Khẩu trang có ngăn ngừa được cúm?

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, nhiều người dân đã đổ xô tìm mua cho gia đình những chiếc khẩu trang với hy vọng có thể ngăn ngừa được dịch bệnh. Việc làm này đã đẩy giá khẩu trang lên cao, một số nơi không có đủ hàng để bán. Vậy, liệu khẩu trang có ngăn ngừa được cúm A/H1N1 và sử dụng khẩu trang khi nào?

15.5631

Vài ngày trở lại đây, tại những cửa hàng thuốc trên phố Ngọc Khánh, Ba Đình (Hà Nội) tấp nập người đến mua hàng, khẩu trang là mặt hàng được bán ra nhiều nhất.

Chị Nguyễn Bích Ngọc, số 2 ngõ 250 Kim Giang cho biết: “Sáng nay đọc trên mạng thấy trường Lomonoxop đã có học sinh nhiễm cúm nên mình mua khẩu trang để bảo vệ mình và gia đình”.

Tâm lý lo lắng trước dịch bệnh đã khiến người dân đổ xô đi mua khẩu trang, khiến giá của mặt hàng này tăng lên nhiều lần so với trước khi có dịch. Nhiều cơ quan còn yêu cầu nhân viên của mình đeo khẩu trang trong suốt giờ làm việc. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc làm này là không cần thiết.

Ông Lý Ngọc Kính, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám và chữa bệnh (Bộ Y tế): "Vừa qua một số nơi quá sợ hãi đã bắt cán bộ công nhân viên phải đeo khẩu trang liên tục cả ngày trong cơ quan thì không phải. Chúng ta chỉ đeo khẩu trang khi đến những vùng ổ dịch, nguy cơ có thể lây lan; thứ hai là, khi đi trên các phương tiện giao thông kín, máy bay, tàu hỏa, vì tiếp xúc gần nên không biết người nào bị nhiễm bệnh...".

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, với những cơ quan có điều hòa trung tâm thì nên hạn chế sử dụng, vì đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn H1N1 phát triển và nguy cơ lây lan nhanh.

Cũng theo ông Lý Ngọc Kính, chúng ta có thể mở cửa sổ nếu có, có thể dùng điều hòa của từng phòng hoặc dùng quạt. Cái quan trọng nhất hiện nay là phải hiểu được đường lây của loại cúm này... không phải đeo khẩu trang liên tục, mà chỉ đeo khi nào cần. Nếu chúng ta tiếp xúc xa 1,5 - 2m thì không cần thiết phải đeo.

Còn theo ý kiến của GS.TS Đặng Đức Phú: Nguyên tắc chung của khẩu trang là không có chất độc, không mùi, không gây khó chịu và dị ứng. Thứ hai là nó phải có tác dụng. Thí dụ loại N95 ngăn ngừa được 95% chất độc, nhưng nó có hai mặt, vì nó kín nên sử dụng hết sức thận trọng, người có sức khỏe tốt chỉ nên sử dụng 30 giây”.

Điều đặc biệt là, khẩu trang có thể giảm nguy cơ, chứ không thể ngăn ngừa lây nhiễm virus H1N1. Người dân có thể bảo vệ mình bằng việc sử dụng khẩu trang y tế khi tiếp gần hoặc tại những nơi đông người. Tuy nhiên, khi sử dụng phải biết dùng đúng cách, nếu không sẽ không có tác dụng. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khẳng định, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành. Do đó, người dân không nên quá hoang mang.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]