Kỳ 3: Thạc sĩ bỗng dưng làm thơ sau 2 năm bị động kinh

Câu chuyện dưới đây thật kỳ lạ, khó tin mà lại có thật. Khi gia đình đưa Đào Quốc Minh bị động kinh sau tai nạn giao thông vào viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai chữa trị, thấy dấu hiệu của Mi

15.6205

Kỳ 3: Thạc sĩ bỗng dưng làm thơ sau 2 năm bị động kinh

Câu chuyện dưới đây thật kỳ lạ, khó tin mà lại có thật. Khi gia đình đưa Đào Quốc Minh bị động kinh sau tai nạn giao thông vào viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai chữa trị, thấy dấu hiệu của Minh ngày một nặng thêm, bố em đã may mắn tìm gặp được một ông bác sĩ dáng người “thấp lùn” có con một bề - chỉ có 3 con trai (như lời một thầy bói phán bảo) là ông Cao Thanh Tùng, Phó Giám đốc một bệnh viện tâm thần đang về học thêm chuyên khoa tại bệnh viện Bạch Mai.

Tự giải thoát bằng thơ

Bố Minh rình gặp bằng được bác sĩ (BS) Cao Thanh Tùng sau một ca trực đêm ở bệnh viện, rủ ông đi ăn phở và nói thực tình căn bệnh của Minh để nhờ cậy thầy cứu giúp. BS Tùng nhận lời và nói: “Mày tin tao thì tao chữa cho con mày, chứ tao không xin việc đâu. Con mày bị tai nạn, điều trị như hiện nay không được đâu, tao sẽ chữa cho con mày khỏi bệnh. Sau 10 ngày, xin cho nó ra viện, đưa về tao chữa”.

Ngay khi nhận chữa bệnh động kinh loạn thần cho Đào Quốc Minh, BS Tùng kê đơn thuốc và bảo ông Vịnh: “Đừng cho bệnh viện Bạch Mai biết, cứ lặng lẽ cho con uống thuốc của anh, còn thuốc của Bạch Mai cất vào túi coi như đã uống thuốc của họ, nếu con khỏi bệnh thì cứ coi như đã uống thuốc của Bạch Mai mà khỏi bệnh, đừng lăn tăn gì cả. Sau đó đưa con ra viện, đến tao chữa cho, tao không lấy tiền đâu”.

Trong thời gian vợ chồng ông Đào Quốc Vịnh đưa con đến chữa bệnh động kinh tại cơ sở chữa trị của BS Cao Thanh Tùng được gặp một cô đồng nổi tiếng ở phía bắc Hà Nội, cô đồng phán bảo: “Anh chị thì rất có phúc, mộ phần thì rất tốt. Đã gặp được thầy, được thuốc rồi đây. Tôi nói cho anh chị biết trước để kiên trì chạy chữa cho con. Nhà chị bao giờ đi lễ phải vay tiền để làm từ thiện thì con chị mới mong khỏi bệnh được”. Nghe cô đồng dạy, vợ chồng ông Vịnh cũng rất băn khoăn. Lúc đó, gia đình ông Vịnh có một mảnh đất ở gần cầu Lạc Trung, sông Kim Ngưu, Hà Nội đang cho một bà chị họ mượn, xây trường mầm non, mẫu giáo tư thục để kinh doanh giáo dục.

Bà này vừa mắc bệnh phải vào Nam ở với con để chữa trị, nên gọi vợ chồng ông Vịnh tới trả lại trường. Ngôi trường cũ hai tầng xuống cấp, xây cất rất xập xệ, nên vợ chồng ông Vịnh đã phải phá dỡ toàn bộ để xây dựng ngôi trường tiểu học dân lập mới 6 tầng với mấy chục phòng học rất khang trang. Để xây dựng ngôi trường mới, vợ chồng ông Vịnh phải thế chấp mấy khu nhà, đất để vay tiền ngân hàng, ứng đúng với lời phán bảo của cô đồng: “Nhà chị phải đi vay tiền làm từ thiện thì con chị mới mong khỏi bệnh”.

Quả thật, sau một thời gian điều trị bằng các loại thuốc tây y, BS Cao Thanh Tùng đã chữa khỏi bệnh động kinh cho Đào Quốc Minh và cháu đã nhận ông làm bố nuôi. Sau hai năm được bố mẹ kiên trì chữa chạy khắp nơi, Minh đã lành bệnh. Điều đặc biệt, khi bố mẹ xây dựng xong ngôi trường tiểu học, đúng vào ngày 31/8/2006, Đào Quốc Minh nói: “Mẹ ơi, con đã ra khỏi không gian ảo, bố mẹ xin cho con đi học đại học”. Khi mẹ em nói chuyện này với bố, ông gạt đi vì không tin rằng con mình vừa khỏi bệnh động kinh loạn thần lại có thể học được đại học. Nhưng sau khi lắng nghe con mình thưa chuyện, bố mẹ em vỡ òa trong niềm vui mừng khôn xiết, vội mang hồ sơ học phổ thông và kết quả thi đại học trước đây của Đào Quốc Minh tới trường đại học Ngoại thương xin nhập học. Trường Ngoại thương trả lời em không nhập học được vì đã quá thời hạn bảo lưu 3 năm.

Tuy thất vọng, nhưng gia đình em vẫn cất công tìm trường, tìm thầy và bố em mang hồ sơ tới trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, gặp thầy Hiệu trưởng là GS.Trần Phương trình bày. Sau khi xem hồ sơ thành tích học tập phổ thông, kết quả thi đại học và bệnh án động kinh của Minh, thầy Trần Phương cho biết: “Sẽ nhận Minh vào học tại khoa Quản trị kinh doanh trường vì phải cứu giúp một con người, dẫu biết vậy là sai nguyên tắc”. Tháng 9/2006, Đào Quốc Minh được vào đại học và đến 20/11/2006, em viết bài thơ đầu tiên tặng thầy giáo của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bài thơ đầu tiên

Sau hơn bốn năm dùi mài đèn sách chăm chỉ, sinh viên Đào Quốc Minh đỗ đại học với tấm bằng cử nhân kinh tế xuất sắc và sau đó làm luôn thạc sĩ kinh tế tại trường. Đến nay, Minh về phụ trách quản trị mạng tại ngôi trường dân lập do bố mẹ anh làm chủ đầu tư và vẫn rất đam mê thi ca. Đào Quốc Minh đã xuất bản 5 tập thơ: Hoa xuân và nắng hồng (1 và 2); Mưa tháng ba; Dấu vân tay màu xanh lục; Những người vũ công Memphis (đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành từ năm 2008- 2014).

Đào Quốc Minh đang trình bày tập thơ 600 trang mới in của mình.

Trong 3 tập thơ đầu, năng khiếu thi ca của Minh đã phát lộ mà bài thơ “Cha và con đường” (viết tặng người cha thân yêu của mình) dưới đây là một dẫn chứng:

Mặt đất dành một phần mười diện tích của nó

Để tạo nên những con đường

Mặt nước dành một phần trăm thể tích của nó

Để gột sạch những con giường

Mặt trời dành một phần nghìn năng lượng của nó

Để chiếu sáng những con đường Cha dành cả cuộc đời của Người

Cho ta làm nên ý nghĩa của những con đường.

Khi viết bài thơ này, Đào Quốc Minh 20 tuổi và vừa “ra khỏi không gian của những cơn động kinh”. Đáng chú ý, bài thơ đầu tiên đăng báo Giáo dục thời đại của anh là bài “Ngàn năm Yên Tử”, một bài thơ khá già dặn về mặt bút pháp lục bát khi cảnh sắc thiên nhiên mang màu thiền định thấm vào mỗi con chữ:

Chiều xuân lên Bạch Vân San

Vọng xa dải sóng Đằng Giang xô bờ Huệ Quang tháp đá, ngất ngư

Tùng pha ánh tím, lặng tờ tây dương Người đi biết mấy dặm đường

Vai mang tục lụy đẫm sương áo bào Rừng thiền, đá bích thấp cao

Đón người lữ khách, đi vào Hoa Yên Vân Tiên, thanh tĩnh thần tiên Người đi dứt bỏ hồng duyên thế trần Chiều im trong một tiếng ngân

Mây vàng đỗ lại nghìn xuân quan hà Liệng chao, theo ráng hồng sa

Nhạn bay về đỉnh chiều tà, hư không

Bài thơ trên cũng như khá nhiều bài thơ khác của Đào Quốc Minh trong 3 tập thơ đầu tiên, đều có cái dư vị lãng đãng, hào hoa của không khí cổ thi, cái mà không phải bất cứ cây bút trẻ nào hôm nay cũng có thể viết được. Nhưng điều đáng nói, sau ba tập thơ đầu, đến tập thơ thứ tư và nhất là tập thơ thứ năm “Những người vũ công Memphis”, Đào Quốc Minh đã bứt khỏi cái “không khí cổ thi” ấy để bước ngay vào “không gian mới” của thơ hiện đại và hậu hiện đại mà hai bài thơ “Người đàn bà hát bội” và “Ngôi đền quỳ mọp” dưới đây đã nói lên điều đó:

...Người đàn bà hát bội, đôi môi bầm giập những hạt máu ấm nóng

... như thể có đợt đợt

hoa đào tháng ba trong hơi thở se lạnh ùa về...

trên bờ vai trầy rách thịt da... người gánh đi một giấc mơ về một bầu trời

đầy những đàn chim én...

(Người đàn bà hát bội)

Thơ hiện đại và hậu hiện đại mang trong mình một sức ám ảnh ghê gớm và nhà thơ như một kẻ tội- đồ-của-ngôn- ngữ-thi-ca, phải dựng lên một chân dung đời sống mới với tất cả sự đau đớn, khốc liệt và cả niềm hạnh phúc của đấng sáng tạo. Tuy vậy, mỗi bài thơ của Đào Quốc Minh mới chỉ bước đầu khai phá một hình ảnh, một dư chấn, một hình tượng, một cảm xúc, một khắc họa, một ám ảnh... về đời sống thiên nhiên và đời sống con người hôm nay. Và, độc giả thơ đương đại vẫn đang chờ ở sau mỗi bài thơ của tác giả trẻ này một sự chiêm nghiệm minh triết, một hơi thở lãng mạn của triết học phương đông... Đòi hỏi như vậy có quá chăng đối với một tác giả trẻ vừa bước vào con đường sáng tạo thi ca?

(Còn tiếp...)

Nguyễn Việt Chiến

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]