Hãy để trẻ vận động theo cách chúng muốn

Nhiều người lo ngại trẻ trước độ tuổi đi học, hoạt động tập luyện thể dục thể thao thường rời rạc và kém hiệu quả, nên dẫn đến béo phì, thừa cân.

15.5995
Có một số nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị về thời lượng vận động cho trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hoàn toàn không nên ép trẻ tập thể dục. Thời lượng và hình thức vận động phải tùy thuộc vào ý thích của trẻ.

Có ngồi yên đâu mà lo thiếu vận động

Theo khảo sát của phóng viên với 20 hộ gia đình có con dưới 6 tuổi ở khu vực quận Ba Đình và Tây Hồ (Hà Nội), hầu hết các gia đình không chú ý đến thời lượng vận động hàng ngày của trẻ. Với đa số trẻ ngoài thời gian đi mẫu giáo và tham gia các hoạt động vận động ở lớp thì ở nhà không có hoạt động gì rõ rệt.

Chị Nguyễn Bích Nguyệt (182 An Dương, Hà Nội) cho rằng: "Trẻ con nghịch ngợm suốt, có ngồi yên bao giờ mà lo thiếu vận động. Nhiều khi con nghịch quá còn phải quát cho ngồi im".

Trong khi đó, chị Đỗ Thị Thủy (62 Ngọc Hà, Hà Nội) lại cho biết: "Đúng là mình chẳng bao giờ để ý con vận động thế đã đủ chưa. Thấy con đi học về cũng kể ở lớp có giờ thể dục, học võ, học nhảy, bóng rổ, đá bóng thi thoảng lại có hội thi kéo co, ném còn,... Thế cũng là vận động tốt rồi. Về nhà thì mình cũng không để ý là có cần vận động nữa hay không, cứ kệ con tự chơi thôi".

Trong số 20 gia đình được hỏi, chỉ có 7/26 trẻ được đi học múa hoặc học võ thêm, ngoài ra 14/26 trẻ (ở độ tuổi từ 4 - 6 tuổi) được đi bơi vào mùa hè và đi xe đạp chơi ở khu phố vào buổi chiều tối, nhưng không thường xuyên. Thời lượng cho các hoạt động này cũng chỉ 1 - 2 buổi/tuần.

Chị Nguyễn Thu Hằng (29/21 Thụy Khuê, Hà Nội) có hai con trai dưới 6 tuổi, ngoài giờ học ở lớp, chị đưa các con đến Cung văn hóa để học võ, bởi chị cho rằng trẻ cần vận động nhiều cho khỏe. Mặc dù vậy, chị Hà cũng không chú ý xem con cần vận động bao nhiêu thì mới đủ.

Cháu Nguyễn Đỗ Bảo (con trai chị Thủy) tích cực tham gia các hoạt động ở trường

Tùy khả năng của mỗi trẻ

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học South Carolina (Mỹ) đã khẳng định quan điểm đồng nhất với những hướng dẫn của Viện Y học Mỹ về việc cung cấp cho trẻ các cơ hội vận động thể chất ít nhất 3 giờ đồng hồ mỗi ngày. Theo các chuyên gia, vận động tích cực giúp trẻ trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn trước những yêu cầu của người lớn, và điều quan trọng là giảm được nguy cơ thừa cân, béo phì do lười vận động ở trẻ.

BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354 cho rằng, khó có thể đưa ra thời lượng vận động chung cho mọi đứa trẻ, bởi trẻ có tính cách khác nhau, ưa vận động nhiều hay ít cũng khác nhau. Tốt nhất nên cho trẻ vận động tối thiểu 60 phút mỗi ngày, có thể lên đến vài giờ mỗi ngày nếu trẻ thích. Cần chú ý kết hợp hoạt động từ cường độ nhẹ, vừa phải và cường độ mạnh, phù hợp lứa tuổi, giới tính và các giai đoạn phát triển thể chất ở trẻ.
 
Tuy nhiên, không nhất thiết phải cho trẻ vận động liên tục với các bài tập trong suốt 60 - 90 phút mỗi ngày mà nên chia thành các đợt vận động 10 - 15 phút, kết hợp giữa các cường độ vừa và mạnh, kết hợp nhiều hình thức vận động khác nhau.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong cuộc sống thường ngày trẻ hoạt động rất nhiều, chạy nhảy, đùa nghịch, leo trèo... cũng là vận động; vì vậy cha mẹ cần chú ý khi tổ chức các hoạt động vận động cho trẻ cũng nên trừ bớt thời lượng vận động tự nhiên này.

Chuyên gia trị liệu tâm lý - tâm vận động Nguyễn Thu Hồng, Trung tâm Tư vấn Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất là trẻ cần được tạo cơ hội để tham gia những hoạt động đa dạng, phù hợp sở thích, kỹ năng và khả năng. Các hoạt động vận động có thể là những bài tập được thiết kế phù hợp lứa tuổi, cũng có thể chỉ là các hoạt động thể chất thông thường như chạy nhảy, đá bóng, bơi lội, nhảy dây, đạp xe, trượt patin...
 
AloBacsi.vn
Theo Lê Na - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]