Khàn tiếng - Triệu chứng của nhiều bệnh ở thanh quản

Nếu bị khàn tiếng kéo dài cần đi kiểm tra sớm, vì đó là triệu chứng của nhiều bệnh ở thanh quản - từ những polyp lành tính đến khối ung thư.

31.2004
Cần đi khám, kiểm tra khi thấy khàn tiếng kéo dài - Ảnh: T.Tùng

Lành hoặc ác tính

Theo bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Phạm Thanh Sơn (TPHCM), khàn tiếng là sự bất thường về chất lượng của giọng nói, biểu hiện bằng giọng có hơi gió, thô ráp, nói khó nghe do tổn thương niêm mạc dây thanh.
 
Bệnh có thể lành tính hoặc ác tính. Thanh quản có nhiều chức năng như: khép lại mỗi khi chúng ta nuốt để thức ăn, chất lỏng không lọt vào trong phổi; tham gia vào chức năng thở - giống như một cái cổng đóng, mở để không khí từ ngoài đi vào phổi, từ phổi đi ra ngoài. Do đó, bệnh lýthanh quản biểu hiện triệu chứng chính là khàn tiếng, và còn có thể “phối hợp” với các triệu chứng khác kèm theo như ho, khó thở, thở rít, khó nuốt, nuốt đau...
 
Có nhiều tổn thương lành tính của niêm mạc dây thanh gây khàn tiếng, hay gặp nhất là những người làm nghề phải nói nhiều như buôn bán, giáo viên, ca sĩ...; tiếp theo là những bệnh lý viêm nhiễm do siêu vi, vi trùng, khối u lành tính, ác tính, chấn thương, những bệnh nhân sau phẫu thuật có đặt nội khí quản...
 
Ngoài ra, còn nhiều tổn thương ở thanh quản mà chúng ta thường thấy như: u nhú ở thanh quản, gặp nhiều ở trẻ em, lúc đầu chỉ là khàn tiếng nhẹ, ngày càng tăng dần và xuất hiện khó thở; polyp dây thanh do chấn thương lớp nông của niêm mạc và mạch máu nhỏ của dây thanh; hạt dây thanh có đối xứng hai bên dây thanh do nói nhiều; ung thư thanh quản; dị vật thanh quản (trẻ em thường bị hóc hạt)...

Những lưu ý

BS Phạm Thanh Sơn lưu ý, nếu khàn tiếng từ 2 tuần trở lên đều phải được nội soi kiểm tra thanh quản, để phát hiện bệnh sớm, nhất là ung thư.
 
Việc điều trị tùy thuộc vào thương tổn và mức độ của bệnh. Nếu nhẹ chỉ cần hạn chế nói, nặng hơn phải dùng thuốc hay phải cần đến phẫu thuật. Việc dùng phương pháp nào phải được bác sĩ quyết định dựa vào từng loại bệnh nhằm phục hồi được cấu trúc bình thường để làm sao có lại được giọng nói tốt nhất hay an toàn đến tính mạng nhất trong trường hợp có  khối u ác tính.
 
Chúng ta có thể hạn chế hay phòng ngừa những tổn thương này bằng cách nói nhỏ, nói ít lại khi bắt đầu thấy có thay đổi giọng nói, không dùng các chất kích thích nguy hại như thuốc lá, rượu.

Cần lưu ý với những yếu tố nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý ở thanh quản phát triển, hay làm bệnh nặng thêm như: hút thuốc lá nhiều; uống rượu thường ngày; những người có tiền căn dị ứng theo mùa - cứ đến một thời gian nhất định trong năm hay bị nổi mề đay, ho, khàn tiếng, những người mắc bệnh trào ngược dịch từ bao tử lên họng...

AloBacsi.vn
Theo Thanh Tùng - Thanh Niên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]