Khó điều trị hội chứng truyền máu song thai

Theo công bố mới nhất của hội đồng chuyên môn bệnh viện này, hai bé bị hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp, khó điều trị ở VN.

0
Trong các ca truyền máu song thai có sự thông nối mạch máu của hai thai với nhau


Cặp song sinh đều là trai, khi chào đời nặng lần lượt 3,5kg và 2,5kg, là con sản phụ Nguyễn Thị Nở ở Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Chưa điều trị được ở VN

Theo BS Trần Danh Cường, trưởng khoa sản 1 BV Phụ sản T.Ư, thống kê trong 100 trường hợp song thai có khoảng 30 trường hợp là song thai một noãn. 70% trong số này có dạng một bánh nhau hai buồng ối. Trong khi đó có đến 96% trong tổng số song thai một noãn, một bánh nhau hai buồng ối có sự tiếp nối tuần hoàn trong nhu mô nhau giữa hai thai và đó là nguồn gốc của hội chứng truyền máu trong song thai.

Biến chứng trong tổng số trường hợp có hội chứng truyền máu trong song thai chiếm khoảng 26%. Biến chứng xảy ra sớm nhất là từ lúc thai 18 tuần và muộn nhất cho đến khi thai phụ chuyển dạ.

BS Vũ Bá Quyết, phó giám đốc BV Phụ sản T.Ư, cũng cho biết tỉ lệ hiện nay là trong 850 ca sinh có một ca song thai, hội chứng truyền máu song thai hay gặp ở các trường hợp song thai cùng trứng. Theo ông Quyết, các trường hợp truyền máu song thai muốn cứu được cả hai bé có thể áp dụng phương pháp đốt laser thắt mạch máu truyền từ thai nọ sang thai kia.

“Tại Pháp tỉ lệ thất bại là 25%, các GS Pháp cũng đã sang VN hướng dẫn phương pháp này, nhưng theo chúng tôi tỉ lệ thất bại 25% là cao và hiện tại VN chưa có cơ sở y tế nào áp dụng điều trị bằng phương pháp này” - ông Quyết cho biết.

Trong các trường hợp biến chứng trước khi chuyển dạ, đã có thai phụ mang song thai bị hội chứng truyền máu song thai gặp tình huống một trong hai thai bị lưu trong buồng tử cung, nhưng thai còn lại vẫn tiếp tục phát triển. Ông Quyết cho rằng những trường hợp này thai bị lưu sẽ teo dần và 80-90% thai sống sẽ phát triển bình thường.

Lưu ý khâu chẩn đoán


Theo thống kê của Bộ Y tế, sáu  tháng đầu năm 2012 có 2.692 trường hợp mắc tai biến sản khoa, gia tăng mạnh so với năm 2011 (cả năm 2011 có 3.713 tai biến sản khoa được thống kê). Trong số các tai biến trong sáu tháng đầu năm 2012 có 52 trường hợp tử vong mẹ và hàng chục trường hợp tử vong sơ sinh tại Hà Nội, Quảng Ngãi, TP.HCM...

Ngoài lý do số ca sinh tăng vọt năm 2012 do hội chứng năm đẹp (số trẻ sinh năm 2012 đã tăng 8% so với 2011), còn có lý do khâu chẩn đoán, điều trị chưa đạt yêu cầu, kể cả các trường hợp từng sinh thường khỏe mạnh, thời điểm nhập viện mẹ - con cùng khỏe mạnh...

Ở trường hợp hai bé sơ sinh vừa tử vong ở Quảng Ngãi, BS Trần Danh Cường cho rằng mặc dù khó cứu những trường hợp song thai bị biến chứng do hội chứng truyền máu trong song thai, tuy nhiên trách nhiệm của các bác sĩ trong trường hợp này là chưa chẩn đoán chuẩn đó là dạng song thai gì, hai noãn, một noãn hay một noãn một bánh nhau hai buồng ối..., dẫn đến việc theo dõi thai kỳ chưa tốt để có thể có được cách xử lý kịp thời.

BS Cường cũng cho biết hội chứng truyền máu trong song thai vẫn đang là thách thức cho nền y học của cả thế giới. Đây là bệnh lý của tự nhiên xảy ra do sự phân chia của phôi mà không phải do bất kỳ tác động nào khác. Hiện nay chưa có bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng này, chỉ có những phương pháp tạm thời như chọc hút nước ối, septostomy, quang đông bằng laser... nhưng tất cả những phương pháp này cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Nếu phát hiện sớm và điều trị tốt có thể cứu được một thai với tỉ lệ 40- 60%. Tuy nhiên những thai sống sót cũng có tỉ lệ mắc bệnh về não, di chứng não, bại não rất lớn. Ngoài ra, có những phương pháp điều trị có thể dẫn đến tỉ lệ tử vong cho cả mẹ (lẫn con) là 30%.

“Ngay cả phương pháp quang đông bằng laser được nhiều nước tiên tiến sử dụng vẫn có thể xảy ra biến chứng vì giống như “làm mò”, bác sĩ không thể nhìn thấy toàn bộ mạch máu giữa hai thai để có thể cắt bằng laser” - bác sĩ Cường nói.

AloBacsi.vn
Theo Q. Liên, L. Anh - Tuổi trẻ

Một thai cho, một thai nhận máu

Hội chứng truyền máu song thai là một biến chứng nặng của song thai. Sự thông nối mạch máu của hai thai nhi với nhau khiến máu từ một thai nhi được truyền vào thai nhi còn lại với một tốc độ chậm nhưng liên tục. Thai cho trở nên teo đét và suy dinh dưỡng vì không đủ máu nuôi, trong khi thai nhận ngày càng phì đại.

Tiên lượng của hội chứng truyền máu song thai tùy thuộc vào tuổi thai khi được chẩn đoán nhưng nhìn chung tiên lượng xấu cho cả hai thai. Thai nhi cho máu bị giảm thể tích tuần hoàn mà hậu quả tiếp theo là tình trạng thiểu niệu, thiểu ối và chậm tăng trưởng. Biểu hiện chậm tăng trưởng trong tử cung tùy thuộc mức độ nặng của bệnh. Dần dần lượng nước ối giảm hết khiến thai nhi bị bó chặt trong buồng ối, không cử động và không thay đổi tư thế, thai nhi dễ bị cứng khớp, tay chân khoèo, giảm sản phổi. Thai nhi nhận máu thì tiên lượng cũng không tốt hơn do tăng thể tích tuần hoàn nên thai nhi có tình trạng đa niệu, bàng quang căng to, đa ối, phù nề, suy tim.

Hội chứng truyền máu song thai mức độ nặng xảy ra trước tuần thứ 16 của thai kỳ là một chỉ định để cân nhắc chấm dứt thai kỳ do tiên lượng rất kém. Khi hội chứng truyền máu song thai xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ, thai nhi tử vong gần như là 100%. Nếu hội chứng truyền máu song thai xảy ra sớm trong thai kỳ (trước tuần thứ 26) thì 80 - 90% thai nhi sẽ tử vong, hoặc bị tổn thương trầm trọng. Nếu hội chứng này xảy ra sau tuần thứ 26 của thai kỳ, thai nhi thường có cơ hội sống hơn và ít bị tổn thương hơn.

TS.BS Lê Thị Thu Hà (BV Từ Dũ)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]