GS. Phạm Gia Khải: "Nghề y không thể thiếu tâm hồn"

GiadinhNet - Mùa xuân này GS. Phạm Gia Khải đã bước sang tuổi 74, ông thấy hài lòng khi bàn giao công tác quản lý cho những người kế tục xứng đáng.

0

Cảm giác được cống hiến, được làm việc mà không phải căng thẳng về thời gian biểu là điều mà GS. Phạm Gia Khải thấy thanh thản nhất.

“Những gì được xã hội quý trọng, bao giờ cũng cao đẹp”

GS. Phạm Gia Khải.

Thưa GS, ông có thể cho biết lí do vì sao ông lại chọn ngành Y hay không?

- Tôi chọn ngành Y vì hai lý do. Thứ nhất là vào thời điểm đó, tôi được biết ngành Y có nhiều thầy có uy tín đối với trong và ngoài nước, đào tạo được nhiều thầy thuốc giỏi. Thứ hai, từ khi còn nhỏ tuổi, tôi có mong muốn được học cách làm giảm đau đớn và cứu sống mạng người.

Cả cuộc đời gắn bó với ngành Y, GS có cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đóng góp cho y học Việt Nam không? Những kỉ niệm làm ông ấm lòng khi nhớ lại?

- Trong suốt 50 năm công tác trong ngành Y, tôi cảm thấy mình không vô ích. Tôi đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc Đại học và sau Đại học; đã vượt được nhiều khó khăn và thành công trong việc đưa kỹ thuật siêu âm chẩn đoán và Tim mạch học can thiệp vào ngành tim mạch Việt Nam, tạo bước ngoặt quan trọng cho sự tiến bộ của ngành, tạo việc làm cho nhiều thầy thuốc đi sâu vào chuyên khoa và cũng nhờ đó, Việt Nam có thêm một kênh để hòa nhập quốc tế với tư thế đàng hoàng.

Khi có được những khuyến cáo về chẩn đoán, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bao gồm tim mạch và nội tiết, để tất cả các thầy thuốc cùng tham khảo và áp dụng, tôi cảm thấy vui mừng. Chính sự chân thành của người bệnh, của đồng nghiệp, thực sự đã làm tôi thấy ấm lòng khi nhớ lại.

Đã coi ngành Y là cái nghiệp của mình, vậy điều gì hiện nay làm cho ông trăn trở nhất khi nghĩ đến?

- Sự đại trà hóa các ngành nghề là một đặc điểm của xã hội hiện đại. Cái lợi của đại trà hoá là đông đảo người trong cộng đồng được hưởng các thành quả rất đa dạng của văn minh, nhưng mặt trái của nó là sự thương mại hóa, tầm thường hóa giá trị nhân văn của một số ngành nghề, trong đó có Y.

Phương châm cao quý của y tế là: “Lương y như từ mẫu”, nhưng vẫn còn một số thầy thuốc không những không thạo nghiệp vụ mà còn hạch sách, đối xử không nhân ái với bệnh nhân và gia đình họ và cũng không thiếu những vụ bạo hành với nhân viên y tế bởi những tên trọc phú, côn đồ. Tuy vậy, những điều đáng buồn này chưa đủ cơ sở để ta bi quan, vì những gì được xã hội quý trọng, coi là cao đẹp, thì bao giờ cũng là cao đẹp. Ngay cả những biểu hiện tiêu cực lại càng làm cộng đồng so sánh và càng quí trọng hơn những gương sáng, những yếu tố tích cực mà mạch sống của người dân luôn luôn gìn giữ. Sự tương phản, theo tôi, cũng là một đặc điểm của một xã hội đang phát triển.

“Vòng quay của đất trời nhắc tôi quý thời gian”

GS Phạm Gia Khải là người đầu tiên tạo nền móng cho việc phát triển chẩn đoán bằng siêu âm các bệnh về tim, tạo bước đột phá về điều trị tim mạch, đẩy mạnh điều trị nội khoa và ngoại khoa. Ông từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Tim mạch - Trường Đại học Y Hà Nội. Hiện nay ông là chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. Năm 2008, GS Phạm Gia Khải đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Nếu GS không theo ngành Y thì ông nghĩ nghề gì sẽ phù hợp với mình? Nếu quay lại thời tuổi trẻ, ông sẽ lựa chọn cuộc sống của mình như thế nào?

- Tôi yêu thiên nhiên, lịch sử và thích đọc những tài liệu có liên quan, những buổi phát vô tuyến truyền hình về các vấn đề này đều có sức hấp dẫn với tôi. Tôi hay tranh thủ tham quan các viện bảo tàng khi đi họp, đi tham quan nước ngoài. Tôi không thấy có mâu thuẫn giữa nghề Y và sự yêu thích nói trên và thấy có sự bổ sung lý thú giữa các ngành tưởng như khác biệt nhau đó. Nếu có cỗ máy thời gian làm tôi trẻ lại, tôi sẽ quay lại những chốn cũ đã từng in dấu trong ký ức của mình, nhưng khi đó tôi lại mong sao cho những người xưa cũng trẻ lại như mình, để khỏi cảm thấy bơ vơ, xa lạ. Còn về cuộc sống, bao giờ tôi cũng mơ ước về sự hài hòa trong mọi quan hệ, cho nên khó nói là khi trẻ lại mình sẽ làm gì, vì trật tự và các bậc thang giá trị xã hội lúc đó ra sao?

GS từng nói rằng “một người thầy thuốc giỏi phải là một người có tâm hồn mơ mộng và nhạy cảm”. Ông còn gọi đó là sự “thông minh của trái tim”. Thế nhưng nhiều người nói rằng bác sĩ là những người làm khoa học nên rất khô khan, do đặc thù công việc họ khó có thể mơ mộng được. Quan niệm của ông về điều này như thế nào?

- Nói về “sự thông minh của trái tim”, tôi muốn ngụ ý là khi ta thực sự muốn cứu chữa người bệnh, thông cảm với người ta, ta sẽ suy nghĩ, tham khảo các tài liệu để tìm được phương án tối ưu trong xử trí, nếu không thì chỉ làm một cách sự vụ thôi. Tại một số nước phát triển, người ta có một test đặc biệt cho thí sinh vào ngành Y: Chọn mô típ vẽ trang trí nào mà bạn ưa thích và cho biết tại sao? Câu trả lời đòi hỏi kiến thức, khiếu thẩm mỹ và tình cảm của người thầy thuốc tương lai, một khả năng bay bổng của tâm hồn mà một nghề nhân đạo như Y không thể thiếu vắng. Tôi cũng nhận thấy có thầy thuốc khô khan, tẻ nhạt, thiếu nhạy cảm về tâm hồn. Tất nhiên, việc này là một thiệt thòi cho bệnh nhân, cho cả thầy thuốc đó nữa, nhưng có phải lúc nào ta cũng chọn được người hội tụ đủ các đức tính đâu!

Là một chuyên gia hàng đầu về tim mạch, ông có thể giải thích vì sao trái tim lại được coi là biểu tượng của tình yêu không? Trái tim giải phẫu có thật sự là nơi chứa đựng những điều kì diệu như những gì người ta gán cho nó không, thưa GS?

- Tim chúng ta đập nhanh lên, nhịp thở cũng tăng khi xúc cảm mạnh, hiện tượng này có thể lượng hóa được trên lâm sàng hoặc bằng một số phương tiện chuyên khoa: Vui, buồn, yêu ghét, giận hờn... đều có thể làm tim ta đập khác thường... Trừ những ai đã chai sạn trong đường đời thì có thể sự thay đổi đó không rõ, còn đối với đa số, nhất là những người đang yêu, đó là những giây phút khó quên của trái tim. Bởi có những người đang dùng tim cơ học, tim nhân tạo, vẫn vui mừng khi người yêu tới thăm đấy chứ! Khoa học đã cho ta biết là tình cảm con người đối với nhau xuất phát từ não bộ, và sự hấp dẫn lứa đôi liên quan chặt chẽ tới các hormone sinh dục. Tuy nhiên và trừ một số ngoại lệ, các mối tình già rất ít phụ thuộc vào hormone sinh dục, vì chúng đã cạn, nhưng không phải vì thế mà mối tình đó không sâu sắc. Đó mới là một thuộc tính của loài người.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nếu có một điều nhắn gửi cho các học trò của mình, ông sẽ nhắn gì?

- Tôi chúc các bạn đồng nghiệp trẻ nghĩ và hành động sao cho xứng đáng với sự cao đẹp của nghề cứu người đầy tính nhân văn của chúng ta.

- Cảm ơn Giáo sư!

Hoài Nam (thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]