Kéo dài tuổi thọ (2): Kiểm soát ngưng thở khi ngủ

GiadinhNet - Theo BSCK1 Nguyễn Văn Lực, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Lão khoa TƯ), hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn lúc ngủ là bệnh lý gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây đột tử nhưng kiểm soát được.

15.5673
>
>
>
>
 
Ai dễ bị ngưng thở khi ngủ?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở hoàn toàn (khoảng 10 - 30 giây trong khi ngủ và nhiều hơn 30 lần/đêm). Nguyên nhân là do luồng khí thở qua đường hô hấp trên ngừng lại vì bị tắc nghẽn, dẫn đến giảm thở hoặc ngừng thở hoàn toàn.
 
Bệnh nhân được cấp cứu vì hội chứng ngưng thở khi ngủ tại BV Lão khoa TƯ.   Ảnh: Hà Dương

Theo Ths. BS Nguyễn Thanh Bình, Khoa Thần kinh BV Lão khoa TƯ, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở tuổi trung niên. Tỷ lệ mắc tăng dần khi tuổi càng cao, đặc biệt nguy cơ cao hơn ở nhóm trên 65 tuổi. Nam giới mắc nhiều hơn nữ, trong đó những người béo phì, những người có vòng cổ, vòng bụng lớn cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Những người có bất thường về đường hô hấp trên như: Amiđan quá phát, khẩu cái mềm, lưỡi gà quá lớn, lưỡi lớn và dày, hàm nhỏ, hàm ra sau, xương móng thấp hơn bình thường; người dùng thuốc an thần, thuốc gây nghiện; người mắc bệnh đái tháo đường, suy giáp... cũng có nguy cơ. Người nghiện rượu, hay uống rượu trước khi ngủ cũng có nguy cơ cao.
 
Cách phát hiện

2,5 triệu đồng chẩn đoán bệnh
Bệnh nhân sẽ được theo dõi trong một phòng đặc biệt ở BV Lão khoa TƯ, dành cho những người nghi ngờ có cơn ngừng thở ban đêm. Bác sĩ sẽ test trước khi đưa bệnh nhân vào phòng ngủ, bắt đầu từ 21h đêm trước tới 6h sáng hôm sau. Căn phòng được thiết kế đặc biệt với tường cách âm, đèn chiết áp điều chỉnh ánh sáng phù hợp, tiện nghi đầy đủ như khách sạn, có tủ lạnh, tivi, hoa tươi. Chăn ga gối đệm thay hàng ngày… tạo cho bệnh nhân cảm giác thoải mái. Một đêm ở phòng đặc biệt này giá 2,5 triệu đồng.

Những triệu chứng hay gặp của hội chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy, khô miệng buổi sáng, đi tiểu nhiều ban đêm, tăng huyết áp... Trong đó, đặc biệt lưu ý triệu chứng ngáy to, thở gấp xen kẽ với giai đoạn im lặng kéo dài 20 - 30 giây. Về ban đêm thường ngáy to khi ngủ, giấc ngủ không yên, vã mồ hôi trong đêm, bật dậy trong đêm vì cảm giác ngộp thở, tiểu đêm nhiều lần, giảm ham muốn tình dục.

Sở dĩ bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ không thể ngủ ngon vì não bộ bị đánh thức lặp lại nhiều lần trong đêm, khiến họ buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày. Bệnh còn làm giảm đột ngột lượng ôxy trong máu, khiến hệ thần kinh bị xáo trộn, tăng giảm huyết áp liên tục, nhịp tim rối loạn... làm gia tăng nguy cơ đột tử trong đêm.

Ths.BS Nguyễn Thanh Bình cho biết, để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ cần dựa vào kết quả điện não đồ đa kênh khi ngủ, đặc biệt dựa vào theo dõi hô hấp. Chụp cắt lớp vi tính, đặc biệt là cộng hưởng từ là phương tiện tốt nhất giúp xác định nguyên nhân giải phẫu gây hẹp đường hô hấp.

Phần lớn người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ không biết mình mắc bệnh. Vì vậy, những người thân ngủ chung giường nên lưu ý với những trường hợp ngáy quá to khi ngủ, thỉnh thoảng lại ngừng thở... để theo dõi và có biện pháp đề phòng.
 
Phòng bệnh

Theo BS Nguyễn Văn Lực, điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục buổi tối CPAP đã cải thiện được 95 - 98% trường hợp. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cũng hạn chế tình trạng tắc nghẽn trong khi ngủ.

Để phòng bệnh, đơn giản nhất là thay đổi lối sống, giảm cân để có cân nặng vừa đủ. Tránh dùng các đồ uống kích thích như rượu 3 - 4 giờ trước khi đi ngủ. Vì đối với những người uống rượu, thời gian ngưng thở là 10 giây, lâu hơn những người không uống ba lần. Số lần ngưng thở lặp đi lặp lại nhiều sẽ dẫn đến chứng cao huyết áp, suy tim.

Tránh uống thuốc ngủ và hạn chế nằm ở tư thế ngửa khi ngủ. Nếu nghi ngờ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn nên kiểm soát việc nằm nghiêng bằng cách đính một quả bóng tennis vào giữa lưng áo ngủ để lúc ngủ say cũng không thể nằm ngửa được.
 
Uyển Hương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]