Làm sao để con biết sợ pô xe máy?

Mỗi lần đi làm về, cháu thường xán lại xe máy của mẹ. Tôi rất sợ con bị bỏng pô nên nhắc nhở nhiều lần nhưng cháu không nghe.

15.6032

Con trai tôi 4 tuổi, rất nghịch và bướng. Mỗi lần đi làm về, cháu thường xán lại xe máy của mẹ. Tôi rất sợ con bị bỏng pô nên nhắc nhở nhiều lần nhưng cháu không nghe.

Tôi đã làm đủ cách, từ giải thích cho con biết pô xe máy rất nóng, con đến gần có thể bỏng, đến quát mắng, dọa nạt, thậm chí lấy cả bật lửa bật lên, xòe lửa gí vào tay mà con cũng không sợ. Tôi cảm thấy bất lực rồi, nhờ chuyên gia tư vấn.

(Như Thảo)

Ảnh minh họa: Impactlab.net

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn cũng là tình huống không ít phụ huynh gặp phải. Có lần, một người hàng xóm đã than thở với tôi là "hết cách", không biết làm sao cho con tránh xa cái pô xe máy. Và tôi đã thử áp dụng cách này:

Tôi sang nhà hàng xóm chơi đúng lúc anh chị vừa đi làm về và dựng chiếc xe máy ngay cửa. Như mọi hôm, cô con gái của họ xán lại chiếc xe, mặc cho bố mẹ xua tay, quát "tránh xa cái pô ra". Tôi chỉ vào con búp bê cô bé đang ôm bảo: "Hình như con yêu bạn này nhất phải không, cho bác mượn chút nhé". Cô bé đưa con búp bê cho tôi và tiếp tục tiến lại xe để nghịch.

Tôi làm như vô tình, chạm đùi búp bê vào pô xe, và kêu thất thanh "Thôi chết rồi, búp bê bị bỏng pô, đùi bỏng xém rồi", đồng thời làm vẻ mặt hoảng hốt, giơ món đồ chơi xém cháy, khét lẹt lên. Cô nhóc thảng thốt mếu máo "Bác ơi, làm thế nào đây". Lúc này, tôi tiếp tục nói bằng giọng lo lắng: "Nào Mun chạy vào lấy bông băng và thuốc ra đây để bôi cho em, nếu nặng phải đưa đi bác sĩ đấy". Cô bé răm rắp làm theo.

Vừa "sơ cứu" cho búp bê, tôi vừa hỏi: "Cháu thấy pô xe có nguy hiểm không?". Cô bé gật đầu. "Em búp bê chơi gần pô xe máy thì sao?", "Bỏng đấy, đau lắm". "Mun có đến gần và nghịch pô xe nữa không?", "Không đâu". "Vở kịch" đến đây kết thúc và từ đó, theo tôi biết, cô bé không bao giờ dám đến gần pô xe nữa.

Đây chỉ là một trong những cách để trẻ cảm nhận được rõ ràng sự nguy hiểmvà tự biết tránh xa nguồn rủi ro đó. Vấn đề nào cũng có cách giải quyết, chỉ là bạn có tìm ra đúng cách không thôi. Và với mỗi trẻ, bố mẹ có thể sử dụng các cách khác nhau, tùy thuộc vào cá tính, đặc điểm của từng em. Tuy nhiên, trên hết, người lớn nên cố gắng để những vật có thể gây nguy hiểm ở xa tầm với của trẻ, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

AloBacsi.vn
Theo TS Nguyễn Công Khanh - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]