Không có bệnh cũng đòi mổ

Có những người không tổn thương gì nhưng vẫn khăng khăng mình mắc bệnh và đòi mổ. Ngược lại, có những bệnh nhân sau khi được điều trị, đến gặp bác sĩ đòi trả lại bệnh.

15.5817

>>  

Một nữ bệnh nhân nằm trên bàn phẫu thuật tim. Mặc dù trái tim cô hoàn toàn khỏe mạnh nhưng các bác sĩ vẫn gây mê, rạch, khâu rồi đưa về buồng hậu phẫu. Trước đó, người phụ nữ này đã liên tục đến bệnh viện, một mực than phiền bị đau nhói trong tim đến nỗi không sao chịu nổi và cuối cùng đã đạt được nguyện vọng lên bàn mổ dù bác sĩ không hề phát hiện bệnh gì.

Đây là biểu hiện điển hình của những người mắc bệnh tâm thể (Psykhosomatique). Giáo sư Sergei Enicolopov thuộc Viện Hàn lâm y học Nga cho biết, ở họ, các triệu chứng bệnh có, nhưng sự  rối loạn hoạt động của cơ quan mà bệnh nhân kêu ca lại chẳng thấy đâu.

Sau khi không phát hiện ra bất kỳ một trục trặc nào bằng máy X-quang, máy chụp cắt lớp..., các thầy thuốc thường khuyên “chớ nên lo lắng” hoặc “hãy đến gặp nhà tâm lý học”. Ý tưởng đó có từ thời cổ đại, khi ông tổ nghề y Hyppocrate nói: "Cái cần chữa không phải là căn bệnh mà là bệnh nhân". Nhưng dần dần, y học đã quá tập trung vào những cách điều trị mang tính kỹ thuật, nếu đau thì hoặc là mổ hoặc kê đơn thuốc. Và có nhiều trường hợp, thuốc chẳng giúp gì được người bệnh.

Về điều trị bệnh tâm thể, hiện có hai quan điểm là cần điều trị bằng thuốc và ngược lại, chỉ có thể dùng liệu pháp tâm lý. Nhưng sự thực, cả hai đều cần thiết. Nhà tâm lý học giải tỏa sự căng thẳng, khiến bệnh nhân yên tâm và cảm thấy dễ chịu. Song mối nguy cơ vẫn còn lại, hôm nay căn bệnh không được chẩn đoán nhưng ngày mai bệnh có thể tái phát về mặt thân thể. Những nhà tâm lý trị liệu hăng hái nhất đã nói về chuyện hoang đường của bệnh, họ cho rằng bệnh chỉ là dấu hiệu xung đột tâm lý mà thôi. Tuy nhiên, chuyện hoang đường này có thể dẫn tới cái chết trên thực tế.

“Hãy trả lại tôi bệnh hen”

Giáo sư Vađim Grechka, Viện trưởng Viện cấu trúc trị liệu Nga, nói: “Bất cứ căn bệnh nào cũng cần thiết cho con người với một mục đích nào đấy. Thậm chí đôi khi nó còn là bánh mì của người ốm. Anh ta không thể sống nổi nếu thiếu căn bệnh quen thuộc mà anh ta đã chung sống nhiều năm, và không muốn từ bỏ nó”.

Có lần, một nữ bệnh nhân hen đã được cắt cơn đến gặp bác sĩ điều trị và tuyên bố: “Xin hãy trả lại cho tôi bệnh hen! Tôi không thể và chưa chuẩn bị sống thiếu căn bệnh này”. Số là trong khi bị bệnh, bệnh nhân được thân nhân cho đi an dưỡng ở vùng biển Crưme. Cô không phải làm gì cả và được chu cấp hoàn toàn. Sau khi bình phục, cuộc sống của cô đã thay đổi vì không còn được đưa đi an dưỡng và cung phụng nữa.

Người thầy thuốc nọ tất nhiên không thể “trả lại” bệnh hen cho cô ta. Nhưng ông nói rằng với tâm trạng như thế,  bệnh hen sẽ trở lại, vì chính cô ta muốn đổ bệnh.

Theo nhà tâm lý Sigmund Freud, người ta thường bắt đầu đau ở cơ quan vốn tượng trưng cho triệu chứng. Chẳng hạn, những vấn đề về mắt và tai có thể nói lên sự không mong muốn (dưới dạng tiềm thức) nhìn và nghe những gì đang diễn ra chung quanh. Nhà tâm lý người Nga Konstantin Bykov nói: “Nỗi buồn không thể hiện ra bằng nước mắt nên đã buộc các cơ quan khác phải khóc”. Do bất lực trong việc thể hiện, xác định những cảm xúc của mình, các rối loạn về tâm thể xuất hiện.

Một số chuyên gia khác cho rằng rối loạn tâm thể là do trầm uất gây ra. Trong trường hợp này, con người không biết mình đang bị trầm uất nên vẫn có vẻ phấn khởi, vui tươi, nhưng tim, dạ dày, đầu hoặc thậm chí cả răng... không bình thường. Chẳng hạn, một doanh nhân đang hào hứng rảo bước bỗng ngã khuỵu xuống do nhồi máu cơ tim. Anh ta không hiểu do đâu mà tai họa ập đến bởi lẽ trước đây tim chưa bao giờ bị đau cả. Nhưng trên thực tế, cơ thể anh ta trong thời gian dài đã phải chịu áp lực của cuộc sống.

"Cứ từ từ, đừng vội vã, hãy dừng lại nghỉ ngơi một chút. Bởi lẽ cơ thể của chúng ta không thích nghi với tốc độ điên cuồng của cuộc sống hiện đại và tất cả vấn đề là ở đấy" - nhà tâm lý học Vađim Grechka khuyên.

>>  

AloBacsi.vn (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]