Hỏi về căn bệnh giãn phế quản

Khoảng 3 năm nay, tôi hay đau đầu, từ cổ họng trở xuống luôn căng tức. Bệnh ngày càng nặng khiến tôi phải nghỉ dạy học. Kết quả xét nghiệm điện não đồ và điện tim đều bình thường, chụp phổi thấy có viêm và giãn phế quản. Xin cho biết đôi chút về bệnh này. (Độc giả)

15.5929
Giãn phế quản thường gặp ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, có thể là bẩm sinh (nếu vậy thì bệnh có biểu hiện sớm hơn, từ lúc còn ít tuổi), hoặc mắc phải sau này.

Những dấu hiệu ban đầu của bệnh là sốt, đau ngực, ho không đờm (giãn phế quản khô) hoặc có đờm (giãn phế quản ướt). Các dấu hiệu trên ngày một rõ hơn, nhiều hơn. Chúng giảm đi khi dùng kháng sinh nhưng loại thuốc này cũng chỉ làm nhẹ bệnh được một thời gian. Bệnh thường xuất hiện hoặc vượng lên vào mùa đông xuân, khi độ ẩm không khí cao, trời lạnh...

Ở giai đoạn muộn bệnh nhân ho khạc nhiều, có đờm, đờm mủ, tức ngực, khó thở, ho ra máu; nghe phổi thấy có các tiếng ran; đầu ngón tay có thể sưng to; xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu cao, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Ho ra máu trong giãn phế quản thường trầm trọng, khối lượng lớn, có khi tới hàng trăm ml. Bệnh nhân có thể tử vong nếu máu đông cứng trong các phế quản hoặc ra quá nhiều không cầm được.

Muốn có bằng chứng xác định bệnh, cần chụp X-quang phổi; phim chụp phổi của bệnh nhân cho thấy:

- Có các đường đậm tỏa ra từ rốn phổi xuống vòm hoành giống như đường ray xe lửa, ở giữa chứa đầy khí. Bên trái các đường này trông không rõ bằng bên phải vì bị bóng tim che khuất.

- Hình tam giác mờ nhạt (đỉnh ở rốn phổi, đáy ở vòm hoành, sát với bóng tim) do nhu mô phổi quanh các phế quản giãn bị tổn thương. Sau một đợt điều trị bằng các thuốc kháng sinh và long đờm, dẫn lưu đờm, hình mờ trên sẽ giảm bớt.

- Nhiều nốt tròn nhỏ lỗ rỗ như tổ ong hoặc như chùm hoa mai nở tập trung vào một vùng của phổi, thường là đáy phổi.
Bạn cần đi khám ở chuyên khoa hô hấp để xác định bệnh một cách chắc chắn và có hướng chữa trị đúng.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]