Đừng để béo phì mới tìm cách... phanh!

Nhiều bậc phụ huynh quan niệm đơn giản tăng cân nhanh là biểu hiện của một chế độ dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, khi để cho cân nặng của trẻ “vô tư”... tiến thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

0
Xem tivi, chơi điện tử nhiều: không tốt Khẩu phần ăn của N.V.Hùng, một bé trai 10 tuổi: sáng xôi và bánh chưng (hoặc phở, loại “đặc biệt” 12.000 đồng), giắt túi một hộp sữa tươi có đường đến lớp, bữa trưa, bữa chiều đều đều ba bát, buổi tối cả nhà lại dẫn nhau đi “bổ sung” món cháo gà. Chưa kể, nhà ông bà nội mở hàng giải khát, nên cậu học sinh lớp 5 ấy còn thoải mái uống nước ngọt và ăn bim bim! Kết quả, 10 tuổi, cao 1,4m, nhưng Ng.V. Hùng đã cân nặng đến 50kg. Theo bác sĩ Lê Thị Hải, trưởng phòng khám và tư vấn dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hùng bị béo độ 2. Yêu cầu cân nặng cho phép đối với phạm vi chiều cao và độ tuổi như Hùng chỉ là 34kg. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho kết quả 4,9% số trẻ từ 4 - 6 tuổi tại Hà Nội bị thừa cân, béo phì. Ở TP.HCM, tỉ lệ này còn cao hơn rất nhiều. Có 6% trẻ dưới 5 tuổi và đến 22,7% trẻ đang học cấp I bị thừa cân, béo phì. Tình trạng thừa cân, béo phì phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là đối tượng mới lớn nên các em thường không tự chủ được về chế độ dinh dưỡng, cứ thèm là ăn ngay, ăn no. Mỗi ngày, trung bình một học sinh tiểu học ở Hà Nội bị thừa cân - béo phì học bài, đọc truyện, sách báo hết bốn giờ; xem tivi, chơi điện tử hơn một giờ; còn thời gian tham gia các vận động thể lực như chạy, đi bộ, đi xe đạp, chơi thể dục thể thao chỉ chưa đầy một giờ. Sự mất cân đối trong chế độ sinh hoạt hằng ngày đã khiến nhiều em tăng cân không kiểm soát, trở nên kém linh hoạt, gặp khó khăn trong những vận động nhanh và mạnh. Tỉ lệ trẻ béo phì ngày càng tăng, mỗi ngày Viện Dinh dưỡng quốc gia tiếp nhận từ 6 - 7 cháu đến khám và xin được tư vấn. Như vậy, mỗi tháng, phòng tư vấn phải kê thực đơn dinh dưỡng cho gần 200 cháu có liên quan đến hiện tượng này. Suy dinh dưỡng... dễ dẫn đến béo phì! Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết lượng trẻ đến khám vì béo phì khá đông (chủ yếu ở lứa tuổi 9, 10) nhưng vẫn chưa phản ánh được con số thực tế. Phần lớn phải đợi khi tăng cân biến thành béo phì mới đến xin tư vấn. Vẫn còn phổ biến tình trạng đến khám xuất phát trước hết vì yếu tố thẩm mỹ chứ không phải từ mối lo về sức khỏe. Thực chất thừa cân - béo phì không phải là một căn bệnh. Nhưng nó lại là biểu hiện của tình trạng thể chất không hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sĩ Hải cho rằng ở trẻ em và thanh thiếu niên, thừa cân còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức lứa tuổi, nhưng đã qua tuổi dậy thì mà trọng lượng cơ thể vẫn duy trì ở mức ngoài tiêu chuẩn thì chắc chắn sức khỏe “có vấn đề”. Béo phì là yếu tố nguy cơ của một loạt căn bệnh liên quan như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn bilance mỡ, xơ vữa động mạch... Có đến 15,8% trẻ dưới 10 tuổi, 32,9% người trưởng thành bị thừa cân sinh ra triệu chứng tăng huyết áp; 2,9% trẻ cấp I và 9% người trưởng thành bị thừa cân có liên quan đến rối loạn đường huyết. Đối với trẻ sơ sinh cân nặng trên 3,5kg và trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, nguy cơ thừa cân cao hơn nhiều so với bình thường. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ có nguy cơ thừa cân cao hơn trẻ được nuôi bằng sữa mẹ 2,8 lần. Theo bác sĩ Hải, tỉ lệ thừa cân - béo phì tăng nhanh trên tất cả các đối tượng chính là hệ quả của lối sống bị thay đổi đột ngột, ăn uống nhiều lên, vận động ít đi. Nguy hiểm là nhiều trường hợp suy dinh dưỡng thể còi cọc, nay ăn uống “bù lại” vượt cả mức cần thiết, song không phát triển được chiều cao một cách tương xứng, mà chủ yếu là tăng... vòng bụng.

Hiện tượng này vẫn được giới chuyên môn gọi là “suy dinh dưỡng thể thấp có liên quan đến béo phì”. “Các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các cháu nếu không muốn phải có các can thiệp về y tế” - bác sĩ Hải khuyến cáo.

Theo Tuổi Trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]