Làm sao để có những tác phẩm hay hơn?

Sáng nay, Đại hội Liên hiệp Văn hoá nghệ thuật Hà Nội lần thứ IX tiếp tục bầu ra 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Những người trong cuộc cho rằng có những việc còn trên cả kết quả bầu nhân sự là làm thế nào để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật gây được tiếng vang?

15.6051
Nhà thơ Bằng Việt.
Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với cựu chủ tịch của hội, nhà thơ Bằng Việt, về vấn đề này.

- Ông nghĩ thế nào trước ý kiến: Hoạt động của hội nhà văn dù cố gắng đến đâu cũng khó có thể có được hiệu quả và mang sắc thái riêng khi thường xuyên có sự “đụng hàng” với hội chuyên nghiệp trung ương về địa bàn và nhân lực, thậm chí cả “nhân tâm” nữa. Và đó phải chăng cũng là nguyên nhân: Nhiều hội viên của hội có tên mà không có mặt?

- Nó cũng tựa như hiện tượng cây bị “cớm nắng” khi phải đứng cạnh những cây cao bóng cả hay còn có thể coi là hiện tượng “chảy máu chất xám” ngay chính trên cùng một mảnh đất. Lỗi đó phải chăng là do hội Hà Nội không đủ lực để hấp dẫn các tài năng, để khi “cá chép hoá rồng” là nghĩ đến chuyện rời sông? Đó quả thực cũng là những băn khoăn của tôi cách đây 5-10 năm. Nhưng giờ thì tôi thấy đó cũng là một chuyện hợp tình, hợp lý, là tất nhiên thôi, một khi một trong những chức năng của hội là tạo ra những vườn ươm, bệ phóng cho những tài năng trẻ trên đất Hà Nội. Tới khi họ đủ lông đủ cánh thì có thể bay lên các cành trên, các hội trung ương hoặc chuyển sang các thành phố khác, thậm chí cả các nước khác. Đó là điều không nên và cũng không thể ép được. Nhưng nói thế không có nghĩa là Hà Nội không hấp dẫn được những tài năng lớn. Bằng chứng là không ít các hội viên có tên trong cả hai hội Hà Nội lẫn trung ương cuối cùng vẫn xin rút về Hà Nội. Chính ông Phạm Tuyên, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đã công nhận trong một cuộc họp mới đây: 1/2 số hội viên của Hội Âm nhạc Việt Nam đã về sinh hoạt tại Hà Nội. Cho nên, cảm giác của tôi bây giờ không phải là các hội viên bị hút về thủ đô mà là ngược lại.

- Nghĩa là không bao giờ có cảm giác “quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”?

- Tôi thậm chí còn cho rằng đó chính là điểm khác rõ hơn giữa hội Hà Nội và trung ương cũng như với các hội địa phương các nơi bởi luôn luôn có sự xuất hiện các gương mặt mới, trẻ từ các nơi tụ về (dù đây đó đôi khi có thể có sự kết nạp dễ dãi).

- Như vậy không hề có một chút nào là cạnh tranh ở đây, dù là cạnh tranh lành mạnh?

- Nói to ra thì có thể là có cạnh tranh nhưng nói đúng hơn là có sự thi đua, ganh đua ở đây. Nhưng là để làm sao Hà Nội có được những tác phẩm hay hơn chứ không phải là chỉ để làm sang cho hội của mình. Bởi tôi nghĩ, cái cao sang của một người làm nghệ thuật không thể là việc anh ta có tên trong hội này hay hội kia mà điều quan trọng là tác phẩm của anh ta có được nhiều người biết đến hay không.

- Nhưng còn niềm hy vọng cho những tác phẩm lớn về Hà Nội sẽ xuất hiện trong đợt vận động chào mừng kỷ niệm 1.000 năm tới. Ông có cảm thấy sốt ruột không khi sự phát triển VHNT không phải bao giờ cũng có vận động, đầu tư?

- Tôi cho rằng sự phát triển của nghệ thuật có những quy luật riêng của nó và chẳng dễ dàng gì nếu chỉ trong phút chốc. Chúng ta một mặt phải cố gắng hết sức trong phạm vi của mình, mặt khác chỉ còn cách chờ đợi.

- Xin cảm ơn ông.

Thuỷ Lê, Lao Động, 11/1.
 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]