Làm sao để nhận diện tiền mãn kinh ở phái đẹp?

Một số chị em khi bị các triệu chứng: cào bụng, nôn ói, mất ngủ… nghĩ rằng mình bị stress mà không nhận ra đó là những biểu hiện của thời kỳ mãn kinh của mình

0

Thủ phạm tiền mãn kinh

MK là một thời kỳ trong cuộc đời phụ nữ, không chỉ là những thay đổi nội tiết và cơ thể mà còn cả những thay đổi sâu sắc về tâm lý. Với tuổi thọ trung bình là 73 (Tổng cục Dân số và KHHGĐ - Bộ Y tế công bố ngày 10/7/2012) như hiện nay và ngày càng có xu hướng tăng lên, phụ nữ phải trải qua khoảng 1/3 cuộc đời trong tình trạng thiếu hụt estrogen với những biểu hiện "gây khó chịu" của nó.

BS CKII Phạm Thị Ngọc Diệp - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết, tuổi MK trung bình ở khoảng 48 - 52 tuổi. Thời điểm MK chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như di truyền, chủng tộc, điều kiện kinh tế xã hội, thói quen ăn uống, sang chấn tâm lý. Phụ nữ có chu kỳ kinh ngắn hơn 26 ngày, phụ nữ không có con MK sớm hơn người có chu kỳ kinh dài và có ít nhất một con. Tuy vậy, trong khi tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn thì trong 100 năm qua, tuổi MK hầu như không thay đổi. Tuổi MK trung bình của phụ nữ châu Á là 47 - 49, của phụ nữ Việt Nam là 48,2.

MK gồm hai thời kỳ: TMK và MK. TMK là khoảng thời gian bắt đầu có những triệu chứng MK. Nồng độ các nội tiết tố trồi sụt không ổn định, có thể có những cơn bốc hỏa và biến đổi chu kỳ kinh nguyệt, như ra máu kinh bất thường, nhiều hoặc ít hơn bình thường. Đây là một quá trình sinh lý bình thường dẫn đến MK. Thời kỳ TMK kéo dài 2 - 5 năm trước khi kinh nguyệt dừng hẳn. Các biểu hiện lâm sàng như rối loạn kinh nguyệt: chu kỳ kinh có thể dừng đột ngột, hoặc chu kỳ ngắn lại, thưa ra, rong kinh, rong huyết. Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định có thể là những dấu hiệu khởi đầu thời kỳ MK.

Mười hai tháng bặt kinh liên tiếp được coi là MK. Nhiều xáo trộn trong thời kỳ MK: bốc hỏa, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tâm lý, mệt mỏi, tê các đầu chi, tăng cân. Hậu quả trên hình thái: vóc người nhỏ dần, lưng còng, ứ đọng mỡ ở nhiều nơi, thay đổi hệ thống lông, da nhăn, mất đàn hồi. Vú, cơ quan sinh dục teo, âm đạo khô. Rối loạn đường tiểu dưới dạng viêm bàng quang không nhiễm trùng, gây tiểu gắt, tiểu nhiều lần hay tiểu không tự chủ. Hậu quả trên biến dưỡng: cholesteron và triglyceride đều tăng và gặp các vấn đề sức khỏe như: rối loạn tim mạch, rối loạn tâm lý, rối loạn tiết niệu sinh dục, loãng xương, ung thư sinh dục nữ, bệnh Alzheimer.

Lối sống và dinh dưỡng cho phụ nữ tuổi mãn kinh

MK là một giai đoạn sinh lý của phụ nữ. Thiếu estrogen là nguyên nhân gây ra các biểu hiện của tuổi già. Sự thiếu hụt estrogen có thể được bù đắp bằng điều trị nội tiết thay thế với những hiểu biết, cân nhắc và thận trọng cần thiết. Lối sống và dinh dưỡng hợp lý góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ tuổi MK.

Cần chuẩn bị tâm lý đón nhận những thay đổi về thể chất và tinh thần. Bổ sung canxi từ năm 30 tuổi để hạn chế hậu quả loãng xương khi bước vào thời kỳ MK. Nhận biết các dấu hiệu có thể xảy ra do nguyên nhân thay đổi nội tiết để có những thay đổi về lối sống, dinh dưỡng hay tìm gặp thầy thuốc nếu có triệu chứng nặng nề. Chọn công việc phù hợp, ổn định để tự tin, lạc quan và cảm thấy trẻ trung hơn.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây, đồng thời hạn chế lượng mỡ, dầu và đường. Đặc biệt cần lưu ý lượng canxi sử dụng hàng ngày, ít nhất 1.200 - 1.500mg. Sữa đậu nành được khuyên dùng cho phụ nữ rối loạn TMK nhưng hiệu quả thật sự vẫn còn đang bàn cãi. Tránh hút thuốc lá, bởi ngoài việc làm tăng khả năng bị cơn bốc hỏa khó chịu, thúc đẩy nhanh đến MK, hút thuốc còn làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nên tập thể dục đều đặn, tăng cường các hoạt động ngoài trời và các sinh hoạt nhóm, hội. Điều này giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, thoải mái, lạc quan, yêu đời.

AloBacsi.vn
Theo Nguyễn Cẩm - Phụ nữ online

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]