Liệu pháp thay thế hormon và giấc mơ trường sinh bất lão

Khi chiếc lá vàng cuối cùng nhường chỗ cho những chồi non trên cành cây là dấu hiệu báo mùa xuân đến. Mùa xuân mang đến sinh lực và hơi thở của trời đất, đó là thời khắc giao hòa của âm dương mà theo người xưa,

0

Khi chiếc lá vàng cuối cùng nhường chỗ cho những chồi non trên cành cây là dấu hiệu báo mùa xuân đến. Mùa xuân mang đến sinh lực và hơi thở của trời đất, đó là thời khắc giao hòa của âm dương mà theo người xưa, đây là nguồn gốc sinh ra vạn vật trong vũ trụ. Dương được âm mà hóa dục, âm bảo vệ dương mà lớn lên, âm dương cùng nhau phụ trợ, cùng nhau hóa thành, cùng nhau cảm ứng, cùng nhau tuần hoàn.

Chuyện kể rằng

Lão Tử nói: “Vạn vật phụ âm nhi bão dương, xung khí dĩ vi hòa”. Bốn mùa, trời đất, âm dương, con người nếu thuận theo đạo này thì sinh sôi, phát triển và trường tồn, còn nếu nghịch theo nguyên tắc này thì sẽ suy lão rồi diệt vong. Ví dụ như quy luật vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng là “sinh - lão - bệnh - tử” nghĩa là sự vật được sinh ra, rồi trưởng thành phát triển, sau đó là lão hóa suy kiệt và cuối cùng là tử vong. Đời người cũng vậy, ai cũng một lần được cha mẹ sinh ra, sau đó sẽ lớn lên và trưởng thành. Đây được coi là giai đoạn tích lũy năng lượng cho chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể hoạt động.
 
Khi đã đạt đến đỉnh cao của sự trưởng thành thì cơ thể bắt đầu bước vào sườn dốc bên kia cuộc đời, sự lão hóa của tất cả các cơ quan trong cơ thể bắt đầu xảy ra, biểu hiện bằng già nua và bệnh tật. Đến một lúc nào đó nguồn năng lượng không còn đủ để duy trì hoạt động của chiếc đồng hồ sinh học, đó là khi sự sống kết thúc. “Sinh - lão - bệnh - tử” là một quá trình không thể đảo ngược được. Người ta không thể phát triển và trưởng thành rồi mới được sinh ra hay người ta không thể tươi trẻ mãi, sung sức mãi mà không thể không già.
 
Dẫu biết rằng đó là một quy luật của tự nhiên, nhưng sự “trường sinh bất lão” vẫn là giấc mơ muôn thủa của con người. Công cuộc tìm kiếm những phương thuốc hồi xuân nhằm “cải lão hoàn đồng” giúp duy trì sự tươi trẻ và sung mãn của con người đã diễn ra theo suốt chiều dài lịch sử mà vẫn chưa có hồi kết thúc. Chuyện xưa kể rằng, Võ Tắc Thiên vốn là một người rất duyên dáng xinh đẹp và có tài trong chuyện chăn gối nên đã được vua Đường Thái Tông vô cùng sủng ái. Khi bước vào tuổi trung niên, khả năng sinh lý không còn, sức khỏe suy giảm, bà vô cùng buồn bã, thần sắc héo hon.
 
Bà đã nhiều lần chiêu tìm lương y trong cả nước đến kê đơn bốc thuốc để điều trị chứng bệnh này. Nhưng tìm mãi mà không thấy được ai, cuối cùng bà đã tìm được một vị thái y họ Trầm. Trầm thái y đã nghiên cứu và dâng bà một bài thuốc quí với tác dụng uống xong chốc lát là có thể hưởng lạc thú tuổi thanh xuân. Võ Tắc Thiên vô cùng phấn khích sau khi thấy bài thuốc công hiệu bất ngờ. Từ đó, ngày nào bà cũng dùng thuốc hồi xuân và bắt Trầm thái y phục vụ mình. Bà tin rằng với bài thuốc này, bà sẽ tồn tại mãi mãi nhưng cuối cùng bà cũng phải ra đi ở tuổi 80.

Và dưới ánh sáng khoa học

Y học hiện đại đã chứng minh các nội tiết tố của hệ trục “vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục” trong cơ thể chính là người nhạc trưởng chỉ huy toàn bộ giàn nhạc sinh học trong cơ thể, chúng có một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sinh học của cơ thể. Đó là duy trì sự thăng bằng hoạt động của các cơ quan, thậm chí là chi phối cả quá trình lão hóa. Trong số các nội tiết tố này, có lẽ testosteron (ở nam giới) và estrogen (ở nữ giới) giữ vai trò quan trọng hơn cả. Đối với nam giới lớn tuổi, từ sau tuổi 45, bắt đầu có sự lão hóa của các tuyến nội tiết trong hệ trục “vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục” làm cho lượng testosteron suy giảm trầm trọng, tác động trực tiếp lên tinh thần và thể chất, gây ra các triệu chứng của mãn dục nam. Bao gồm các triệu chứng về tình dục và toàn thân như: rối loạn hoạt động tình dục, rối loạn hoạt động tim mạch, rối loạn hoạt động hệ xương khớp, rối loạn hoạt động cơ quan tạo máu, rối loạn hoạt động nhận thức...

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khôi phục sự cân bằng nội tiết có thể làm chậm quá trình lão hóa, trả lại cho cơ thể trạng thái sung mãn, trẻ trung, kéo dài tuổi thanh xuân. Dựa trên những hiểu biết này mà ngày nay người ta coi việc bổ sung testosteron như một bài thuốc “cải lão hoàn đồng” giúp nam giới tìm lại tuổi xuân. Hầu hết các quí ông có cảm giác được trở lại cảm giác sung mãn của thời trai trẻ sau khi đưa được testosteron trở về nồng độ sinh lý bình thường.
 
Tuy nhiên testosteron không phải là một loại “linh dược” thích hợp cho tất cả nam giới, mà thường được chỉ định cho những người có triệu chứng suy giảm hormon sinh dục kèm theo nồng độ testosteron thấp dưới mức bình thường. Bởi vì với mọi dạng testosteron dùng trong thời gian dài đều có thể gây ra những tác dụng không mong muốn của nó. Một số tác dụng phụ đã được cảnh báo như: vú to, tăng nguy cơ phì đại, rối loạn hô hấp hay cương đau dương vật kéo dài, hay nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt... Bên cạnh các tác dụng phụ đã cảnh báo ở trên, chắc chắn sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác mà do hiểu biết của con người còn giới hạn nên chưa phát hiện ra.

Với biện pháp thay thế hormon, liệu con người đã thực sự chống lại sự lão hóa già nua hay chưa? Hay giấc mơ “trường sinh bất lão” và bài thuốc “cải lão hoàn đồng” vẫn đơn giản chỉ là giấc mơ mà con người đang viễn tưởng, bởi lẽ chúng ta đang muốn nằm ngoài quy luật: “sinh - lão - bệnh  - tử”. 

ThS.BS. Nguyễn Hoài Bắc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]