Một chuyện ăn cắp kỳ lạ!

Không thể nói khác, đó là hành vi ăn cắp. Một giáo viên dạy môn thể dục và một “đồng tác giả” khác ăn cắp công trình “sáng kiến kinh nghiệm” của một cô giáo dạy âm nhạc, để in thành sách kinh doanh, bỏ túi hàng trăm triệu đồng!

15.5986
Đang trong giờ dạy, cô giáo Võ Thị Xuân Phượng (SN 1968, giáo viên âm nhạc Trường THCS Nguyễn Du, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) thấy học sinh của mình có những cuốn vở bài tậpthực hành môn âm nhạc in sẵn. Mượn xem, cô mới giật mình, vì nội dung trong các cuốn sách chính là đề tài “sáng kiến kinh nghiệm” về việc dạy môn âm nhạc đoạt giải của cô! Y chang! Theo cô Võ Thị Xuân Phượng, bộ 4 quyển Vở học và bài tập thực hành môn âm nhạc các khối lớp bậc THCS đứng tên 2 tác giả là Nguyễn Ngọc Anh - Trần Phúc Hoàng, do NXB Đà Nẵng ấn hành (giấy phép xuất bản tại Quyết định số 440/QĐ-ĐaN, cấp ngày 1-8-2008, in tại Công ty CP In - Dịch vụ Quảng Nam và phát hành trong tháng 8-2008) có nội dung sao chép gần như nguyên bản các phần trong “sáng kiến kinh nghiệm” với đề tài “Soạn thảo và sử dụng vở bài tập âm nhạc để phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của học sinh” do cô viết. Ngay sau khi phát hiện, cô Phượng đã đến Hội đồng Nghiên cứu khoa học của Phòng Giáo dục TP Tam Kỳ và Sở GD-ĐT Quảng Nam, mượn bản chính “sáng kiến kinh nghiệm” của mình để đối chiếu. “Sau khi đối chiếu, xem kỹ, tôi khẳng định nội dung trong bộ sách Vở học và bài tập thực hành môn âm nhạc các lớp 6, 7, 8 và 9 này là lấy trong “sáng kiến kinh nghiệm” của tôi” - cô Phượng nói.
Cô giáo Võ Thị Xuân Phượng trình bày sự việc “sáng kiến kinh nghiệm” của mình bị ăn cắp in thành sách để bán
Cô Phượng cho biết, “sáng kiến kinh nghiệm” của cô là nội dung giáo trình cô soạn từ năm 1994, khi đang là giáo viên dạy nhạc lớp 6 ở Trường THCS Đông Phú, huyện Quế Sơn - Quảng Nam. Năm học 1998-1999, cô Phượng chuyển về dạy tại Trường THCS Nguyễn Du. Trong năm học này trường mới tổ chức dạy âm nhạc cho học sinh nên cô được phân công dạy môn nhạc. Năm học 2002-2003, cô phát triển giáo trình dạy nhạc lớp 6 thành “sáng kiến kinh nghiệm”, rồi gửi dự thi và đoạt giải B toàn tỉnh. Tháng 4-2006, cô Phượng bổ sung thêm những nội dung của lớp 7, 8 và 9 thành “sáng kiến kinh nghiệm” với đề tài nói trên và tiếp tục dự thi. Công trình này cũng đoạt giải B toàn TP Tam Kỳ. Sưu tầm! Trước thời điểm bộ sách Vở học và bài tập thực hành môn âm nhạc ra đời, cô Phượng có đem “sáng kiến kinh nghiệm” của mình chia sẻ với nhiều đồng nghiệp. “Tôi nghĩ là có kinh nghiệm gì trong quá trình dạy nhạc thì mình chia sẻ với các đồng nghiệp để họ dạy học sinh tốt hơn. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc in “sáng kiến kinh nghiệm” này thành sách” - cô Phượng giãi bày. Ngay sau khi có phản ứng ban đầu của cô Phượng, ông Trần Phúc Hoàng, giáo viên bộ môn thể dục Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), đồng tác giả bộ sách, đã chủ động gặp lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam để giải trình sự việc. Cô Phượng cũng được Sở GD-ĐT Quảng Nam mời đến. Tại buổi làm việc này, thầy giáo dạy môn thể dục Trần Phúc Hoàng lý giải: “Thấy bộ giáo trình dạy nhạc mà nhiều giáo viên và học sinh áp dụng có hiệu quả nên sưu tầm, biên soạn lại in sách, để phổ biến rộng rãi” (?). Ông Hoàng xin cô Phượng bỏ qua và hứa sẽ trả lại “đứa con tinh thần” và tên tác giả cho cô. Nhưng cô Phượng không đồng ý, vì đồng tác giả bộ sách là Nguyễn Ngọc Anh (đang ở Đà Nẵng) không có mặt trong buổi đối chất này. Theo thông tin trên bộ sách, tổng cộng số lượng in và phát hành là 55.000 quyển. Trong đó, các khối lớp 6, 7 và 8, mỗi khối 15.000 quyển; khối lớp 9 là 10.000 quyển. Số sách này được phát hành 35.000 cuốn tại Quảng Nam và 20.000 cuốn tại Đà Nẵng. Giá bán mỗi cuốn 6.000 đồng. Như vậy tổng tiền bán sách là 330.000.000 đồng. Trừ số tiền 137 triệu đồng đầu tư in sách, phát hành phí, ông Trần Phúc Hoàng và ông Nguyễn Ngọc Anh bỏ túi... 193 triệu đồng! Có lẽ vì “món hời” này mà ông Trần Phúc Hoàng, một giáo viên bộ môn thể dục, lại “sốt sắng” đi “sưu tầm”, biên soạn sách dạy nhạc cho giáo viên và học sinh! Cô Võ Thị Xuân Phượng cho biết: “Người ta lấy công trình của tôi làm sách của họ rồi in bán lấy tiền, tôi cho là chưa quan trọng bằng việc họ biên soạn lại một cách cẩu thả và rất nhiều sai sót trong sách. Nếu áp dụng trong dạy và học hoặc tham khảo sẽ làm ảnh hưởng đến kiến thức âm nhạc của học sinh”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Nguyễn Tấn Thắng cho rằng: “Mặc dù “sáng kiến kinh nghiệm” của cô Võ Thị Xuân Phượng chưa hẳn là công trình nghiên cứu khoa học nhưng phải bảo đảm yếu tố tác quyền. “Sáng kiến kinh nghiệm” được phổ biến rộng rãi là điều đương nhiên, nhưng phổ biến dưới bất cứ hình thức nào cũng phải có ý kiến của tác giả”. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết đây là lần đầu tiên ở Quảng Nam xảy ra việc này. Sở GD-ĐT Quảng Nam sẽ tổ chức đối thoại giữa NXB, các tác giả trên sách với cô Võ Thị Xuân Phượng và Hội đồng Nghiên cứu khoa học của sở, để giải quyết sự việc này.

Bài và ảnh: PHƯỚC TRỊNH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]