Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Thế Căn - Nguyên giám đốc Bệnh viện K Hà Nội - Thành viên của Hội Ung thư Việt Nam về chuyện những bệnh ung thư không nên mổ.
Là một trong những người xây dựng trong chiến lược phòng chống ung thư ở Việt Nam (VN), ông có thể cho biết ung thư có bắt buộc phải phẫu thuật không và những bệnh ung thư nào thì không cần phẫu thuật?

Bác sĩ Đặng Thế Căn: Quan niệm ung thư động dao kéo vào là bị di căn nhanh hơn là có thật. Thực tế, mạng lưới và dự án phòng chống ung thư ở VN đã làm một cuộc điều tra vào những năm 2010, người dân khi được hỏi về việc bị ung thư có cần phẫu thuật không thì kết quả là có đên 35,8% số người được hỏi trả lời  rằng bị ung thư động dao kéo sẽ chết ngay, không được mổ. Đây là quan niệm sai lầm và y học đã chứng minh được điều đó.

Nhưng cũng có một số bệnh ung thư không nên mổ. Nói chính xác hơn là việc điều trị bằng phẫu thuật rất hạn chế như ung thư vòm họng, ung thư hạch, ung thư gần trung thất, ung thư ở hố sau não, ung thư máu, ung thư thực quản ở đoạn trên…

Trong trường hợp cần thiết như phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật ghép tế bào gốc, người ta mới sử dụng đến phương pháp động dao kéo. Còn lại chủ yếu sử dụng xạ trị, hóa chất và điều trị nội khoa.

Ung thư vòm họng là một trong 10 bệnh ung thư đứng đầu ở VN. Xin ông cho biết phương pháp điều trị và tỉ lệ thành công của bệnh này như thế nào, vì sao không cần đụng dao kéo với căn bệnh ung thư này?

Bệnh ung thư vòm họng khối u xuất hiện ở khu vực vòm mũi họng. Khu vực này rất nhạy cảm với xạ trị nên không cần phẫu thuật. Đối với các bệnh nhân bị ung thư vòm họng không di căn (giai đoạn I đến IVB), phương pháp điều trị chủ yếu là xạ trị.

Xạ trị là sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị chỉ tác động đệncác tế bào trong khu vực được điều trị. Đối với ung thư vòm hầu, các khu vực được điều trị bao gồm không gian phía sau mũi cũng như hai bên cổ. Hiện nay, các kỹ thuật xạ trị mới hơn như phương pháp xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT) có thể đưa các bức xạ tới khu vực dự định một cách chính xác hơn, giúp kiểm soát khối bướu tốt hơn và ít tác dụng phụ, bệnh nhân ít bị khô miệng hơn. Với bệnh nhân mắc bệnh ung thư vòm hầu ở giai đoạn đầu có thể áp dụng xạ trị đơn thuần.

Đối với các bệnh nhân ở ung thư muộn khi đó khối y xâm lấn  đáy hộp sọ hoặc kiểm tra thấy có sự  xâm nhiễm dây thần kinh sọ. Giai đoạn hạch muộn, lúc này các hạch lớn, xuất hiện các hạch cổ hai bên hoặc các hạch lan rộng đến nền cổ, sẽ được áp dụng hóa trị cùng với xạ trị nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. 
Tuy nhiên phương pháp nào cũng có tác dụng phụ, tác dụng của xạ trị ảnh hưởng tới các tuyến nước bọt khiến bệnh nhân có cảm giác bị khô miệng, mặt đỏ lên. Mục đích của xạ trị là tiêu diệt tế bào ung thư nên tế bào lành tính xung quanh khu vực đó đôi khi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Với ung thư vòm họng, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể tiến hành phẫu thuật ở cổ đối với bệnh nhân vẫn còn sự hiện diện của hạch di căn dù đã trải qua xạ trị, hoặc những bệnh nhân tái phát chỉ duy nhất ở hạch cổ.

Tỉ lệ chữa khỏi ung thư vòm họng cũng cao hơn  các bệnh ung thư khác. Nếu phát hiện càng sớm, tỉ lệ thành công càng cao hơn. Tôi đã gặp bênh nhân sống được 15 năm sau khi điều trị ung thư vòm họng chỉ sử dụng biện phát xạ trị.

Còn đối với ung thư hạch thì như thế nào, thưa bác sĩ?

Ung thư hạch là bệnh tương đối khó chữa trong các loại ung thư vì nó mang tính toàn thân nên không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Đối với bệnh ung thư hạch sau khi được chẩn đoán ung thư hạch, tâm lý chung của nhiều bệnh nhân là họ sẽ vội vàng đi điều trị mà không hề biết rằng, phương pháp điều trị tốt nhất thì cần phải đánh giá  dựa trên bệnh tình, kết hợp với các biểu hiện lâm sàng như: ra mồ hôi trộm, sút cân, sốt… Sau khi chẩn đoán bệnh lý, phân chia giai đoạn xong, mới đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân.

Phẫu thuật với bệnh này rất ít. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư hạch cục bộ, vẫn còn có một số hạn chế đáng kể. Sau khi phẫu thuật vẫn dễ bị tái phát hoặc di căn. Đồng thời, hóa trị cũng có tác dụng phụ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, những phương pháp điều trị truyền thống còn tồn tại rất nhiều thiếu sót.

Hóa trị là phương pháp điều trị chủ yếu trong bệnh lý này. Đó là cách dùng các thuốc chống ung thư đường uống hoặc đường tiêm chích để giết chết tế bào ung thư. Đây là phương pháp điều trị toàn thân do thuốc theo dòng máu đến các tế bào ung thư ở khắp cơ thể. Y học ngày càng phát triển và người ta đang sử dụng biện pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích.

Bác sĩ cho rằng ung thư thực quản ở phần trên cũng không phải mổ, vì sao không nên phẫu thuật thưa ông?

ung thư thực quản là bệnh ung thư đứng đằng sau ung thư dạ dày, bệnh nguy hiểm. Thực quản là ống đưa thức ăn từ họng vào trong dạ dày. Nếu bị ung thư đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa hầu hết là ung thư biểu  mô vảy nhạy cảm với tia xạ, hóa chất. 
Vì vậy, ung thư thực quản 1/3 trên phẫu thuật khó khan nên thường sử dụng tia xạ và hóa chất phối hợp. Ung thư thực quản 1/3 giữa khi u dưới 3cm nên phẫu thuật, u lớn hơn 3 cm cần cân nhắc, u lớn hơn 5cm thường kèm theo di căn hạch, kết quả phẫu thuật kém hơn sự dụng tia xạ và hóa chất phối hợp.

Ung thư thực quản 1/3 dưới hầu hết là ung thư biểu mô tuyết ít nhạy cảm tia xạ, vì vậy cần phẫu thuật  đơn thuần giai đoạn I và IIA, phẫu thuật có tia xạ và hóa chất bổ trợ giai đoạn IIB và III.

Với những bệnh nhân bị ung thư thực quản ở đoạn dưới khu vực cổ thì bác sĩ có thể phẫu thuật kéo một phần dạ dày lên, cắt bỏ vùng thực quản bị khối u. Ngày trước, các bác sĩ làm theo phương pháp cắt đoạn ruột đưa lên nhưng nay họ kéo một phần dạ dày. Biện pháp này thành công cao, có bệnh nhân mổ bằng nội soi đã sống trên 10 năm.

Ung thư thực quản thường xảy ra ở người già, còn có lý do nào để cân nhắc có nên phẫu thuật hay không thưa bác sĩ?

Bệnh này thường xảy ra ở người trên 50 tuổi. Thông thường phẫu thuật, về lý luận là biện pháp điều trị có tính chất triệt căn nhất. Nhưng thực tế, số bệnh nhân bị ung thư thực quản có khả năng mổ được và khả năng cắt được  tương đối ít. Số bệnh nhân không mổ được chiếm đa số, phần vì chẩn đoán muộn, phần khác do tuổi cao, bệnh nội khoa phối hợp và không ít bệnh nhân từ chối mổ. 
Hơn nữa, phẫu thuật thực quản luôn luôn là nặng, biến chứng về miệng nối, biến chứng phổi và màng phổi phức tạp. Do vậy, các bác sĩ cần lựa chọn kỹ để chỉ định phẫu thuật và tư vấn cho người bệnh. Về vị trí u, nên mổ đối với 1/3 dưới, không mổ đối với 1/3 trên, cân nhắc kỹ đối với 1/3 giữa. Về giai đoạn bệnh, nên mổ đối với giai đoạn I, giai đoạn II, cân nhắc kỹ đối với giai đoạn III, không mổ đối với giai đoạn IV. 
Về tình trạng toàn thân, phân biệt giữa điều kiện cho phép phẫu thuật và điều kiện không cho phép phẫu thuật. Điều kiện cho phép phẫu thuật là tuổi dưới 75, chức năng hô hấp đạt trên 75%, không bệnh nội khoa nặng như đái đường, suy tim, suy thận, xơ gan, tai biến mạch máu não.

Theo Hương Linh/Pháp luật & Cuộc sống