“Thảm án Quảng Trị” gây ra bởi một kẻ từng là sinh viên kiến trúc, đang học dược. Một kẻ nổi tiếng là hiền lành. Không phải là kẻ chơi bời lêu lổng. Chưa từng có tiền án tiền sự. Chỉ vì một món nợ người yêu 50 triệu đồng (nghe báo chí nói là để… chạy việc cho bạn gái), người thanh niên có học, hiền lành này đã trở thành “đầu trộm, đuôi cướp” và cuối cùng là vung dao oan nghiệt giết chết 2 mạng người.

“Nổi tiếng là hiền lành. Chưa từng có tiền án tiền sự” - Rất quen phải không. Đó cũng là nhân thân của hai nghi can trong thảm án Bình Phước.

Long An, chủ nợ san phẳng mộ phần nhà con nợ cho… dễ bán đất khiến con nợ uất ức đến nỗi đi tìm một chai thuốc cháy tự tử.

Ở Bắc Giang, một người gọi là chồng cắt hết gân chân, gân tay, dùng dao đâm thủng mắt vợ chỉ vì chị này “dám làm đơn ra tòa đòi ly dị”.

Táng tận lương tâm quá. Ác quá.

Và nói đến cái ác tận ác, không thể không nhắc tới vụ cháu bé 11 ngày tuổi bị một phụ nữ dùng dao đâm xuyên từ mắt lên sọ não ở Vĩnh Long.

Sự mù quáng ở Quảng Trị. Cơn ghen, sự phẫn uất ở Bắc Giang. Sự nhẫn tâm ở Long An. Hay cái ác ở Vĩnh Long. Nếu có, chỉ có một điểm chung duy nhất là sự vô minh.

Vô minh khi những người tưởng chừng như hiền lành bình thường nhất - một ngày - bỗng vung dao đồ tể.

Nghi phạm trong “thảm án Quảng Trị” đã nói lời ăn năn. Nghi can Vĩnh Long liên tục “đập đầu vào tường đòi tự tử”… Có lẽ, để được chọn lại, họ sẽ không bao giờ lặp lại việc “đổ đầy độc dược vào chiếc bình cuộc sống”!

Trong Phật học, có câu chuyện “chiếc gắp than” chứa đầy những đạo lý.

Đại ý, khi có đệ tử đặt vấn đề: “Không biết là không có tội” thì có đúng không, Đức Phật không trả lời trực tiếp mà chỏ chiếc gắp than: “Nếu chiếc gắp than bị lửa làm cho nóng bỏng nhưng mắt ta không nhìn thấy được. Nếu con muốn cầm vào cái gắp than này, vậy giữa việc biết cái gắp than đang nóng bỏng và không biết, điều gì gây tổn hại hơn?”

Đệ tử suy nghĩ rồi trả lời:“Không biết nó đang nóng bỏng là rất tai hại. Vì không biết sẽ không có chuẩn bị, không đề phòng nên sẽ bị bỏng”.

Đức Phật nói rằng: “Đúng như vậy! Nếu biết cái kẹp than bị nóng bỏng thì lòng sẽ đề phòng, không dám sơ suất cầm bằng tay không. Từ đó cho thấy câu “không biết không có tội” là không đúng, mà không biết là rất có tội. Vì vô minh nên mãi trầm luân trong bể khổ”.

Giá như người phụ nữ cầm dao đâm vào đầu đứa bé 11 tháng tuổi được ai đó chỉ cho thấy chiếc gắp than nó nóng thế nào.

Giá như hôm cậu học trò ngành dược cầm tiền ra chợ mua dao nghĩ trước về cái “bể khổ” đang chờ đón hành động của cậu!