Ông Trịnh Thanh Hoan, Phó chủ tịch hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam đã nhấn mạnh như thế tại hội thảo "Bảo hiểm ung thư Việt Nam – thu hẹp khoảng cách từ sáng kiến đến việc tiếp cận điều trị ung thư", diễn ra ngày 22.5.
 Chi phí điều trị ung thư quá cao 
Theo TS.BS Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, mỗi năm cả nước có 116.000 ca mắc ung thư mới, có hơn 50% trong số đó bị tử vong. 
Trong thời gian tới, Việt Nam là một trong những khu vực có số lượng người mắc ung thư ngày càng cao. Trong khi đó, chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư đang tăng cao.
Ông Dũng cho biết, đối với ung thư vú, nếu phát hiện sớm, chỉ có mổ cũng đã tốn đến hơn 80 triệu đồng. Còn với điều trị ung thư vú cho một quá trình phải tốn từ 650 triệu đồng đến 700 triệu đồng.
Đối với ung thư gan, một trong những loại ung thư có số lượng người mắc khá cao, đặc biệt là ở nam giới. Hiện nay là ung thư này chỉ có một loại thuốc duy nhất để dùng điều trị, chi phí lên đến trên 800 triệu đồng.
Hay ung thư  đại tràng – dạ dày, chi phí cho một quá trình điều trị cũng lên đến 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng. 
Việc chi phí điều trị tăng cao theo ông Dũng,  một phần là  sử dụng những công nghệ hiện đại, thuốc điều trị chất lượng cao để điều trị ung thu có hiệu quả hơn.
“Nếu như ở 10 năm trước, việc phẫu thuật chỉ đơn thuần  để cho bệnh nhân có thể sống, thì hiện hiện việc phẫu thuật phải làm sao bệnh nhân ung thư có thể làm việc trở lại như bình thường. Do đó việc phẫu thuật phải đòi hỏi tái tạo, tạo hình, nội soi, vi phẫu...không giống như phẫu thuật của 10 năm trước”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, dù hiện nay Bệnh viện Ung Bướu đã sử dụng xét nghiệm tương đối hiện đại là xét nghiệm PET, nhưng trong thời  tới để bảo đảm hiệu quả cần phải xét nghiệm sinh học phân tử.  Đây là điều cần phải làm, để điều trị ung thư hiệu quả không thể không làm xét nghiệm sinh học phân tử . Như  thế chi phí cho bệnh nhân điều trị ung thư sẽ tiếp tục gia tăng.
Ngay cả hóa trị, việc điều trị thuốc hiện hay không phải thuốc rẻ tiền như trước mà phải là thuốc mới đạt giá trị hiệu quả điều trị cao hơn, với giá tiền cũng cao hơn.  
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, với mức chi trả bảo hiểm y tế như hiện nay, hầu hết các loại thuốc mới, bệnh nhân điều trị ung thư không thể tiếp cận được. Nguồn chi trả của bảo hiểm cũng như hỗ trợ của nhà nước cho công tác điều trị ung thư hiện nay chưa đủ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực để phục vụ công tác điều trị ung thư đạt hiệu quả.
Ông Dũng mong muốn, bảo hiểm y tế phải làm sao để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho bệnh nhân điều trị ung thư. 

Chi phí điều trị ung thư ngày càng tốn kém-Ảnh minh họa
“Bảo hiểm không nên ngại tốn kém, bắt bệnh nhân chỉ điều trị loại thuốc này rẻ tiền mà không điều trị loại thuốc kia, như thế  sẽ không điều trị hiệu quả. Những bệnh nhân ung thư trước trước và sau đều được hưởng chế độ bảo hiểm các dịch vụ như nhau, không  để xảy ra tình trạng, lúc bảo hiểm có tiền thì chi trả cho loại dịch vụ này, lúc không có tiền thì lại không chi trả”, ông Dũng nói.
Bảo hiểm kêu gọi sự giúp sức
Có một thực tế hiện nay, chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam, phần lớn là do bảo hiểm y tế chi trả.
Ngay tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, một bệnh viện chuyên điều trị ung thư, số tiền mà bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh viện này mỗi năm chiếm đến 76% tổng thu hàng năm của bệnh viện.
Theo bác sĩ Vũ Xuân Bằng, phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí cho bảo hiểm ung thư tăng liên tục. 
Nếu như ở năm 2012, chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân ung thư là 2.368 tỷ đồng, thì đến năm 2013 lên đến 3.374 tỷ đồng. Trong số tiền chi phí trên, chi phí cho thuốc điều trị ung thư chiếm cao nhất, trên 50%, còn lại là các chi phí xét nghiệm cận lâm sàn, chí phí khám bệnh , giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật…
Ông Bằng than: "Tổng số tiền thu bảo hiểm y tế mỗi năm chỉ khoảng 50.000 tỷ đồng, nhưng chi phí thì nhiều. Hiện chi phí bảo hiểm cho điều trị ung thư chiếm 80% tổng chi phí của bảo hiểm y tế".
Ông Bằng đặt vấn đề, với thu nhập bình quân GDP của Việt Nam hiện nay chưa tới 2000USD/ người, trong khi đó, chi phí cho một ca điều trị ung thư như ung thư gan lại lên đến từ 800 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng. Gánh nặng cho việc điều trị ung thư là quá lớn đối với thực tế của xã hội và ngành bảo hiểm y tế.
“Vì vậy, nếu để một mình bảo hiểm y tế thì sẽ không khảm nổi  gánh nặng này.
Điều này cần phải có sự hợp sức của của xã hội, từ những quỹ phức lợi, quỹ xã hội để cùng chi trả cho người điều trị ung thư”, ông Bằng đưa vấn đề.
Hồ Quang