Không để dịch bệnh xảy ra sau bão lụt

GiadinhNet - Sau các trận mưa lũ lớn xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sống. Đây chính là thời điểm mà người dân vùng lũ dễ bị nhiễm một số bệnh nguy hiểm. Việc chủ quan có thể dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan cho cộng đồng.

0
Trước tình hình bão lũ đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương bị lũ lụt phải thành lập các đội phòng chống dịch, túc trực 24/24h.

Bộ Y tế đã khuyến cáo, các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt: Người dân phải thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện thau rửa bể, giếng, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs để khử trùng nước sinh hoạt.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường, người dân cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Sau lũ, người dân thường phải đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, dịch tả, lỵ, thương hàn… Do vậy người dân cần phải đề phòng dịch bệnh bằng các phương pháp trên.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời. Vừa qua, cơn bão số 2 đã trực tiếp gây ngập lụt tại các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Giang. Thực hiện Công điện số 765/CĐ-BYT ngày 17/7/2014 của Bộ Y tế về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân mùa bão lụt, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị giám đốc Sở Y tế các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 2 khẩn trương tập trung chỉ đạo, triển khai các nội dung của Công điện: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xác súc vật chết… Tổ chức giám sát, phát hiện và dập tắt kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm sau bão lụt. Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24h, sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch xảy ra. Tổ chức đội cấp cứu lưu động kịp thời hỗ trợ huyện, xã, phường khi cần thiết.

Tri Thường
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]