Lời tự thú của một ông sếp “tự kỉ”

Không phải mọi vị sếp là nhân vật quyền uy và cởi mở. Dưới đây là tâm sự của một sếp thuộc tuýp người hướng nội và lầm lỳ.

15.6088

Hãy nghe câu chuyện của tôi, một người quản lý không như những gì xã hội vẫn tưởng tượng.

Trở lại thời điểm năm 1990, tôi có được công việc đầu tiên là làm giám đốc quản lý một cửa hàng chuyên doanh giầy ở Minnesota, với tất cả những quyền lợi mà ai cũng phải mơ ước: dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hưu trí toàn diện; tiền lương đủ chi trả cho các hóa đơn tiêu dùng và cả một chiếc ôtô. Khỏi phải nói cha mẹ và vợ tôi cảm thấy tự hào như thế nào.

Nhưng không may, tuần lễ lãnh đạo đầu tiên của tôi lại cực kỳ tồi tệ mà giờ đây khi ngẫm lại, tôi nhận ra nguyên nhân là do tôi đã quá chú trọng vào việc chấm công: luôn đảm bảo mọi nhân viên đều có mặt đúng giờ, sổ sách được ghi đầy đủ, chính xác.

Tôi quên mất rằng đối tượng cần quan tâm nhất chính là người nhân viên, và thay vì đưa ra những yêu cầu bắt buộc họ phải thực hiện, tôi cần hỏi han, chú ý tới thái độ của họ. Tôi đã không hề biết đến từ “Làm ơn”. Thậm chí đã có lần, một trong số họ còn cáu tiết ném thẳng cái giày về phía tôi. Có thể thấy, vai trò quản lý của tôi gặp trục trặc nặng nề.

Và rõ ràng, cái bản tính lầm lỳ, hướng nội, ít giao lưu của tôi đã có ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, dù bằng cách nào đó, tôi đã giữ được cái chân quản lý này suốt hai năm. Luôn muốn làm sếp hơn làm công, tôi tiếp tục đón nhận các vai trò quản lý bậc trung tại nhiều doanh nghiệp mới thành lập và một tập đoàn lớn trong suốt 10 năm sau đó. Nhưng phải đến bây giờ, tôi mới nhận ra mình là một nhà lãnh đạo tệ hại thế nào. Có lẽ, khả năng viết lách của tôi còn khá khẩm hơn cái năng lực làm sếp.

Vậy điều gì làm nên năng lực lãnh đạo?

Trên thương trường, lãnh đạo là người đứng mũi chịu sào. Có lẽ bạn đã từng nghe câu cách ngôn: Nếu muốn biết anh có phải là một người lãnh đạo giỏi hay không, hãy ngoái nhìn đằng sau xem có ai ủng hộ và đi theo anh không.

Những nhà quản lý đạt tới vị trí của mình nhờ uy tín và năng lực lôi cuốn quần chúng, bởi họ rất giỏi thuyết phục người khác nghe theo mình.

Nhưng điều đó có chính xác 100%?

Gần đây, tôi đã làm bài trắc nghiệm tính cách Myer-Briggs (MBTI) và kết quả cho thấy tôi có rất nhiều yếu điểm xét về năng lực làm lãnh đạo, song cũng có những tiềm năng phù hợp nhất định.

Nếu đã từng biết tới và thực hiện mẫu trắc nghiệm tính cách này, bạn hẳn thấy nó khá thú vị và nhiều phần xác đáng. Mẫu tính cách của tôi được xếp vào nhóm INFP, tức là tương đồng với mẫu tính cách của nhiều văn hào như Aldous Huxley, William Shakespeare và J.R.R. Tolkien. Chúng tôi (những người thuộc nhóm INFP) thường có xu hướng phân tích sự vật, giữ những ý nghĩ cho riêng mình và khó hòa nhập, giao tiếp trong một nhóm lớn hay trong các hoạt động xã hội.

Năng lực lãnh đạo theo trắc nghiệm Meyers-Briggs

Michael Segovia là huấn luyện viên trưởng của chương trình chứng nhận Meyers-Briggs, được đào tạo chuyên ngành tâm lý học điều trị. Lần thực hiện bài trắc nghiệm, tôi hơi hồi hộp lúc gặp anh (dù kết quả INFP về sau khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn đôi chút).

Segovia đã giải thích cho tôi rằng nhân cách nhóm INFP thật ra không chỉ định sự yếu kém trong năng lực lãnh đạo, bởi dù thể hiện khuynh hướng hướng nội, nhóm tính cách này – cũng như một số nhóm khác – lại thể hiện vài thế mạnh đặc thù hữu ích đối với công tác quản lý.

Anh cũng cho biết những cá nhân hướng ngoại thường có khuynh hướng dẫn đầu và chờ đợi người khác phục tùng theo, song những người này lại không thực sự có năng lực phân tích để đạt tới mục tiêu. Đây có lẽ là lí do vì sao nhiều nhà lãnh đạo tiên phong có thể gây dựng một doanh nghiệp, lập nhóm và lên ý tưởng sản phẩm, song lại thất bại trong việc duy trì và đưa công ty đạt tới thành quả cuối cùng.

Quay trở lại với trường hợp của tôi, sau khi thực hiện trắc nghiệm tâm lý này, tôi đã ngồi ngẫm lại quá trình làm sếp của mình, với những cuộc đối thoại gay gắt với nhân viên. Có lần, một người bị tôi gọi tới văn phòng và sau đó, để tỏ thái độ bất hợp tác, cô ta đã ném tập hồ sơ công việc của mình xuống sàn nhà. Trong nhiều trường hợp khi phải sa thải nhân viên, tôi sợ đối mặt với họ tới mức phải xếp đi xếp lại lịch họp không biết bao nhiêu lần.

Có lẽ, tất cả những khiếm khuyết kể trên có nguyên do là sự thiếu trưởng thành của cá nhân tôi. Thật ra, tôi đã luôn cố gắng để thông cảm cho tất cả mọi người, và chính điều đó lại khiến cấp dưới “nhờn mặt”. Tôi đã rất sợ những cuộc gặp mặt với nhân viên bị sa thải, thể hiện rõ là tôi quan tâm tới họ thế nào; và dù là một ông sếp tồi, tôi lại khá chú trọng tới hoạt động hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho cấp dưới. Phong cách lãnh đạo của tôi là lãnh đạo thông qua kinh nghiệm thay vì mệnh lệnh – và có lẽ cách này chỉ phù hợp với các mô hình công ty nhỏ.

Dù hiện nay tôi đã phát hiện ra thiên hướng của mình với việc viết lách, tôi cũng nghĩ đến việc thử quay lại làm quản lý một ngày không xa. Sau cuộc trò chuyện với chuyên gia Segovia, tôi nhận ra những năm tháng làm sếp trước đây không hoàn toàn lãng phí, mà trái lại, chúng đã cho tôi những bài học mang tính nền tảng.

Người thuộc nhóm INFP có thể dẫn dắt những nhóm nhỏ, thông cảm với nhân viên, và phân tích khá tốt các vấn đề. Họ có thiên hướng lãnh đạo thông qua những kinh nghiệm và ví dụ thực tế. Đây có thể là loại hình tính cách phù hợp nhất để làm lãnh đạo, hoặc cũng không hẳn là vậy. Song ít nhất với tôi, việc tìm hiểu về nhân cách của bản thân đã giúp tôi hiểu ra rằng: quan điểm làm sếp là phải hướng ngoại không hoàn toàn chính xác.
*Đây là tâm sự của John Brandon, người tự nhận mình không phải một vị sếp như xã hội vẫn thường hình dung. Hiện John là một nhà báo và phụ trách chuyên mục Tech Report của tạp chí công nghệ Inc.
Nguồn Inc./Dân Việt
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]