Loãng xương và dùng thuốc biphosphonat

Cấu tạo của tổ chức xương chủ yếu gồm một khung chất hữu cơ, trong đó lắng đọng các chất khoáng vô cơ, đặc biệt là canxi. Xương liên tục được đổi mới, mỗi năm chừng 20% khối lượng xương được thay thế theo một quy trình tái tạo xương

0
Tôi 54 tuổi, hay bị đau ở một vài khớp xương. Nhiều người nói ở tuổi mãn kinh hay bị loãng xương và có người khuyên tôi nên dùng thuốc alendronat. Đề nghị báo SK&ĐS cho biết về loại thuốc này và tôi có nên dùng không?
Xin chân thành cảm ơn!
 Xương bình thường (trái) và loãng xương (phải).

Lê Thu Vân (Hoàng Mai, Hà Nội)

Cấu tạo của tổ chức xương chủ yếu gồm một khung chất hữu cơ, trong đó lắng đọng các chất khoáng vô cơ, đặc biệt là canxi. Xương liên tục được đổi mới, mỗi năm chừng 20% khối lượng xương được thay thế theo một quy trình tái tạo xương nhờ vào sự cân bằng động giữa hai loại tế bào gọi là hủy cốt bào (ostéoclaste) và tạo cốt bào (ostéoblaste). Khối lượng đạt tới đỉnh cao nhất vào tuổi thanh niên sung sức, sau đó sự tiêu hao chất canxi diễn ra mau hơn. Khung xương còn đó, nhưng canxi giảm làm cho xương bị xốp, hay thưa thường gọi là “loãng xương”. Có nhiều nguyên nhân gây loãng xương, song trên thực tế hay gặp ở tuổi già, đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh là nguyên nhân thông thường nhất.

Thuốc bạn hỏi thuộc nhóm biphosphonat có khả năng làm tăng nồng độ canxi trong xương, là thuốc được chỉ định rộng rãi đối với người bệnh loãng xương. Thuốc này đã được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) cho phép lưu hành điều trị loãng xương.

Biphosphonat là nhóm chất có cấu trúc đặc biệt gắn kết với chất khoáng xương, rồi phóng thích rất chậm, làm giảm tập trung và hoạt động của các tế bào hủy xương (hủy cốt bào), ức chế sự gắn hủy cốt bào vào bè xương, ngăn cản quá trình tiêu xương. Ngoài ra, biphosphonat cũng có tác dụng gián tiếp kích hoạt các tạo cốt bào làm tăng khoáng hóa xương, tăng độ bền của xương làm cho xương cứng có sức chịu lực lớn; sau khi ngừng thuốc khá lâu vẫn duy trì được hiệu quả. Thuốc ít độc, có hiệu lực cao, cho nên được dùng cho mọi trường hợp loãng xương không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Biphosphonat có loại tiêm và uống. Với đường uống, nó hấp thu thấp qua hệ tiêu hóa với tỷ lệ 3%. Nếu dùng thuốc đồng thời với thức ăn, rượu, bia, thì sự hấp thu suy giảm. Người ta thấy biphosphonat vẫn còn tồn tại nhiều tuần trên bề mặt xương, trước khi chuyển hóa thành xương và có trong xương nhiều năm và dần dần được bài tiết.

Tuy nhiên, nhóm biphosphonat cũng có một số tác dụng phụ như viêm loét, trợt, thậm chí gây thủng thực quản, dạ dày và hoại tử xương hàm. Bởi vậy, khi uống cần uống với nhiều nước, nuốt chửng viên thuốc (không được nhai hay ngậm lâu) và không được nằm (ít nhất là 30 phút sau khi uống) để giảm thiểu nguy cơ kích ứng loét niêm mạc thực quản.

Nếu bị loãng xương, bạn có thể dùng biphosphonat, nhưng cần đi khám để được cho đơn thuốc. Bởi mỗi người có đáp ứng với thuốc khác nhau, thuốc có thể tốt với người này, nhưng lại không tác dụng với người khác. Và bởi thuốc còn có những chống chỉ định, cần có những chỉ dẫn đặc biệt khi dùng để tránh tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và tránh những tương tác bất lợi với thức ăn, hay các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc sẽ dùng.

BS. Vũ Hướng Văn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]