Giải phẫu bệnh viêm dạ dày

0

 

Đây là thực thể bệnh lý rõ ràng. Nhưng thuật ngữ viêm dạ dàỳy thường bị lạm dụng để giải thích một số triệu chứng nhẹ hay tạm thời như ợ chua, ăn khó tiêu... Ngược lại, bệnh viêm dạ dày có thể không gây triệu chứng lâm sàng nào cả. Có 2 nhóm viêm dạ dày: cấp tính và mạn tính. Mỗi nhóm có những loại khác nhau.

Viêm dạ dày cấp tính

Tình trạng viêm cấp tính của niêm mạc dạ dày, thường có tính chất tạm thời, có thể kèm xuất huyết trong niêm mạc và nặng hơn có thể kèm viêm chợt niêm mạc.

Sinh bệnh học

Chưa được biết rõ. Một số dữ kiện lâm sàng và thực nghiệm cho thấy bệnh thường đi kèm với các tình huống như: dùng các loại kháng viêm không corticoid (AINS: Anti inflammatory non-steroid) hoặc thuộc nhóm corticoid hoặc Aspirin lâu ngày, uống nhiều rượu, hút thuốc lá nhiều, uống các hoá chất điều trị ung thư, tăng urê huyết, nhiễm khuẩn toàn thân (như sốt thương hàn), ngộ độc thức ăn có tụ cầu khuẩn, stress nặng (như phỏng nặng, chấn thương, mổ), sốc, tia xạ... Các yếu tố này đều có thể làm tăng mức chế tiết acid, làm giảm mức sản xuất bicarbonat đệm, làm giảm lưu lượng máu, do đó, làm cho acid ứ đọng và làm thương tổn niêm mạc dạ dày.

Hình thái giải phẫũu bệnh

Tùy thuộc vào độ nặng của bệnh. Niêm mạc có thể bị phù trung bình và bị sung huyết nhẹ hoặc bị chợt và xuất huyết. Trong thể bệnh nhẹ, thượng mô bề mặt còn nguyên và lớp dưới có thấm nhập rải rác bạch cầu đa nhân. Trong thể nặng hơn, với tên gọi là viêm chợt xuất huyết cấp tính, có tróc phần nông của niêm mạc, xuất huyết của lớp dưới và có thấm nhập bạch cầu đa nhân. Có những vùng rộng niêm mạc bị tróc, nhưng những tổn thương này cạn, hiếm khi ảnh hưởng hết bề dày niêm mạc và lớp sâu hơn. Tình trạng viêm chợt là bước đầu đưa đến loét do stress.

Biểu hiện lâm sàng

Nếu bệnh nhẹ thì thường không gây triệu chứng. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị ói ra máu, đau bụng cấp tính, đi cầu ra máu, ói, buồn nôn. Ở Anh, 25% trường hợp bệnh nặng kèm đi cầu và ói ra máu có liên quan đến việc sử dụng Aspirin hoặc AIWS.

Viêm dạ dày mạn tính

Sinh bệnh học

Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy vai trò của dược phẩm, rượu, thuốc lá và bệnh viêm dạ dày cấp tính trong sinh bệnh học của viêm dạ dày mạn tính. Mặt khác, các khảo sát lâu ngày trên các bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn tính nông cho thấy lớp niêm mạc dạ dày có thể hồi phục hoặc có thể teo đét. Vì vậy viêm dạ dày nông có thể là giai đoạn đầu của các tổn thương niêm mạc nặng hơn.

Viêm dạ dày vùng đáy vị: có 2 đối tượng bệnh nhân:

Ở người lớn thiếu máu ác tính. Trong nhóm thiếu máu ác tính, bệnh có nguyên nhân tự miễn dịch. Những bệnh nhân này có tổn thương nặng ở niêm mạc như viêm teo, teo dạ dày với mất hoàn toàn hay gần hoàn toàn các tế bào thành, vì vậy sẽ thiếu hay không có acid. Có 3 tự kháng thể chống lại tế bào thành, trong đó có 2 nhằm vào yếu tố IF (intrinsic factor: yếu tố nội tại), được tiết ra bởi các tế bào thành làm ngăn chặn sự hấp thu sinh tố B12 và đưa đến thiếu máu ác tính. Loại tự kháng thể thứ 3 thì tác động trực tiếp và làm tổn thương tế bào thành, có trong 80-90% bệnh nhân bị thiếu máu ác tính.

Trong nhóm bệnh nhân già không có thiếu máu ác tính thì cũng có 60% có tự kháng thể chống lại tế bào thành nhưng không có kháng thể chống yếu tố nội tại. Một số bệnh nhân này có thiếu máu nhược sắc. Bệnh cũng có trên thân nhân của những bệnh nhân của nhóm trên. Trên những thân nhân này lại không có các tự kháng thể. Vì vậy, nguyên nhân sinh bệnh trên nhóm bệnh nhân này vẫn chưa được biết rõ.

Viêm dạ dày vùng hang vị:

Có nguyên nhân khác hẳn với viêm dạ dày vùng đáy vị. Rất ít trường hợp có tự kháng thể chống lại tế bào tiết gastrin. Thường thường, bệnh nhân đồng thời có thêm bệnh loét dạ dày cho nên người ta nghĩ rằng có thể nguyên nhân của cả 2 bệnh là sự rối loạn hoạt động cơ vòng môn vị, sự trào ngược acid mật và lysolecithin.

Hình thái giải phẫu bệnh

Tổn thương có thể có ở hầu hết dạ dày, hoặc từng vùng xen kẽ, hoặc giới hạn ở đáy vị và thân hoặc ở hang vị. Dù ở đâu, tổn thương đều như nhau.

Trong viêm nông, lớp niêm mạc bị phẳng (mất nếp gấp) với thấm nhập limphô bào và tương bào trong lớp mô đệm giới hạn ở 1/3 trên của niêm mạc.

Trong viêm dạ dày teo đét, lớp niêm mạc bị mỏng và phẳng hơn, thấm nhập tế bào viêm sâu hơn, các tuyến bị teo đét và có những thay đổi của những tế bào bề mặt thượng mô. Ở đáy vị, còn rất ít tế bào thành, các tuyến bị teo đét, phần không bị teo đét thì bị dãn thành bọc lót bởi các tế bào nhầy hoặc tế bào chuyển sản ruột. Ở hang vị, các thay đổi cũng giống như ở đáy vị. Điểm đặc biệt là, trong loại viêm dạ dày vùng đáy vị, tổn thương có thể có cả ở hang vị, còn trong loại viêm dạ dày vùng hang vị thì tổn thương chỉ giới hạn ở hang vị.

Trong bệnh teo dạ dày mạn tính, các nếp gấp niêm mạc bị phẳng hoặc mất hẳn, niêm mạc bóng láng. Các tuyến vị teo đét ngắn lại, đôi khi dãn thành bọc. Thượng mô bề mặt và phần lõm sâu của niêm mạc dạ dày, có dạng của các tế bào đài chế tiết nhầy xen lẫn với thượng mô ruột có vi nhung mao.

Trong viêm đáy vị kèm thiếu máu ác tính, các tế bào thành biến mất gần như hoàn toàn trên các tuyến bị teo hay các tuyến còn lại. Ngược lại, trong viêm hang vị, vẫn còn tế bào thành ở thân và ở đáy dạ dày. Thượng mô bề mặt có thể bị chuyển sản hoặc nghịch sản.

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng giống như viêm cấp tính gồm đau, khó chịu ở thượng vị, buồn nôn, ói mửa, đôi khi xuất huyết.

Viêm teo đét đáy vị thường được để ý hơn do tình trạng thiếu máu ác tính và giảm acid chlohydric trong dịch vị.

Trong viêm hang vị, tình trạng tiết acid vẫn bình thường hoặc thấp. Đặc biệt là mối liên hệ: bệnh loét dạ dày thường kèm viêm hang vị (nhưng ngược lại thì không). Người ta không biết chắc loét hay viêm có trước. Nhưng vì khi loét đã lành thì viêm vẫn còn nên có thể viêm có trước và tạo nên loét.

Cần chú ý rằng cả 2 bệnh viêm dạ dày teo đét và teo đét dạ dày dù ở hang vị hay đáy vị đều là tổn thương tiền ung thư. Xuất độ biến thành ung thư cao hơn ở nhóm bệnh viêm đáy vị kèm thiếu máu ác tính, với tỉ lệ 7-10% số bệnh nhân.

Viêm dạ dày phì đại

Nhóm bệnh hiếm xảy ra, với các nếp gấp niêm mạc dạ dày to có dạng như cuộn não. Thực ra, niêm mạc dạ dày không bị phì đại mà bị viêm và có tăng sản của tế bào thượng mô chế tiết nhầy.

Viêm dạ dày dạng u hạt

Bệnh hiếm gặp, có thể xảy ra trên những bệnh nhân trẻ, bị bệnh sarcoid, bệnh Crohn, nhưng thường nhất là xảy ra đơn độc trên bệnh nhân có tuổi trên 40.

Viêm dạ dày có bạch cầu ưa eosin

Xảy ra trên những bệnh nhân bị bệnh dị ứng, bệnh nhân có thể có bệnh suyễn. Niêm mạc dạ dày, đôi khi cả lớp sâu hơn, có thấm nhập nhiều bạch cầu ưa eosin. Có thể có kèm theo viêm hạt hay viêm cấp các động mạch nhỏ ở vách dạ dày.

Loét và chợt cấp tính của dạ dày

Xảy ra cấp tính, khu trú ở niêm mạc dạ dày sau một stress nặng, được gọi là loét do stress. Các tác nhân khác là aspirin, rượu, thuốc lá, thuốc corticosteroid, thuốc nhóm AIWS

Tổn thương thường nhiều ổ, ở bất cứ nơi nào của dạ dày, đôi khi có ở tá tràng, dưới dạng tróc thượng mô nông hoặc tổn thương sâu tới niêm mạc, nhưng không bao giờ xuống sâu hơn. Nếu là loét thì vết loét có giới hạn rõ và không phải là tiền thân của bệnh loét mạn tính và cũng không có cùng cơ chế bệnh. Vết loét thường tròn, nhỏ hơn 1cm đường kính. Đáy loét thường có màu nâu đậm do thấm acid và xuất huyết được phủ bởi hồng cầu với fibrin. Bờ đáy loét ít khi có sung huyết và không rõ vì là loét nông. Bờ và đáy loét không bị cứng. Các nếp gấp niêm mạc vẫn còn. Tùy theo thời gian bệnh, có thể có thấm nhập viêm ở bờ và đáy loét. Không có hoá sẹo hay dày các vách mạch máu.

Hồi phục hoàn toàn sau khi nguyên nhân gây bệnh không còn. Thời gian hồi phục hoàn toàn từ vài ngày đến vài tuần.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]