Học từ bệnh của chính mình

Năm 1965, tôi hay bị đau bụng từng cơn, quặn bụng kéo dài nhiều tháng, rất khó chịu, uống atropin gần như không đỡ.

0

Năm 1965, tôi hay bị đau bụng từng cơn, quặn bụng kéo dài nhiều tháng, rất khó chịu, uống atropin gần như không đỡ. Tôi sang Bệnh viện Phủ Doãn (BV Việt Đức ngày nay) tìm BS. Nguyễn Xuân Thụ là bạn đồng khóa với tôi năm 1959. Tôi trình bày với anh về tình trạng đau bụng trường diễn của tôi và tôi nghi là bị lồng ruột mạn tính, xin anh cho chụp ruột bơm baryt. Anh thấy hợp lý và viết ngay giấy cho tôi chụp.

Hôm sau, tôi thụt tháo tại Bệnh viện C - nơi tôi làm việc rồi sang khoa Xquang của Bệnh viện Phủ Doãn chụp. Khi có kết quả, tôi cầm phim ướt đem đến cho anh Thụ đọc. Anh thốt lên: "Tao mới thấy ông TC là một và mày là hai, có nhiều đĩa đại tràng như thế này, không có lồng ruột mà là viêm đại tràng co thắt".

Anh ghi đơn cho tôi uống sous-nitrat bismuth mỗi ngày 2 lần, mỗi lần một gói 5g sau bữa ăn chính, uống trong 21 ngày. Tôi uống không thấy đỡ rõ rệt. Mỗi buổi ngồi khám bệnh cho bệnh nhân mà tôi là thầy thuốc vẫn phải thủ sẵn 4 ống atropin 1/4mg bé ra uống mỗi lần 1 ống cho đỡ đau phần nào, ngượng đáo để.

Cũng vào đợt này, tôi hay bị tim đập nhanh, phải xuống Khoa nội, Bệnh viện Bạch Mai nhờ GS. Đặng Văn Chung khám giúp, theo giới thiệu của GS. Đinh Văn Thắng. GS. Chung đã chẩn đoán cho tôi là thiếu vitamin D2. Thầy ghi đơn cho tôi dùng dầu cá viên Trung Quốc 100 viên, mỗi ngày uống 6 viên. Vì trạm xá cơ quan không có dầu cá viên, chỉ có dầu cá Triều Tiên. Tôi uống trong 2 tuần hết 1 lọ 125mg dầu cá nước cô đặc của Triều Tiên, vừa uống vừa lo vì tôi bị đau bụng và thỉnh thoảng bị tiêu chảy, nay lại uống dầu vào thì sao đây? Tôi không báo cáo với thầy Chung về tình hình tôi bị đau bụng kèm theo rối loạn tiêu hóa.

Thế mà không làm sao cả, trái lại, không những khỏi rối loạn nhịp tim mà còn khỏi cả đau bụng và rối loạn tiêu hóa.

Sức khỏe của tôi được hồi phục nhanh chóng, tôi lại đăng ký trực bệnh viện như thường lệ.

Trong buổi trực đầu tiên, vào quãng 10 giờ tối, tôi được mời xuống Khoa sản để chỉ định thuốc cho một bệnh nhân có thai vào tháng thứ 8 đau bụng vùng thượng vị nhiều cơn, nằm viện từ tháng thứ 7, tới nay đã được 1 tháng. Khoa phòng chưa chẩn đoán được nguyên nhân đau là gì nên chỉ cho thuốc giảm đau như dolosal, dolargan, nhưng không được phép cho kéo dài, đành nhờ bác sĩ trực mỗi tối chỉ ghi giúp 1 ống cho thai phụ ngủ được qua đêm, đợi ngày sinh.

Tôi thấy cách suy nghĩ như thế là không ổn vì không thể mỗi thầy thuốc trong phiên trực của mình chỉ chịu trách nhiệm về 1 ống thuốc của mình, không gây nghiện mà phải cộng cả những ống thuốc của các đồng nghiệp khác nữa chứ. Tôi tự buộc mình phải tìm thuốc khác chứ không thể cho thêm dolargan được. May sao, tôi lại tự liên hệ với cái đau bụng mạn tính và uống dầu cá khỏi của tôi, theo đơn của thầy Đặng Văn Chung để chữa chứng rối loạn nhịp tim của tôi. Nhưng tiếc thay, cho uống dầu cá thì tác dụng chậm quá, trong khi người ta đang có nhu cầu được giảm đau ngay.

Thế là tôi chợt tự hỏi: "Tại sao không cho canxi nhỉ, trước đây mình đã chẳng tự nghĩ là mình bị thiếu canxi là gì?". Tôi bèn chỉ định tiêm chậm cho thai phụ vào tĩnh mạch 2 ống clorua canxi. Khi canxi chạy vào mạch máu đến đâu thì nóng ran người đến đấy và tới khi rút kim tiêm ra thì hết đau hẳn. Tôi ghi tình hình diễn biến vào hồ sơ của thai phụ và đề nghị khoa cho tiêm tiếp 4 ngày nữa. Đến ngày thứ 5 tôi đến khoa thăm người bệnh thì được biết người bệnh vừa xuất viện sáng hôm qua, sau khi tiêm xong mũi canxi thứ 5 thì về.

Trong đời tôi còn “nặng tình” với những trường hợp đau bụng dùng canxi có tác dụng. Tôi còn nhớ, cô em vợ tôi bị đau bụng từng cơn và sau đó ít lâu, chị Nguyễn Thị Th., y tá trưởng của khoa tôi được bệnh viện ngoại khoa chẩn đoán là viêm tuỵ cấp tính, dùng thuốc giảm đau và kháng sinh không đỡ. Tôi nhờ người tiêm tĩnh mạch giúp cho cô em và cho chị Th. 1g dung dịch clorua canxi, sau tiêm đều được cắt cơn đau ngay.

Năm 1970, khi tôi đang học sau đại học tại Hung-ga-ri, có một cô kỹ thuật viên người Hung đang có thai 8 tháng bị đau bụng vùng thượng vị, hỏi tôi nên dùng thuốc gì.

Tôi hỏi chị: "Tại sao chị không hỏi cụ nhà? (Bố cô ấy cũng là bác sĩ)

Chị nói: Tôi hỏi rồi, ba tôi bảo tôi uống papaverin, tôi đã uống nhưng không khỏi".

Tôi gợi ý: "Tôi nghi chị bị thiếu canxi, khi có thai nhu cầu canxi rất cao, nhiều khả năng bị thiếu khi mình không chú ý tăng thêm canxi vào khẩu phần ăn. Chị thử đến gặp trực tiếp cụ hỏi xem, có thể tiêm 1g canxi vào tĩnh mạch, nếu hết đau ngay trong vòng 5 phút thì đúng là thiếu canxi".

Sáng hôm sau, chị hớn hở tìm tôi, nói: "Tôi hết đau rồi! Chiều hôm qua sau giờ làm việc, tôi về nhà ba tôi, kể chuyện cho ba tôi nghe, ba tôi bảo là anh có lý, rồi ba tôi gọi điện ngay cho người bạn là phó giáo sư nội khoa đã về hưu đến tiêm cho tôi vì ba tôi không được phép tiêm tĩnh mạch cho con. Tôi còn phải tiêm đến bao giờ hả anh?".

Tôi nói: "Chị không phải tiêm nữa, bây giờ chị uống dầu cá thôi!".

Chị ta bảo: "Ở nước chúng tôi không có dầu cá, chỉ có vitamin A, D tổng hợp thôi".

Tôi nói: "Vitamin A, D cũng được".

Vậy là từ bệnh của chính mình, tôi đã có thêm kinh nghiệm điều trị cho nhiều bệnh nhân.

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]