Lời kêu cứu của người đàn ông nghèo, mắc bệnh thần kinh, bị bỏng hô hấp

Nhịp thở thều thào, khuôn mặt biến dạng, chân tay co rút, người đàn ông này bị bỏng hô hấp 70% và vẫn từng ngày chiến đấu với nỗi đau để duy trì sự sống.

15.5893

Chiến đấu với tử thần

Anh Trần Công Khang (34 tuổi, quê Đông Lĩnh, Đông Sơn, Thanh Hoá) đã nhập viện hơn 3 tháng nay vì bỏng hô hấp do tai nạn lao động.

Sống ở vùng quê nghèo, vợ chồng anh lam lũ làm ăn. Lao động vất vả, nhưng chỉ đủ miếng cơm manh áo. Căn nhà nơi vợ chồng anh Khang ở thậm chí chưa có nhà tắm, chưa có nhà vệ sinh. Nhưng theo lời chị Hoàng Thị Toan (25 tuổi) – vợ anh Khang thì: “Những cái đó với nhiều người là điều kiện thiết yếu của cuộc sống, nhưng vợ chồng tôi nghèo quá, nên cũng chẳng cần xây. Có tiền còn lo cho 2 con ăn học”.

Anh Công Khang có tiền sử mắc bệnh thần kinh. Mỗi lúc sức khỏe khá hơn, anh đi kiếm việc làm thêm phụ giúp vợ. Chẳng mấy ai muốn nhận người mắc bệnh như anh vào làm việc, nên anh xin làm công nhân đổ nhựa đường.


Anh Khang nằm bất động trên giường bệnh.

 

 

Cách đây hơn 3 tháng, trong khi đang làm việc, do bất cẩn, anh Khang bị 1 thùng dầu lửa đang sôi đổ vào người nên bỏng toàn thân đến 70%. Nghiêm trọng hơn vết bỏng ngoài da, anh nhiễm bỏng hô hấp 70%, độ sâu 30%, cấp độ 3-4. Anh lập tức được đưa đi cấp cứu. Người đàn ông này đã nằm liệt giường từ 3 tháng nay, toàn bộ phần lưng, hông bị lở loét.

Khi từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa chuyển lên Viện bỏng quốc gia, các bác sĩ ở đây cũng rất ái ngại vì nhận thấy tình trạng sức khỏe của anh khó có thể cứu chữa.

Khoảng thời gian đó, chị Toan cùng chồng tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, đón Tết ở viện. 2 đứa con nhỏ của anh chị, một cháu 5 tuổi, 1 cháu gần 3 tuổi ở quê, đành nhờ ông bà, người thân chăm nom giúp.

Nghĩ đến cảnh chồng nằm co quắp trên giường bệnh, 2 đứa con nheo nhóc ở nhà, chị Toan chỉ biết khóc. Chị nấc nghẹn: “Bây giờ tôi chỉ biết gắng sức chăm chồng, mong sao cho anh ấy khỏe dần, nói chuyện được với mọi người, xúc được thìa cơm, đi được trên đôi chân của mình, khó khăn đến mấy tôi cũng cố. Mới đây, tôi đi vay tiền cho anh ấy điều trị. Chẳng biết sau này hoàn trả người ta thế nào, nhưng có làm thân trâu bò khổ cực cũng được”.

Khi vào thăm anh Công Khang tại phòng cấp cứu, tôi đã không kìm lòng được trước hoàn cảnh của anh. Anh nằm bất động trên giường, cơ thể gầy gò, khuôn mặt biến dạng, toàn thân co rút, tay chân gần như hoại tử dù đã trải qua 6 lần cấy da.

Hiện tại, anh phải ăn cháo dinh dưỡng, uống sữa qua đường truyền bơm vào dạ dày. Không thể nói chuyện được với mọi người, mỗi lúc tỉnh anh chỉ thốt lên: “Cứu với, cứu tôi với”.

Hiện tại, tiền bảo hiểm của anh Công Khang cũng đỡ được phần nào chi phí trong những ngày điều trị. Nhưng, một tháng cũng tốn tới hơn 100 triệu đồng, việc chữa trị cho anh Khang thêm lâu dài, cả gia đình không biết bấu víu vào đâu.

Lau vội những giọt nước mắt, chị Toan nói nhỏ: “Chúng tôi vay ngân hàng rồi, vay hàng xóm rồi, giờ cũng muốn bán cái nhà đi nhưng họ trả giá thấp quá. Nhà nhỏ, mái pờ rô xi măng thì lấy đâu ra giá cao. Chẳng biết, bệnh của anh ấy đến bao giờ mới khỏi”.

Những giọt nước mắt của người vợ.

Mỗi câu nói, mỗi suy nghĩ của chị Toan dường như bất lực. Nhiều đêm chăm chồng, chị thao thức nghĩ làm sao để có tiền chữa bệnh cho anh. “Tôi chỉ đi rửa bát thuê, bốc vác, ngày mùa thì đi cấy, đi gặt thuê. Việc cũng chỉ đủ tiền cho 2 đứa con đi mẫu giáo và tiền ăn cho cả nhà”. Công việc thu nhập thấp, đến bao giờ chị mới có đủ tiền chữa bệnh cho chồng?

Vậy nên, chị Toan đang tính, sau khi chồng khỏe lại, sẽ trở về đi làm thuê trong đội làm đường trước kia anh Khang làm. Vất vả tới đâu chị cũng ráng chịu, chỉ mong chồng khỏe lên từng ngày.

Hy vọng, những tấm lòng hảo tâm sẽ chung tay giúp đỡ, hỗ trợ phần nào viện phí cho vợ chồng anh Khang trong quá trình chữa bệnh.

 
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:

Chị Hoàng Thị Toan

Số điện thoại: 01678806597

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]