Kiểm soát bệnh tiểu đường: Chi nhiều tiền vẫn... thua

Mỹ có một nền y - dược tiên tiến nhất thế giới. Thế nhưng với chi phí lên tới 174 tỷ USD/năm, nhưng vẫn không thành công trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

15.6084
Bệnh tiểu đường đã và đang trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.

Chi phí y tế tăng vọt

Từ năm 1999 tới 2009, tổng cộng chi phí cho chăm sóc sức khỏe của Mỹ gần như tăng gấp đôi, từ 1,3 nghìn tỷ USD lên tới 2,5 nghìn tỷ USD. Trong cùng giai đoạn đó, tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dành cho chăm sóc y tế tăng từ 13,8% lên tới 17,6%. Trong khi thu nhập bình quân của các gia đình Mỹ đã tăng thêm 30% từ năm 1999 đến 2009 (từ 76.000USD lên tới 99.000USD), thì chi phí y tế còn tăng nhanh hơn nhiều.

Cụ thể: Chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm cho mỗi người tăng từ 4.600USD tới hơn 8.000USD. Bảo hiểm y tế hàng tháng mà một gia đình phải chi trả tăng thêm tới 128% (từ 490USD lên tới 1.115USD) và lượng tiền mặt phải sử dụng tăng tới 78% trong cùng giai đoạn này (từ 135USD tới 240USD).

Thế nhưng, dù chi phí rất lớn như vậy, bệnh tiểu đường vẫn không thể kiểm soát. Theo Cơ quan kiểm soát bệnh tật Mỹ năm 2011, có khoảng 300.000 người tử vong trực tiếp do bệnh tiểu đường gây ra. Hơn thế nữa, có hàng triệu trường hợp bị tàn phế vì biến chứng của bệnh tiểu đường, như suy thận, mù lòa, đột quỵ...

Hiện nay, hàng năm ở Mỹ ghi nhận trên 1 triệu trường hợp mắc mới bệnh tiểu đường typ 2 và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này, trong đó có cả trẻ em. Một nửa số chi phí của bệnh nhân tiểu đường là chi phí thanh toán cho bệnh viện. Các chuyên gia y tế Mỹ đã phải cảnh báo: "Bệnh tiểu đường đang tàn phá nền kinh tế nước Mỹ và sẽ tiếp tục trong tương lai''.

Sức khỏe không thể mua bằng tiền

Nhiều chuyên gia y tế và bác sĩ Việt Nam sau các chuyến tham quan hoặc thực tập ngắn ngày đã mang về tư tưởng sùng bái nền y khoa Mỹ. Câu ngạn ngữ: "Chớ thấy lấp lánh mà tưởng là vàng" của người châu Âu nhắc nhở chúng ta cần xem xét lại sự ngộ nhận, rằng nền y tế Mỹ là một chuẩn mực cần noi theo.

Như đã nói ở trên, người Mỹ chi phí cho khám chữa bệnh, thuốc men, xét nghiệm, chẩn đoán lên tới 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, ngoài những phẫu thuật, phương pháp chữa bệnh rất đắt tiền, người dân Mỹ không có được sức khỏe và chất lượng cuộc sống tương đương với số tiền họ bỏ ra.

Các nhân viên y tế tại Mỹ được trả lương rất cao, thế nhưng các sai sót y khoa trong bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh do sử dụng thuốc không đúng, sự nhầm lẫn của các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên vẫn gây tổn thương cho 1,5 triệu người bệnh, cướp đi sinh mạng khoảng 100.000 người (theo số liệu của Viện Y tế, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ). Con số này còn lớn hơn nhiều so với số lượng tử vong do tai nạn giao thông, sinh hoạt và lao động cộng lại.

Cũng theo Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ, hàng năm có khoảng 100.000 người tử vong do nhiễm trùng bệnh viện. Một số lượng lớn các trường hợp tử vong này có thể tránh được nếu các nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình rửa tay trong bệnh viện và cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi dùng kháng sinh, các thuốc làm suy giảm miễn dịch như Corticosteroid..

Tương tự với bệnh tiểu đường, nền Y khoa Mỹ đi tiên phong trong các hướng chẩn đoán và điều trị bệnh dựa vào các chỉ số cận lâm sàng. Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán là có bệnh dựa trên các chỉ số cận lâm sàng này là rất lớn. Trong khi đó, cho đến nay thật sự vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy việc điều trị bằng cách kiểm soát các chỉ số cận lâm sàng bằng các thuốc đặc hiệu làm cho người bệnh sống lâu hơn hoặc có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Từ thực trạng về bệnh tiểu đường với sự gia tăng đột biến về số người bệnh so với trường hợp tử vong và bị biến chứng cùng với những chi phí rất lớn về tài chính, chúng ta có thể thấy rằng: Trong việc chăm sóc sức khỏe cho con người không phải cứ nhiều tiền là có được kết quả như mong đợi.

AloBacsi.vn
Theo BS-TS Hoàng Xuân Ba - Dân việt


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]