nhiều. Tôi không biết cháu có vấn đề gì về máu không? Tôi nghe nói bệnh ung thư máu ở trẻ em hiện nay có tỉ lệ rất cao. Nên rất mong bác sĩ giải đáp để tôi không còn lo lắng cho cháu nữa. (Bùi Quang Tâm, 34 tuổi, Quang Trung, Q. Gò Vấp, TPHCM)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Anh cần cho cháu đi khám và xét nghiệm máu để biết chính xác tình trạng sức khỏe của cháu. Những triệu chứng như da tái khi chơi đùa, hoạt động mạnh có thể liên quan đến những bệnh lý khác, không chỉ do thiếu máu.

- Các triệu trứng của bệnh ung thư xương tuổi thiếu niên? Cần có các khám xét như chụp chiếu, xét nghiệm chỉ tiêu gì để biết? Địa chỉ khám bệnh? (Phạm Kim Thanh, 43 tuổi, Phú Thọ)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Các cháu bị ung thư xương thường có biểu hiện đầu tiên là đau, sau đó xuất hiện khối u của xương có hoặc không không kèm theo u phần mềm gây ảnh hưởng đến chức năng (như trẻ khó vận động hoặc đau tăng lên khi vận động...).

Trẻ cần được đi khám (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội), làm các xét nghiệm: chụp Xquang, chụp cắt lớp, sinh thiết u... để có chẩn đoán xác định.

 - Con trai tôi năm nay 6 tuổi, nặng 38 kg, sinh hoạt, học tập bình thường nhưng cháu rất hay chảy máu cam, trung bình mỗi tháng một lần, có tuần chảy liên tiếp 6 ngày. Tôi đã cho đến phòng mạch tư để khám và được cho xét nghiệm máu. bác sĩ nói cháu bị thành mạch mũi mỏng, dễ tổn thương, xin các bác sĩ tư vấn ,tôi có cần đến đâu để kiểm tra lại và phải làm những xét nghiệm nào khác cho cháu không? (Nguyễn Hoàng Hà, 37 tuổi, Tân Bình, TP HCM)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Nguyên nhân chảy máu cam của trẻ thường do tổn thương thành mạch mũi, nhất là khi trẻ hay bị viêm mũi hoặc đôi khi do trẻ hay ngoáy mũi gây tổn thương niêm mạc. Tuy nhiên, nếu cháu thường xuyên bị chảy máu cam và chảy máu kéo dài thì ngoài đi khám chuyên khoa tai mũi họng, cần làm thêm xét nghiệm công thức máu, đông máu cơ bản để phát hiện những rối loạn chức năng đông máu kèm theo.

- Tôi có cháu trai 3 tuổi, bị U Wilms - giai đoạn 2. Đã phẫu thuật cắt 1 bên thận, mức độ ác tính bình thường, chưa có di căn. Xin hỏi: 1. Trình độ và phác đồ, hóa chất của VN sử dụng so với nước ngoài như thế nào? Chúng tôi có cần phải tìm cách ra nước ngoài điều trị không? 2. Căn bệnh này có thể chữa khỏi hẳn được không? Như thế nào thì có thể nhận định là khỏi hẳn. Chúng tôi cần làm gì để cháu có thể đáp ứng tốt nhất với hóa chất và phác đồ điều trị. Trường hợp nào chúng tôi cần cảnh giác sớm? (Nguyễn Văn Bình, 35 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Việt Nam sử dụng các phác đồ điều trị hóa chất như nước ngoài. Hiện tại khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương đang sử dụng phác đồ điều trị u thận của Hiệp hội ung thư trẻ em châu Âu. Các thuốc sử dụng trong phác đồ đều có đầy đủ ở Việt Nam. Một số trung tâm khác sử dụng phác đồ điều trị u thận của Hiệp hội u thận quốc gia của Mỹ. Kết quả điều trị theo thống kê là tương tự với các trung tâm khác trên thế giới.

Với u thận, bạn có thể yên tâm điều trị trong nước. U thận giai đoạn hai có khả năng khỏi bệnh 80-90%. Sau quá trình điều trị các bác sĩ sẽ phải đánh giá lại xem bệnh nhân có còn u không, có bị các biến chứng của quá trình điều trị không. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục tái khám và theo dõi để phát hiện bệnh có tái phát không và có các tác dụng phụ muộn của quá trình điều trị hóa chất không.

Để trẻ đáp ứng tốt nhất với hóa chất và phác đồ điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ thời điểm điều trị theo hẹn của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phát hiện các tác dụng phụ của điều trị một cách kịp thời để báo cho bác sĩ xử lý.

- Chào bác sĩ, con trai tôi 6 tuổi, gần đây bị polyp trực tràng và đã đi cắt. Theo bệnh án thì là polyp có cuống. Tôi đọc báo thấy polyp (đặc biệt là có chân) hay có khả năng gây ung thư. Xin bác sĩ tư vấn khả năng bị ung thư ở bé có cao không và chúng tôi nên làm gì đề phòng ngừa cho bé. Cám ơn bác sĩ (Diep, 30 tuổi, HCM)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Anh chị đã biết được kết quả bệnh của cháu sau khi sinh thiết chưa? Nếu có vấn đề nghi ngờ ác tính thì cần phải khám chuyên khoa ung bướu ngay. Nếu là lành tính thì anh chị cần cho con đi tái khám và siêu âm định kỳ.

Ung thư đại tràng ở trẻ em hiếm gặp, thường hay gặp ở người lớn.

- Con trai tuổi 13 cách đây 1 năm thỉnh thoảng người cháu cứ nổi những vết tím (như bị bầm máu) khắp người. Bác sĩ có thể cho biết đó là biểu hiện gì? Có nguy hiểm không? (Truong, 37 tuổi, Long bien Ha Noi)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Nếu 1 năm nay con bạn hay bị những vết bầm tím như vậy thì có thể do cháu vận động, chơi thể thao nên bị chấn thương nhẹ phần mềm (da, dưới da). Bạn cần theo dõi xem những vết bầm tím như vậy có phải sau va đập hay không. Nếu cháu bị thường xuyên, bầm tím nhiều và không liên quan đến chấn thương thì bạn cần đưa cháu đến viện làm xét nghiệm cần thiết để tìm những rối loạn về đông máu và được bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

- Con em năm nay 8 tuổi. Cháu hay bị lở mồm ở đầu lưỡi có vết trắng dài, và hay đổ máu tươi ở đầu lưỡi. Em để ý cứ 1 tháng cháu bị một lần, và đi khám uống thuốc khoảng 10 ngày thì khỏi nhưng lại hay tái phát lại. Vậy cháu có bị nguy cơ là ung thư hay không. (Đoàn Thị Thủy, 31 tuổi, 151/4 Phạm Hồng Thái Vũng Tàu.)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Cháu đã được xét nghiệm công thức máu định kỳ bao giờ chưa? Nếu xét nghiệm máu bình thường thì các vết loét thường chỉ do viêm nhiễm dẫn đến chảy máu. Nếu bệnh lý do các khối u thì thường kèm theo tổn thương sùi hoặc vết loét theo thời gian sẽ tiến triển nặng lên.

- Thưa bác sĩ, nếu phát hiện trẻ có hạch dưới cổ gần cằm hay phía sau gáy không đau mà nó lúc to lúc nhỏ chứ không hết hẳn liệu có nguy hiểm gì không? (Huỳnh Tiến Triển, 22 tuổi, Thành Phố Quy Nhơn Tỉnh Bình Định)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Đó là các hạch bình thường của cơ thể. Các hạch có tính chất ác tính thường phải to trên 2 cm hoặc nhiều hạch nhỏ tạo thành đám to dần.

- Xin chào bác sĩ. Con em 3 tuổi, bé rất thích uống nước vào buổi tối đi ngủ. 1 buổi tối trước khi đi ngủ bé uống hết 1 lít nước. Bé uống thế có ảnh hưởng gì đến thận hay đến các cơ quan nội tạng khác không ạ. (Chu, 29 tuổi, Dien Bien Phu, Quan 3)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Cháu cần được đi khám chuyên khoa nội tiết tại các bệnh viện nhi. Trẻ uống 1 lít nước trong một buổi tối là quá nhiều so với lứa tuổi.

- Chồng tôi bị ung thư trực tràng, tôi muốn hỏi các con của tôi có bị di truyền hay không ? (Lê Minh Hương, 36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Theo các nghiên cứu hiện nay thì tỷ lệ di truyền trong các bệnh ung thư nói chung ở trẻ em rất thấp. Một gia đình nghi ngờ có gene ung thư di truyền khi có nhiều người ở các thế hệ liên tiếp mắc ung thư sớm (như 30-40 tuổi). Trong trường hợp này, các thành viên gia đình sẽ được làm xét nghiệm để tìm gene ung thư (hiện ở Việt Nam còn chưa phát triển lĩnh vực này).

Bạn không cần lo lắng quá, tỷ lệ di truyền bệnh ung thư của chồng bạn cho các con là rất thấp.

- Con trai tôi năm nay 2 tuổi, phần lòng trắng của mắt cháu có vết lấm chấm đen khoảng 2mm. Xin hỏi có vấn đề gì không ạ? (Nguyen Minh Trang, 39 tuổi, Tổ 9 Định Công, Hoàng Mai, HN)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Vết lấm chấm đen ở lòng trắng mắt thường là do rối loạn sắc tố, không gây nguy hiểm gì, nhưng chị vẫn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa mắt để xem bé có mắc bệnh lý gì về mắt không.

- Bênh ung thư thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi nào? Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh? (Nguyen Thi Ngoc, 30 tuổi, Hai duong)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Bệnh ung thư trẻ em có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi hay gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, chiếm đến 50% ung thư trẻ em.

- Kính chào bác sĩ! Em hiện đang có con nhỏ( bé gái 18 tháng), các biểu hiện nào dễ nhận biết đối với một trẻ bị ung thư ở giai đoạn sớm, vì nhà em ở miền Trung, cách xa các trung tâm về các bệnh nhi nên điều kiện thăm khám định kỳ theo khuyến khích gặp rất nhiều khó khăn, vậy mong bác sĩ giúp cho những thông tin và triệu chứng về bệnh ung thư ở trẻ. Xin chân thành cảm ơn! (Cao Thị Xuân Cảng, 33 tuổi, Xã Phổ Hoà, Huyện Đức Phổ, Tỉnh Quảng Ngãi)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Bệnh ung thư ở trẻ rất ít gặp và trên thế giới cũng không thực hiện khám định kỳ để phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường và kéo dài như: sốt, da xanh, đau chướng bụng, kém ăn, gầy sút... thì cần cho cháu đến các trung tâm khám chữa bệnh nhi khoa để được bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cần thiết tìm nguyên nhân.

- Em con 8 tuổi. 1 tháng nay em con bị nhức đầu và ói vào buổi sáng. Mẹ con đưa em đi Sài Gòn khám người ta nói bị viêm xoang, nhưng uống thuốc 4 ngày vẫn không bớt . Mẹ con thường cho chị em con ăn thịt nướng chiên , ăn vậy có ảnh hưởng gì không? (Nguyễn Thị Hồng, 14 tuổi, Long hồ vĩnh long)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Các triệu chứng của em cháu có thể là viêm xoang, như em cháu đã được chẩn đoán. Điều trị viêm xoang trong 4 ngày có thể chưa cải thiện nhiều, nên cho em tiếp tục điều trị theo hết đơn của bác sĩ trong khoảng 10-14 ngày. Nếu triệu chứng không đỡ, cháu sẽ phải được tái khám, làm xét nghiệm và chụp phim CT sọ não.

Thường xuyên ăn thịt nướng, chiên nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

- Chào chị, em bị bướu cổ đã phẫu thuật năm 2009, em có hai đức con trai, một đứa 6 tuổi, một đứa 4 tuổi. Cho em hỏi liệu 2 đứa con của em có bị bướu cổ giống em không (Ngọc, 32 tuổi, TPHCM)

Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Em bị bướu cổ loại gì, lành tính hay ác tính? Nếu em bị bướu cổ do thiếu i ốt, chế độ ăn của gia đình vẫn tiếp tục thiếu i ốt thì có thể các con em cũng bị. Nhưng nếu em bị các loại bướu cổ khác thì các con em sẽ không bị, vì các bệnh bướu cổ không di truyền.

- Con trai tôi bây giờ được 18 tháng tuổi. Lúc 1 tháng trên người cháu xuất hiện các vết nám màu cafe. 10 tháng tôi cho cháu đi khám ở bác sĩ tư nhân họ bảo cháu bị u dây thần kinh. Hiện nay tôi thấy trên người cháu nổi rất nhiều khối u nhỏ. Vậy tôi muốn hỏi bác sĩ bây giờ tôi muốn đi khám các khối u cho cháu thì khám ở đâu? Và với tuổi của cháu bây giờ thì đã cắt các u đó được chưa? Cháu nhà tôi thì thấp hơn với các bạn cùng lứa rất nhiều. (Trần Đức Thắng, 32 tuổi, Khương Thượng-Đống Đa-HN)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Tôi nghĩ con bạn bị bệnh Neurofibromatosis, các khối u dưới da có tính chất lành tính và không đáp ứng với hóa chất. Trong trường hợp các khối u to, gây ảnh hưởng đến chức năng thì cần được phẫu thuật cắt bỏ. Đây là một bệnh phức tạp và có thể có nhiều biểu hiện khác nhau (như: động kinh, rối loạn về phát triển tinh thần và thể chất, nguy cơ bị ung thư về sau cao hơn ở quần thể bình thường...) cho nên bạn cần cho con đi khám và theo dõi tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương để cho cháu được theo dõi và can thiệp điều trị kịp thời.

- Con trai em 4 tuổi rưỡi. Em phát hiện bé nhà em có 2 cục hạch ở cổ (phần dưới tai), 2 bên đều có. Em đã cho bé đi siêu âm ở BV Ung Bướu TPHCM, kết quả siêu âm là hạch tam giác cổ. Bác sĩ có bảo là do amidan của bé lớn nên sinh ra hạch. Xin bác sĩ tư vấn cho em có phải uống thuốc gì cho cục hạch này nhỏ đi không? Và em có phải xét nghiệm thêm hay tái khám thường xuyên cho bé hay không? (Pham Thi Minh Ha, 30 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Những hạch này là hạch bình thường của cơ thể, chúng sẽ to lên khi amidan hoặc vùng họng bị viêm nhiễm. Hạch này sẽ không mất đi, cháu không cần điều trị thuốc gì nếu không có viêm nhiễm.

- Tôi có con gái năm nay 3 tuổi, khoảng 2 tháng nay cháu có những biểu hiện như đau bụng bên phải, bụng trướng to, các mạch máu ở bụng nổi vằn lên và sốt 39 độ, kính mong các bác sĩ tư vấn giúp (Đỗ Ngọc Quang, 30 tuổi, Nguyễn Công Trứ - Ha Noi)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Anh nên đưa cháu đi khám bệnh tại các cơ sở nhi khoa để được các bác sĩ khám và cho làm các xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm máu, siêu âm bụng...) để tìm nguyên nhân.

- Khi trẻ em bị ung thư thì chế độ dinh dưỡng hàng ngày như thế nào thì hợp lý? Hiện nay có một chế độ dinh dưỡng nào đã được nghiên cứu để dành riêng cho trẻ em bị ung thư không? Xin cảm ơn Bs (Nguyễn Văn Quế, 30 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Chế độ ăn cho trẻ bị ung thư cần giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, sạch. Trẻ không cần phải kiêng ăn gì. Trong giai đoạn điều trị hóa chất thì nên chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu. Nếu trẻ chán ăn, có thể phải đặt ống thông dạ dày để bơm thức ăn cho trẻ.

Trẻ trên 10 tuổi thì có thể sử dụng loại sữa dành cho bệnh nhân bị ung thư.

- Em có con được 5 tuổi. Khoảng 3 tháng gần đây trên cổ bên trái cháu có nổi 2 hạch nhỏ. Hành sốt bé. Uống thuốc thì giảm. Nhưng hạch cứ tái đi tái lại và hành sốt. Đi khám thì bác sĩ nói là viêm. Nhưng uống thuốc hạch vẫn không lặn. Xin hỏi bác sĩ hạch đó có nguy hiểm không?Và tôi cần phải đi khám lại cho cháu không? Cứ lâu lâu hạch đó nổi to lên 1 tí là bé bị sốt. Uống thuốc thì xẹp nhưng vẫn còn nhìn thấy u hạch ngay cổ không xẹp hẳn. (Nguyen Thi Lan, 30 tuổi, Hiep Thanh, TXTDM, BInh Duong)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Hệ thống hạch là một cơ quan thực hiện chức năng miễn dịch của cơ thể. Khi có các tác nhân nhiễm trùng thì hạch là một trong những cơ quan tạo ra sức đề kháng để bảo vệ cơ thể. Vì vậy, khi các cháu bé bị sốt, viêm họng, viêm tai, mụn nhọt... thì các hạch phản ứng bằng cách to lên. Bình thường các hạch nhỏ dưới 1cm, di động tốt, không đau. Nếu hạch của con bạn to trên 1cm, sờ chắc, ít di động thì bạn nên cho con đến viện để làm một số xét nghiệm kiểm tra: công thức máu, siêu âm, tế bào...

- Bé nhà em nay được hơn 11 tháng tuổi, ở lưng bé có một cục nhỏ, mà cục này bọn em phát hiện khi bé 7 - 8 tháng tuổi, và vợ chồng em cũng cho bé đi khám ở BV đại học Y hà nội. Ở đó bác sĩ siêu âm tại vùng nổi cục và chuẩn đoán là u mỡ, nhưng chưa chắc chắn, và bảo nhà về theo dõi. Đến nay em thấy u đó lớn dần lên. Em lo quá, giờ không biết cho bé đi khám ở đâu thì chuẩn nhất, và có nguy hiểm cho bé không? bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. (Diễm Hương, 28 tuổi, Hà nội)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Bạn có thể cho con đến khám lại tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương để cho con được khám và làm các xét nghiệm cần thiết (siêu âm, tế bào) và tư vấn về điều trị.

 - Hiện nay một số bệnh viện tại Hà Nội nhận xét nghiệm máu để chuẩn đoán ung thư sớm. Xin hỏi xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư không ? Trân trọng cảm ơn (Nguyễn Duy Hùng, 32 tuổi, Thành phố lào Cai)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư sớm thường để tầm soát ung thư ở người lớn. Các loại ung thư thường gặp ở trẻ em không giống như các loại ung thư thường gặp ở người lớn. Ở trẻ em, ung thư hay gặp nhất là ung thư máu, các loại u đặc ác tính hay gặp khác là u não, u nguyên bào thần kinh, u lympho, u gan, u thận, u cơ vân...

Khi trẻ có những triệu chứng nghi ngờ của bệnh ung thư nên đưa cháu đi khám và xét nghiệm. Phát hiện sớm ung thư ở trẻ em khó hơn ở người lớn.

- Cháu gái tôi có nhiều khối u ở 2 bên đùi. Đi khám bác sĩ chuẩn đoán là u mỡ và đã được mổ. Nhưng đến nay lại thấy nổi lên chỗ khác. Vậy hỏi bác sĩ cháu có bị ung thư không và điều trị như thế nào (Lê Văn Luân, 28 tuổi, Hà nội)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: U mỡ là khối u lành tính, chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật cắt u. Tuy nhiên khối u này dễ tái phát. Nếu kết quả giải phẫu bệnh khối u của cháu đã là u mỡ thì anh không có gì đáng lo ngại.

- Làm sao để phát hiện ra kịp thời bệnh bướu nguyên bào thần kinh, em có 1 đứa cháu đã mất vì bị bệnh này. Gia đình đã đưa cháu đi khám ở bệnh viện nhi đồng nhiều lần khi 1 tuổi, cháu hay bị sốt, ói nằm viện nhiều lần, nhưng bác sĩ không phát hiện ra, đến khi cháu 2 tuổi bệnh phát nặng giai đoạn 3 rồi thì bác sĩ mới phát hiện thì đã muộn. Thưa bác sĩ bệnh này có di chuyền hay không? Vì mẹ của cháu cũng mới sanh thêm 1 baby nên gia đình cũng lo lắng. Cám ơn Bác sĩ. (Hong Vu, 36 tuổi, USA)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Khoảng 2% các trường hợp u nguyên bào thần kinh có tính chất gia đình và có thể chẩn đoán bằng các xét nghiệm di truyền phân tử (hiện tại chưa làm được ở Việt Nam). Anh cũng không cần quá lo lắng cho cháu mới sinh. Nếu cháu có những biểu hiện như sốt, nôn trớ, chướng bụng, gia đình nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng để tư vấn và khám. Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán các khối u ở các bệnh viện Việt Nam cũng tương đối đầy đủ.

- Xin cho hỏi, u hạt ái toan có nguy hiểm không? Có dễ tái phát và có khả năng chuyển thành u ác tính (ung thư) không? (Thu Hà, 30 tuổi, Quận 7, TP.HCM)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: U hạt ái toan có thể diễn biến thành ác tính hoặc lành tính mà không thể tiên lượng trước được. Bệnh dễ tái phát, vì thế cần phải tái khám để theo dõi tiến triển của bệnh.

- Con em năm nay 19 tháng, lúc khoảng 3 tháng em thấy trên cổ trái (gần mang tai) có một khối u nhỏ mầu tím, em đã cho cháu khám ở viện nhi trung ương thì các bác sĩ bảo là u máu, không sao, từ ngày đó tới giờ khối u không to ra, em rất lo lắng, liệu khối u có ảnh hưởng tới sức khoẻ của cháu ko ? Và làm thế nào để hết được khối u đó. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. (Trần Mỹ Duyên, 28 tuổi, 108C3 Nghĩa tân - cầu giấy - hà nội)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: U máu là dạng khối u lành tính. Khối u có thể tự thoái lui khi trẻ lớn. Hiện cháu đã 19 tháng và khối u không to ra nên không ảnh hưởng gì tới sức khỏe, em không cần quá lo lắng. Khi cháu lớn mà khối u không hết thì có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

- Con gái tôi 3 tuổi hiện đang bị bệnh u hạch thần kinh dạng biệt hóa. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp hướng chăm sóc và điều trị cho cháu sau khi truyền hóa chất, tôi xin chân thành cảm ơn! (Trần Long, 32 tuổi, 30 phố Huế)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Để có thể tư vấn đầy đủ được cho gia đình, chúng tôi cần có tất cả các thông tin về bệnh của cháu: hình ảnh khối u trước khi mổ, kết quả chẩn đoán giải phẫu bệnh, xét nghiệm đánh giá di căn (tủy xương). Đây là một khối u có tiến triển rất đa dạng: một số trường hợp có thể chỉ cần điều trị phẫu thuật (khoảng 40%), một số sẽ cần điều trị phẫu thuật cộng với hóa chất mức độ vừa phải (20%) và có kết quả khỏi bệnh cao (80-90%). 40% các trường hợp còn lại là u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao có tiến triển rất ác tính, ở các nước phát triển với điều trị tiên tiến (ghép tủy, điều trị miễn dịch, điều trị biệt hóa tế bào...), kết quả chỉ đạt khoảng 40-50%.

- Thưa bác sĩ, em có nghe nói nếu em bé từ nhỏ vì lý do nào đó mà thường chụp X quang, CT thì sau này lớn lên rất dễ bị ung thư, có phải như vậy không ạ? Con em từ nhỏ đến nay 4 tuổi vì hay bị hen, viêm phổi nên đã chụp X quang 3 lần, có một lần bị té phải chụp CT đầu. (Hong Hanh, 34 tuổi, Tphcm)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Tiếp xúc nhiều với tia X cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, tiếp xúc nhiều nhất phải là những người làm việc trong khoa chẩn đoán hình ảnh. Hơn nữa, hiện nay các máy chụp đều có thời gian chụp rất nhanh nên thời gian bệnh nhân tiếp xúc với tia xạ ngắn, ít ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Nếu con bạn phải chụp X-quang liên tục, hằng tháng thì mới đáng lo ngại, còn mới chụp X-quang 3 lần và chụp CT một lần thì khả năng nhiễm xạ không cao, và bạn không cần phải lo lắng.

- Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi thường có nguy cơ gặp những loại ung thư nào? Cách phát hiện sớm và điều trị? (Nguyễn Đạo, 36 tuổi, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Tuyết Lan: Khoảng 60% trẻ em bị ung thư là dưới 6 tuổi. Các bệnh ung thư thường gặp ở lứa tuổi này là: ung thư máu, ung thư thận, ung thư hệ thống hạch, u nguyên bào thần kinh, ung thư gan, ung thư võng mạc, ung thư tế bào mầm, ung thư mô mềm. Để phát hiện kịp thời bệnh cần đưa trẻ đi khám khi có những biểu hiện bất thường kéo dài, không hết khi được điều trị. Cần đưa trẻ đến khám bệnh tại các trung tâm chuyên sâu về nhi khoa để trẻ có thể được khám các chuyên khoa sâu và làm các xét nghiệm cần thiết.

Điều trị ung thư ở trẻ em chủ yếu bằng phương pháp hóa trị liệu, các khối u ở trẻ em thường đáp ứng rất tốt với hóa chất. Ngoài ra, đối với các khối u đặc, trẻ được điều trị phẫu thuật cắt bỏ u. Tia xạ được chỉ định hạn chế ở trẻ em do có thể có tác dụng phụ, các biến chứng nặng về sau.

- Vợ tôi mất vì ung thư vú khi con gái tôi mới được 4 tuổi rưỡi. Vậy con tôi có nguy cơ bị bệnh này không? Phải phòng tránh và kiểm tra thế nào? (Trương Công Dược, 38 tuổi, Khu Tập thể Địa chất Như Quỳnh Văn Lâm Hưng Yên)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: Tần suất bị bệnh ung thư vú của con gái có mẹ bị ung thư vú cao hơn các trẻ gái có mẹ bình thường. Cháu nên được khám vú và kiểm tra định kỳ khi cháu ngoài 25 tuổi. Ung thư vú nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn nên anh không nên quá lo lắng.

- Tôi đã có con và đã có kết luận là u nguyên bào gan. Hiện tại, tôi đã chữa trị cho cháu xong, nay tôi muốn sinh thêm cháu nữa. Vậy kính hỏi bác sĩ cháu tôi muốn sinh có thể bị như cháu trước không và làm thế nào để phát hiện và ngăn chặn sớm căn bệnh ung thư từ khi còn mang thai được không, cũng như nguyên nhân gây bệnh ung thư ở trẻ em. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Nguyen trong Quang, 30 tuoi, Ha Dong, Ha Noi)

- Bác sĩ Bùi Ngọc Lan: U nguyên bào gan không di truyền. Anh không có gì cần lo lắng khi sinh cháu thứ hai.

Có một số loại u có thể có trong thời kỳ bào thai thì có thể phát hiện bằng siêu âm thai. Đa số các loại u khác xuất hiện ở những lứa tuổi khác nhau của trẻ và không có khả năng ngăn chặn từ khi còn trong bụng mẹ.

Đời sống

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]