Giảm cân bằng giấc ngủ thật dễ dàng

(SKGĐ) Giải pháp giảm cân không chỉ là ăn ít, vận động nhiều mà một số nghiên cứu đã cho thấy thói quen ngủ cũng ảnh hưởng tới quá trình giảm cân của người béo.

14.6944

Thiếu ngủ tăng nguy cơ béo phì

Việc thiếu ngủ làm tăng nguy cơ béo phì theo hai hướng. Một mặt, nó ảnh hưởng tới các bộ phận của não bộ- nơi kiểm soát việc ăn uống, cụ thể là nó khiến cho não bộ sản sinh ra cảm giác đói, kích thích ăn nhiều hơn. Các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, người cắt xét thời gian ngủ sẽ nạp thêm 300 calo vào cơ thể mỗi ngày.

Đồng quan điểm trên, một Tạp chí dinh dưỡng (Mỹ) cũng khẳng định, những người ngủ ít hơn 6h/ngày thì năng lượng họ tiêu tốn sau bữa sáng hôm sau chỉ là 5%, trong khi đó người ngủ đủ và có giấc ngủ ngon thì mức năng lượng tiêu hao lên tới 20%.

Mặc khác, các nhà khoa học đến từ Đại học Washington, Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Sleep rằng tình trạng thiếu ngủ diễn ra phổ biến trong đời sống hiện đại có thể dẫn đến chứng béo phì thông qua việc ảnh hưởng đến hormone và sự trao đổi chất. Tình trạng thiếu ngủ tác động đến lượng hormone điều hòa cảm giác ngon miệng như leptin, ghrelin, cortisol và orexin.

Khi bạn không ngủ đủ giấc, hormone leptin bị giảm xuống, nghĩa là bạn sẽ không thấy hài lòng khi đã ăn no. Ngược lại, ghrelin sẽ tăng lên, kích thích sự thèm ăn nên dù đã ăn no nhưng bạn vẫn muốn ăn tiếp. Hai tác động này kết hợp với nhau sẽ dễ dàng khiến bạn hấp thu quá nhiều thức ăn vào cơ thể, khiến trọng lượng tăng lên.

Ngoài ra, khi bị thiếu ngủ, bạn sẽ khó có được động lực để duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao – hoạt động cần thiết đối với người có mong muốn giảm cân. Đồng thời, thực tế đã chứng minh rằng khi ngủ ít bạn sẽ có nhiều thời gian vòng quanh tủ lạnh hay để mắt tới các món ăn vặt quanh mình. Do đó, giấc ngủ dài hơn sẽ giúp bạn tránh được thói quen thường xuyên ăn vặt, từ đó kiểm soát được trọng lượng cơ thể.

Để có giấc ngủ giảm cân

Để phát huy hết hiệu quả giảm béo từ giấc ngủ, bạn cần tuân thủ các thói quen sau:

Ngủ đủ giấc: Duy trì thói quen ngủ đủ giấc khoảng từ 6-8h/ ngày, tùy theo từng độ tuổi. Cân bằng thời gian ngủ và thời gian thức hàng ngày để thiết lập một đồng hồ sinh học ổn định. Nếu tỉnh giấc đều đặn vào một khoảng thời gian nhất định mỗi sáng sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn vào buổi tối.

Không thức khuya: Thói quen thức khuya hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe. Nếu bạn không quen có thể bắt đầu bằng việc lên giường đúng giờ, tránh xem tivi, dùng máy tính khuya để dễ dàng đi vào giấc ngủ và thức giấc vào sáng hôm sau. Tốt nhất nên lên giường trước 11 giờ đêm để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Giảm dần cường độ hoạt động: Tránh vận động nặng, các hoạt động thể lực tốn nhiều sức lực hoặc các hoạt động kích động như trò chơi cạnh tranh, tính toán số liệu… trước khi ngủ bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ.

Giữ thói quen lành mạnh trước khi ngủ: đọc sách, uống trà thảo mộc, ngâm chân hay tắm nước ấm… Đây là những phương pháp giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ đồng thời mang lại giấc ngủ sâu, ngon giấc.

Tránh các chất kích thích: Uống trà, cà phê, nước giải khát, thuốc lá, rượu… trước khi ngủ có thể khiến bạn tỉnh táo, khó ngủ hoặc phá vỡ giấc ngủ, làm thức giấc vào nửa đêm.

Môi trường ngủ tốt: Luôn chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho một giấc ngủ ngon như chăn gối êm ái, sạch sẽ; phòng ngủ thoáng mát, ánh sáng vừa phải, không ồn ào hay bị phiền nhiễu bởi các yếu tố xung quanh.

 Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]