Gần 30 loại bệnh của bà mẹ ảnh hưởng đến thai nhi

SẢN PHỤ & THAI NHI.- Trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi, có thể bao gồm một số các bệnh của người mẹ. Ngoài ra, thuốc và những phương thức khác dùng để điều trị các bệnh này cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, các bệnh nhiễm trùng của mẹ có thể gây hiệu quả nghiêm trọng cho bào thai.

15.5832

1. Các bệnh nhiễm trùng

a. Do siêu vi:

- Sởi: Mẹ bị sởi có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non nhưng không gây dị tật bẩm sinh cho con.

- Bại liệt: Phân nửa các bà mẹ bị bại liệt lúc mang thai 3 tháng đầu có thể dẫn đến sẩy thai. Nếu bị bại liệt vào các tháng cuối của thai kỳ có thể làm thai chết trong bụng mẹ. Tuy nhiên bệnh này không gây dị tật bẩm sinh cho con.

- Siêu vi Coxsackie: Siêu vi Coxsackie có thể qua nhau thai, gây dị tật bẩm sinh cho con. Coxsackie B2 và B4 kèm dị dạng đường tiết niệu sinh dục, Coxsackie A9 kèm dị dạng đường tiêu hóa, Coxsackie B3 và B4 kèm dị dạng hệ tim mạch. Nếu bào thai bị nhiễm hơn hai loại Coxsackie, tỉ lệ tim bẩm sinh ở con tăng cao. Mẹ bị nhiễm siêu vi này vào tháng cuối thai kỳ, trẻ sinh ra có thể bị ói ọc, sốt, tím tái, tim đập nhanh. Trẻ có thể tử vong do viêm cơ tim hoặc viêm màng não.

- Siêu vi ECHO: Siêu vi ECHO có thể qua nhau thai gây viêm màng não cho trẻ, để lại di chứng thần kinh. Viêm gan do siêu vi ECHO gây tỉ lệ tử vong cao ở trẻ.

- Cúm: Mẹ bị cúm có thể sẩy thai, thai chết trong bụng hoặc sinh non. Đa số các trường hợp trẻ có dị tật bẩm sinh nhẹ, hiếm khi có dị tật bẩm sinh nặng ở não. Trẻ sinh ra có thể bị viêm phổi.

- Quai bị: Mẹ bị quai bị có thể sẩy thai và sinh non. Trẻ sinh ra có thể nhẹ cân và bị dị tật bẩm sinh.

b. Do vi trùng:

- Lao: Mẹ suy kiệt vì bệnh lao, thai nhi có thể sẽ phát triển chậm. Mẹ bị lao nặng có thể gây sẩy thai, thai chết trong bụng hoặc sinh non.

- Lậu: Mẹ bị nhiễm vi trùng lậu có thể gây cho con. Trẻ bị viêm kết mạc do lậu diễn tiến, có thể bị mù nếu không được điều trị kịp thời.

c. Do ký sinh trùng:

- Sốt rét: Mẹ sốt rét có thể gây sẩy thai, thai chết trong bụng hoặc sinh non. Trẻ sinh ra có thể nhẹ cân, sốt, thiếu máu, vàng da, gan và lách to.

2. Các bệnh hô hấp

a - Viêm phổi: Viêm phổi do phế cầu là loại viêm phổi thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nếu mẹ viêm phổi nặng có thể gây sẩy thai, thai chết trong bụng, sinh non. Viêm phổi do thủy đậu có thể gây khó thở cho cả mẹ và con.

b - Suyễn: Mẹ bị suyễn có thể làm thai chết trong bụng hoặc sinh non.

c - Bệnh phổi mãn: Nếu mẹ bị bệnh phổi mãn có thể làm thai nhi chậm phát triển. Khó thở cấp có thể gây tử vong cho cả mẹ và con.

3. Các bệnh tiêu hóa

a - Viêm loét đại tràng: Mẹ bị viêm loét đại tràng có thể dẫn đến sẩy thai.

b - Vàng da ứ mật: Mẹ bị vàng da ứ mật có thể làm thai chết trong bụng, sinh non hoặc trẻ sinh bị ngạt.

c - Viêm tụy cấp: Mẹ viêm tụy cấp có thể gây sẩy thai, thai chết trong bụng, sinh non.

4. Các bệnh về máu

a - Giảm tiểu cầu: Mẹ bị xuất huyết giảm tiểu cầu thì con có nguy cơ bị xuất huyết não do giảm tiểu cầu.

b - Thiếu máu: Mẹ bị thiếu máu nặng thì thai có thể chậm phát triển, sẩy thai, thai chết trong bụng hoặc trẻ sinh non, sinh bị ngạt.

5. Các bệnh thần kinh

a - Động kinh: Mẹ động kinh thì con cũng có nguy cơ cao bị động kinh. Nếu mẹ bị co giật trong thai kỳ thì sẽ làm tăng khả năng tử vong cho thai. Mẹ bị động kinh có khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh cao gấp 8 lần những bà mẹ không bị động kinh.

b - Nhược cơ: Mẹ bị nhược cơ thì trẻ sinh ra có thể bị yếu cơ, khóc yếu và bú yếu. Các triệu chứng này xuất hiện khoảng 10 ngày sau khi sinh và thường hồi phục sau nhiều tuần.

6. Các bệnh tim mạch

a - Bệnh tim: Nguy cơ tử vong cho thai nhi phụ thuộc vào mức độ bệnh tim ở mẹ.

b - Sốc do mất máu: Mẹ bị sốc do mất máu có thể gây tình trạng ngạt cho thai.

c - Cao huyết áp: Cao huyết áp nặng đe dọa cả mẹ và con. Tiền sản giật và sản giật có thể làm thai chậm phát triển, sinh ngạt, sinh non.

7. Các bệnh thận - nội tiết

a - Viêm cầu thận: Mẹ lúc mang thai viêm cầu thận thì thai bị hư khoảng 10%, sinh non- sinh ngạt khoảng 20%.

b - Nhiễm trùng tiểu: Mẹ nhiễm trùng tiểu có thể sinh non, sẩy thai hoặc thai chết trong bụng.

c - Tiểu đường: Mẹ bị tiểu đường sinh con thường to và trẻ dễ bị hạ đường trong máu.

8. Bệnh ngoại khoa

a - Viêm ruột thừa: Đây là loại bệnh ngoại khoa thường gặp. Mẹ viêm ruột thừa trong 3 tháng đầu có thể bị sẩy thai, trong 3 tháng cuối có thể gây sinh non.

b - Chấn thương vùng bụng: Các tai nạn giao thông có thể gây chấn thương gan, lách, thận, ruột của mẹ cũng như chấn thương trực tiếp cho thai.

Trên đây là một số bệnh nếu các bà mẹ mắc phải trong thời gian mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Để đảm bảo cho trẻ sinh ra được khỏe mạnh, các phụ nữ mang thai cần đến các bệnh viện, cơ sở y tế khám thai định kỳ nhằm phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý gây tác động bất lợi cho thai.

 

Ý kiến bác sĩ Lăng Thị Hữu Hiệp (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ)

“Mọi phụ nữ có thai cần đi khám tiền sản ít nhất 3 lần: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khám tiền sản, từ xét nghiệm máu, chọc ối (làm nhiễm sắc thể đồ...) đến siêu âm. Trong 3 tháng đầu, khám để phát hiện dị tật đầu, vô sọ ở thai nhi; 3 tháng giữa phát hiện đa số các dị tật bẩm sinh; 3 tháng cuối kiểm tra các dị tật muộn (như sứt môi). Những phụ nữ có nguy cơ cao cần siêu âm: gia đình có người dị tật, tiền căn sinh con dị tật, phụ nữ trên 35 tuổi, trong thai kỳ có bệnh hay uống thuốc nghi ngờ làm ảnh hưởng đến thai nhi... Ngoài ra chúng tôi cũng đáp ứng yêu cầu của những sản phụ muốn biết về sức khỏe, hình dạng thai nhi... Phòng khám thai bệnh viện sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và yêu cầu của sản phụ”.

P.S

 

 

Hiệu năng của siêu âm phôi thai đến đâu?

Siêu âm phôi thai đã bắt đầu cách đây 20 năm tại các nước tiên tiến. Những bất thường của phôi thai rất nhiều, trong đó đáng chú ý là hiện tượng chậm tăng trưởng, tim mạch khác thường, sự rối loạn của não... Tính trung bình, siêu âm có thể phát hiện 60% những bệnh tật xuất hiện trong thai. Ngoài máy móc, chất lượng siêu âm cũng ít nhiều phụ thuộc vào khả năng và kinh nghiệm của kỹ thuật viên cũng như vào thời điểm siêu âm đã được chỉ định. Hạn chế của siêu âm hiện nay là không thể phát hiện dị tật mù, điếc và một vài bệnh di truyền ở phôi thai. Trong những trường hợp nghi ngờ kết quả, các bà mẹ có thể đề nghị siêu âm lại, kèm theo đó là các xét nghiệm sinh học, chụp CT Scan hoặc MRI tùy theo chỉ định của các bác sĩ.

T.Ng

(Theo Reuters, MSNBC health)

 

 

 

 

 

BS Cam Ngọc Phượng (Khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]