Làm sao để bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không trở nặng?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là thuật ngữ chung chỉ một nhóm người mắc bệnh phổi mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm từ từ, không hồi phục các giá trị chức năng thông khí phổi.

15.579

Ðể bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không trở nặng

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một bệnh lý ở đường hô hấp khá phổ biến tại nước ta hiện nay. Những người mắc phải BPTNMT thường có tình trạng bệnh diễn tiến theo thời gian. Bệnh nhân thường có xu hướng trở bệnh nặng và dễ khởi phát các đợt cấp hơn khi thời tiết lạnh do sức đề kháng suy giảm.

Khí hậu lạnh và ẩm làm cho cơ thể rất dễ bị mất nhiệt. Khi trời quá lạnh, niêm mạc đường hô hấp trên không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí đi vào trong cơ thể như lúc bình thường. Hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng gần 100m2 nên đường hô hấp là cơ quan đầu tiên trong cơ thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh.

Các biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn, nhiễm virut, chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý và tuân thủ điều trị đã được khuyến cáo đối với các bệnh nhân BPTNMT để ngăn ngừa bệnh tiến triển và các cơn cấp. Tuy nhiên vào mùa lạnh, bệnh nhân BPTNMT cần đặc biệt lưu ý hơn tới các khuyến nghị sau:

- Điều trị triệt để các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp: BPTNMT thường gặp phải ở những người trên 40 tuổi. Khi thời tiết lạnh nguy cơ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp càng cao hơn, do vậy khi phát hiện có các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên thì cần điều trị kịp thời để tránh lan xuống đường hô hấp dưới.

Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu nên thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp việc vỗ rung lồng ngực.

- Giữ ấm cổ ngực khi trời lạnh: Những người bình thường và bệnh nhân BPTNMT khi ra ngoài trời lạnh cần mặc ấm, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn.

Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi. Hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ dẫn tới khởi phát đợt cấp.

- Không được hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hít phải khói thuốc thụ động: Bệnh nhân BPTNMT có sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp kém hơn so với người bình thường. Việc hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà dẫn tới dễ xuất hiện nhiễm khuẩn hô hấp.

Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự. Vì vậy, những bệnh nhân BPTNMT không được hút thuốc để làm giảm tối đa tần suất các nhiễm khuẩn hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của BPTNMT.

- Tránh ô nhiễm không khí trong nhà: Cần tránh tiếp xúc với khói bụi từ việc đun nấu hoặc sưởi ấm bằng rơm rạ, củi, than. Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà có thể khiến bệnh nặng hơn và còn là nguy cơ gây ra các đợt cấp BPTNMT.

- Tránh ô nhiễm không khí ngoài trời và thay đổi thời tiết đột ngột: Không khí ô nhiễm chứa yếu tố làm cho BPTNMT nặng lên về lâu dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển, tăng nguy cơ tử vong ở những người nhạy cảm (đặc biệt những người bị suy hô hấp mạn tính nặng).

Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp. Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm khuẩn hô hấp.

- Tránh tiếp xúc với khói bụi nghề nghiệp: Nếu có thể, bệnh nhân BPTNMT nên chuyển công tác sang những bộ phận khác có nồng độ khói, bụi thấp.

- Chế độ dinh dưỡng: Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh.

- Tập luyện vận động: Vận động chi dưới giúp cải thiện khả năng gắng sức nhưng không cải thiện chức năng hô hấp. Vận động chi trên mới cải thiện sức cơ, giảm nhu cầu thông khí nhờ tăng hoạt động cơ hô hấp phụ. Hai cách tập vận động: Tăng sức bền: đi bộ, thảm lăn, xe đạp, đi cầu thang...; Tăng sức cơ: giữ thăng bằng, kháng lực, nâng tạ...

- Phục hồi chức năng hô hấp: Gồm các kỹ thuật giúp thông đờm làm sạch đường thở và kỹ thuật giúp bảo tồn, phục hồi và duy trì chức năng hô hấp.

- Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp: Triệu chứng khởi phát đợt cấp bao gồm: sốt, ho khạc đờm nhiều hơn, khó thở nặng hơn ngày thường và các dấu hiệu triệu chứng khó chịu khác. Bệnh nhân cần được tư vấn cụ thể và có thái độ xử trí thích hợp. Cần liên lạc với bác sĩ điều trị để có ý kiến tư vấn phù hợp.

Ăn gì để phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Theo Tạp chí Đẹp/ VietNamPlus, một nghiên cứu mới đây cho biết, một chế độ ăn uống lành mạnh nhiều ngũ cốc, rau, các loại hạt và ít đường, ít thịt đỏ sẽ giúp bạn tránh khỏi việc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi là bệnh COPD).

Sau hơn một thập kỷ khảo sát hơn 120.000 đàn ông và phụ nữ, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Y tế và Y học Pháp, chỉ ra rằng những người có chế độ ăn uống lành mạnh với khẩu phần ngũ cốc, rau, các loại hạt nhiều nhất và khẩu phần các loại thịt đỏ, các loại đường ít nhất sẽ thuộc 1/3 số người ít có khả năng mắc bệnh COPD, ngay cả khi họ có thói quen hút thuốc so với những người có chế độ ăn uống không lành mạnh.

Tiến sĩ Raphaëlle Varraso của Viện Nghiên cứu Y tế và Y học Pháp tại Villejuif cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh với những chứng bệnh về đường hô hấp. Các vấn đề đường hô hấp và chức năng của phổi thể hiện rõ tình trạng sức khỏe của cơ thể mỗi người”.

COPD là thuật ngữ chung chỉ một nhóm người mắc bệnh phổi mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm từ từ, không hồi phục các giá trị chức năng thông khí phổi. Chứng bệnh này bao gồm khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính và một số loại bệnh hen suyễn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khoảng 15 triệu người Mỹ đã được chẩn đoán bị mắc bệnh COPD và đây là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong ở đất nước này.Bà Varraso cho biết, ở các nước phát triển, hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh COPD. Tuy nhiên, có đến 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh COPD không bao giờ hút thuốc.

Như vậy, bệnh COPD có thể còn do một số nguyên nhân khác gây ra. Vì thế, ngoài việc bỏ hút thuốc lá, rất ít người quan tâm đến việc thay đổi các thói quen hàng ngày, bao gồm cả chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc bệnh COPD.Varraso cùng nhóm nghiên cứu của bà đã dựa trên dữ liệu khảo sát về lối sống và quá trình chăm sóc sức khỏe của hơn 73.000 phụ nữ và 43.000 nam giới tại Mỹ từ năm 1984 đến năm 2000.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đánh giá thói quen ăn uống của người tham gia khảo sát dựa trên Chỉ số Ăn uống lành mạnh luân phiên năm 2010 (AHEI-2010) – thước đo của chất lượng bữa ăn.Chỉ số này được phát triển tại Trường Y tế công cộng Harvard, thay thế cho “kim tự tháp thực phẩm” của Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đó và được chứng minh có liên quan tới khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính lớn.

Vì thế, chế độ ăn uống lành mạnh là chế độ ăn với khẩu phần rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các chất béo không bão hòa, các loại hạt và các axit béo omega-3 nhiều hơn, khẩu phần thịt đỏ và được chế biến, các loại ngũ cốc tinh chế và thức uống có đường ít hơn cùng lượng rượu tiêu thụ vừa phải.

Bà Varraso cho rằng, nếu bạn muốn giảm nguy cơ mắc các căn bệnh mãn tính lớn, bao gồm cả bệnh COPD thì nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh theo chỉ số AHEI.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên Tạp chí BMJ, 33% những người tham gia khảo sát có chỉ số AHEI-2010 cao nhất ít có khả năng mắc bệnh COPD hơn những người còn lại với chỉ số chế độ ăn uống lành mạnh thấp nhất.

Tiến sĩ Norman Edelman H, chuyên gia tư vấn cấp cao về các vấn đề khoa học tại Hiệp hội ung thư Mỹ cho biết, đã có bằng chứng trước đó về việc chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân mắc bệnh phổi.

Nghiên cứu này đã sử dụng một cơ sở dữ liệu lớn và cho thấy rằng chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh COPD. Tuy nhiên, để phòng ngừa mắc bệnh COPD, điều quan trọng nhất là bạn phải từ bỏ việc hút thuốc lá và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.

Thuốc tham khảo

- Acetylcystein được dùng làm thuốc tiêu chất nhầy trong bệnh tiết chất nhầy bất thường, bệnh nhầy nhớt hay trong những bệnh lý có đờm nhầy đặc quánh như trong viêm phế quản cấp và mạn tính.
- Acetylcystein được dùng như một chất giải độc trong điều trị ngộ độc paracetamol.

Thùy Linh

Nên đọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]