Làm thế nào loại bỏ độc tố trong thực phẩm?

Giadinh.net - Theo Th.s Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, máy khử độc thực phẩm Ozon chỉ có tác dụng trên vi khuẩn gây bệnh. Đối với các hóa chất bảo vệ thực vật, các hormone tăng trưởng, các chất bảo quản, các kim loại nặng thì không có tác dụng.

0
>
>
>
>
>
 
Để có thêm thông tin về phương pháp lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn trong những ngày hè, chiều 20/5, Báo Gia đình & Xã hội đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên báo điện tử giadinh.net.vn với chủ đề “Thực phẩm và sức khoẻ người tiêu dùng” với sự tham gia của lãnh đạo và các chuyên gia Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế. Báo GĐ&XH xin lược trích một số thông tin hữu ích từ buổi giao lưu này.
 
Nhiều người chọn giải pháp mua thực phẩm ở siêu thị để đảm bảo VSATTP.
(Ảnh: CC)

Máy khử độc không khử hết độc

Trước những thông tin về thực phẩm có chất bảo quản gây nguy hiểm cho sức khoẻ và dịch tả đang bùng phát ở một số tỉnh, thành, nhiều người tiêu dùng đã đổ xô đi mua những sản phẩm máy khử độc thực phẩm với niềm tin sẽ loại bỏ độc chất trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, theo Th.s Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, máy khử độc thực phẩm Ozon chỉ có thể tác dụng trên vi khuẩn gây bệnh. Đối với các hóa chất bảo vệ thực vật, các hormone tăng trưởng, các chất bảo quản, các kim loại nặng thì không có tác dụng. Chưa kể, nếu không khống chế được lượng Ozon, đặc biệt là khi nó tồn dư trong không khí thì rất độc hại đối với sức khỏe con người.

Về vấn đề nhận biết thế nào là rau sạch ở ngoài thị trường, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc, Cục ATVSTP cho biết, người tiêu dùng khó có thể nhận biết chính xác rau sạch đạt tiêu chuẩn ở ngoài thị trường. Vì để biết chính xác, rau cần phải được kiểm nghiệm các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Biện pháp này thường chỉ sử dụng trong nghiên cứu, giám sát vì tốn kém về kinh phí và thời gian.
 
Tuy nhiên, TS Hùng cũng lưu ý người mua có thể sử dụng cảm quan để đánh giá như: Rau không dập nát, màu sắc tự nhiên, không có sự đặc biệt trong quá trình phát triển của rau như rau quá mập hoặc quá non... không có mùi vị khác biệt và cơ sở bán rau được cơ quan chức năng xác nhận là bán rau sạch.

Tương tự, khi lựa chọn thịt sạch (thịt động vật không nuôi bằng hoá chất tăng trọng clenbuteron), người tiêu dùng không nên chọn những miếng thịt có màu sắc đỏ hơn màu thịt bình thường. Thịt lợn nuôi bằng thức ăn có chứa hoá chất clenbuteron khi ấn vào sẽ có cảm giác chắc, căng, nạc nhiều hơn ở những vùng bắp, chân giò.

Theo TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc, Cục ATVSTP, Bộ Y tế, nhiều người lầm tưởng uống rượu sẽ diệt được vi khuẩn khi ăn tiết canh. Trên thực tế, rượu không có khả năng tiêu diệt được vi sinh vật hoặc loại trừ được hóa chất độc hại hay trung hòa được độc tố trong thức ăn.

Khi phát hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, bạn có thể thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất (y tế thôn, bản, y tế xã) hoặc gọi điện thoại đến Cục ATVSTP theo số (04) 38464501. Để tra cứu danh mục các loại thực phẩm đã được Cục ATVSTP cấp phép, bạn đọc có thể vào trang web của Cục ATVSTP tại địa chỉ: www.vfa.gov.vn.

Cũng theo TS Hùng, không chỉ lựa chọn thực phẩm an toàn mà công đoạn sơ chế cũng có vai trò rất quan trọng để loại bỏ những độc tố, mầm bệnh có trên thực phẩm. Vì vậy, đối với các loại rau, người tiêu dùng cần lưu ý rửa sạch dưới vòi nước và rửa nhiều lần, ngâm sau đó rửa lại trước khi nấu.
 
Riêng với rau ăn sống, việc rửa rau bằng nước sạch, ngâm rau trong nước muối nhạt chỉ là biện pháp loại bỏ bớt những nguy cơ gây bệnh chứ không thể loại bỏ được hết mầm bệnh. Vì rau sống là thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm các yếu tố gây bệnh như vi sinh vật và chất hóa học... Với các loại thịt, trước khi nấu cũng cần rửa sạch, rửa trong nước ấm. Rửa  nhiều lần dưới vòi nước sạch đối với các loại cá, hải sản...

Ăn ít đạm, mỡ trong mùa hè

Theo TS Phạm Xuân Đà, Trưởng phòng Thông tin Giáo dục truyền thông, Cục ATVSTP, mùa hè là thời điểm dễ nhiễm các bệnh liên quan đến tiêu hoá. Vì vậy, yêu cầu về thức ăn trong mùa hè cần phải bổ sung nhiều nước và những thực phẩm có khả năng bổ sung các vitamin B, C, cung cấp muối khoáng, nên tăng cường các loại rau xanh trong bữa ăn. Nên ăn ít đạm và mỡ động vật.

Với những thức ăn là phủ tạng động vật, Ths. Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo không nên ăn nhiều, đặc biệt là gan động vật vì gan tập trung xử lý những độc tố nội sinh, ngoại sinh trên cơ thể động vật. Nếu ăn quá nhiều gan sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh về gan như: Nhiễm vi sinh (sán, vi khuẩn gây bệnh), dễ gây rối loạn chuyển hoá,  thừa mỡ trong máu, trong cơ quan nội tạng và tổ chức dưới da. Và các bệnh lý do nhiễm độc chì, nhiễm độc cardimi...

Tương tự, tim động vật cũng dễ gây cholesterol (tỷ lệ mỡ cao), tỷ lệ protit cao dễ gây rối loạn chuyển hoá mỡ, bệnh vữa xơ động mạch, rối loạn chuyển hoá protit (Gouté). Trong trường hợp mua thực phẩm là nội tạng động vật, người tiêu dùng nên chọn những thực phẩm có chứng nhận của kiểm dịch thú y hoặc cảm quan bằng mắt thường là miếng thịt không có đốm xuất huyết, không có mùi lạ, không có ruồi, côn trùng đậu, sờ bàn tay thấy rắn chắc, có độ đàn hồi tốt, không chảy nước, không có nhớt, các mạch máu trên nội tạng rõ và màu sắc tươi.

Với những sản phẩm đông lạnh,  TS Phạm Xuân Đà cho rằng, nguyên tắc của loại sản phẩm này là vẫn giữ được nguyên chất lượng của sản phẩm, quá trình đông lạnh có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật có thể gây bệnh. Trong trường hợp thực phẩm đông lạnh đã bị rã đông thì tuyệt đối không được cấp đông lại mà nên sử dụng ngay.
 
Nếu thực phẩm đông lạnh rất bở sau khi chế biến, mất màu tự nhiên của sản phẩm thì có thể sản phẩm đã được bảo quản lạnh không đúng nhiệt độ hoặc đã bị rã đông và cấp đông lại. Những sản phẩm trên không những giảm chất lượng mà còn không an toàn với sức khỏe.
 
Mai Thúy (Tổng hợp)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]