Mổ thành công u quái cùng cụt nặng 1,9kg ở trẻ sơ sinh

SKĐS - Một khối u quái cùng cụt nặng 1,9kg trên bé sơ sinh 5 ngày tuổi đã được các bác sĩ Khoa Ngoại ung bướu - Bệnh viện Nhi đồng phẫu thuật thành công. Ca mổ được sự hỗ trợ của BS. Corbally Martin đến từ Ireland. Sau mổ

15.6014

Một khối u quái cùng cụt nặng 1,9kg trên bé sơ sinh 5 ngày tuổi đã được các bác sĩ Khoa Ngoại ung bướu - Bệnh viện Nhi đồng phẫu thuật thành công. Ca mổ được sự hỗ trợ của BS. Corbally Martin đến từ Ireland. Sau mổ, sức khỏe cháu bé tiến triển tốt, bú ổn định, vết mổ khô, vùng hậu môn được bảo tồn giúp bé đi tiêu bình thường.

 

U quái ở bé sơ sinh trước và sau khi phẫu thuật.

 

Chị L.T.H.D., mẹ cháu bé cho biết, có siêu âm tiền sản và phát hiện được u lúc thai 6 tháng, vì vậy đã quyết định sinh mổ chủ động. Sau sinh, bé nhanh chóng được chuyển viện sang Bệnh viện Nhi đồng 2 với tình trạng có 1 khối u to kích thước 25x8x13cm ở vùng cùng cụt, to gần bằng 2/3 người bé. Bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nhẹ, vàng da, chóp của khối u ở vùng cùng cụt to gần bằng 2/3 người bé bắt đầu có hiện tượng loét. Kết quả chụp CTScan cho thấy đây là một dạng u quái bên trong chứa nhiều thành phần mô đặc, mô mỡ, nang dịch... Bé nhanh chóng được điều trị nâng đỡ chống nhiễm trùng, chiếu đèn điều trị vàng da và lên lịch mổ cắt u. Trước mổ, chụp CTScan cho thấy u quái được nuôi bởi nhiều nhánh mạch máu xuất phát từ động mạch đùi hai bên. Do đó, ca mổ kéo dài hơn dự kiến nhưng cuối cùng các bác sĩ đã cắt được trọn vẹn khối u nặng 1,9kg. Điều kỳ diệu là không gây mất quá nhiều máu cho bé. Hiện sau phẫu thuật bé tiến triển tốt, ổn định, bú được và lên cân, vết mổ khô, chức năng đi cầu không bị ảnh hưởng.

BS. Nguyễn Trần Việt Tánh thay mặt kíp mổ và gây mê cho biết, bé quá nhỏ mà u quá to nên việc chuẩn bị trước phẫu thuật và gây mê cho bé khá khó khăn, ngoài ra, việc phẫu thuật sao cho bảo tồn được các chức năng sinh lý vùng hậu môn cho bé mới là quan trọng nhất.

Theo các bác sĩ, u quái cùng cụt là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ khoảng 1/35.000-40.000 trẻ sinh sống. Gặp ở nữ nhiều hơn nam với tỷ lệ 4:1. Nguyên nhân gây dị tật này đến nay vẫn chưa được làm rõ, phần lớn ý kiến cho rằng là do bất thường trong quá trình hình thành phôi thai. Yếu tố gen hay di truyền không được ghi nhận và có vẻ không ảnh hưởng đến quá trình thai kỳ lần sau. Phần lớn các trường hợp u là lành tính và trẻ gần như phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, do u quá lớn nên sẽ đưa đến các biến chứng như loét u, chảy máu u, lấy một phần chất dinh dưỡng nuôi cơ thể nên bé thường còi cọc, suy dinh dưỡng. Phẫu thuật là phương pháp giải quyết bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ có con chẳng may bị dị tật này nên đến khám và được chữa trị sớm.

BS. Trương Anh Mậu (BV Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]