Giao thông công cộng: Thế giới đã có kinh nghiệm

TTCT - Có thể nói vận tải công cộng và vận tải cá nhân như hai cánh của một chiếc máy bay, thiếu một cánh không thể bay được.

15.5822

Sở hữu ôtô cá nhânnhu cầu thật của quy luật phát triển, vì thế Nhà nước cần tính trước một bước trong việc phát triển giao thông công cộng - Ảnh: Thuận Thắng

Nếu chỉ thiên về phương tiện cá nhân thì đô thị không thể đủ không gian và nguồn lực để đáp ứng, trong khi nếu chỉ có vận tải khách công cộng thì không thể đáp ứng được hết nhu cầu rất đa dạng trong xã hội.

Không đủ đất nhưng...

Với các siêu đô thị như Hà Nội và TP.HCM, nếu để người dân sử dụng phương tiện vận tải cá nhân như ôtô cá nhân một cách tự do thì không thể có đủ quỹ đất để xây đường.

Làm một phép tính rất đơn giản nhu cầu đi lại vào giờ cao điểm chiếm 20% nhu cầu đi lại trong ngày, tần suất chuyến đi hai chuyến/người trưởng thành/ngày, nếu người dân đi ôtô con trong khu vực nội thành quỹ đất dành cho giao thông đã phải lên tới 35-40% trên tổng diện tích khu vực này.

Việc phát triển các phương thức vận tải công cộng và cá nhân cần được xem xét trên nguyên tắc hỗ trợ và phối hợp với nhau chứ không triệt tiêu và mâu thuẫn nhau.

Đây là điều gần như không thể thực hiện vì hiện nay quỹ đất bố trí được cho giao thông của Hà Nội mới chỉ đạt 7-8% diện tích đô thị. Nhưng vận tải cá nhân có những ưu thế mà vận tải công cộng không thể có được: những chuyến đi đặc thù về thời gian (xuất phát sớm, kết thúc muộn), từ cửa đến cửa và đến các nơi mà người dân muốn (ngoại thành, ngoại ô...), ngoài ra có tính năng an toàn, độ tin cậy, cơ động rất cao.

Tỉ lệ sở hữu ôtô của VN đang ở mức rất thấp so với thế giới (khoảng 30 xe/1.000 dân, trong khi các quốc gia như Thái Lan là 150 xe/1.000 dân, Malaysia và Hàn Quốc 360 xe/1.000 dân...), bởi vậy hoàn toàn có căn cứ để ôtô cá nhân ở VN phát triển thêm. Nhu cầu sở hữu ôtô là chính đáng.

Vận tải cá nhân luôn có những ưu thế vượt trội về tính tiện nghi, thời gian đi lại, khả năng cơ động và an toàn (trừ xe máy), bởi vậy để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng cần phải có những giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ (trợ giá, làn đường ưu tiên, không gian đi bộ, hệ thống thông tin...), đồng thời phải có những giải pháp tác động vào quá trình sử dụng phương tiện vận tải cá nhân (tăng phí đỗ xe, phí đăng ký, thuế đường...) để tác động vào hành vi lựa chọn phương tiện đi lại của người dân nhằm khuyến khích người dân sử dụng vận tải công cộng khi có thể.

Các nghiên cứu về sức mua, hành vi tiêu dùng cho thấy sở hữu ôtô sẽ bắt đầu tăng trưởng nhanh khi thu nhập người dân chạm ngưỡng 3.000 USD/đầu người/năm. Sẽ có rất nhiều người dân VN có thể chi trả cho một chiếc ôtô, bởi vậy nên nhanh chóng có các chính sách mạnh mẽ phát triển vận tải khách công cộng và kiểm soát quá trình sử dụng vận tải cá nhân.

Nhanh chóng phát triển giao thông công cộng

Các đô thị lớn trên thế giới (khi có số lượng dân số lớn tập trung tại một không gian hạn chế) đều phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng có công suất lớn để đáp ứng được nhu cầu vì không thể có đủ nguồn lực đặc biệt về hạ tầng, quỹ đất và không gian để phục vụ toàn bộ nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân.

Một xã hội chỉ có toàn xe đạp hoặc đi bộ thì không thể coi là thịnh vượng vì tốc độ di chuyển, khả năng chuyên chở và độ tiện nghi rất thấp. Một xã hội chỉ có toàn ôtô thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều vấn đề về ách tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Những hậu quả này đã được chứng minh ở các nước phát triển.

Nếu nhìn vào xu hướng của thế giới thì các nước phát triển đã từng đi xe đạp, đã chuyển sang ôtô cá nhân, và nay họ vẫn đi ôtô nhưng phát triển mạnh mẽ vận tải công cộng, các phương thức vận tải phi cơ giới như xe đạp và đi bộ.

Trên cơ sở đó cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn trong đi lại và dùng các công cụ về quản lý và kinh tế để điều tiết nhu cầu đi lại, khuyến khích người dân lựa chọn phương thức đi lại phù hợp với chuyến đi của họ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, giảm ách tắc và tai nạn giao thông.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]