Một trường hợp bệnh mycetoma hiếm gặp

Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương tiếp nhận và điều trị một trường hợp bị bệnh mycetoma, hay còn gọi là bệnh bàn chân madura, một bệnh u nấm ở chân hiếm gặp.

46.7696

(SKDS) –  Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương tiếp nhận và điều trị một trường hợp bị bệnh mycetoma, hay còn gọi là bệnh bàn chân madura, một bệnh u nấm ở chân hiếm gặp. Bệnh nhân (BN) là chị Lương Thị T. (50 tuổi, làm ruộng, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Từ 3 năm nay, ở cổ chân phải của chị T. xuất hiện các nốt nhọt sưng nề, có dịch mủ màu trắng. Càng ngày các nhọt càng lan rộng quanh cổ chân phải, tạo thành các lỗ dò mủ khiến BN đau nhức quanh cổ chân và sốt. BN đã đến BV Da liễu tỉnh Thanh Hoá điều trị 2 lần nhưng tổn thương chỉ đỡ trong thời gian dùng thuốc sau đó lại tái phát.

 
Chị T. được chuyển đến BV Da liễu Trung ương. Thăm khám ban đầu cho thấy toàn bộ vùng cổ chân và bàn chân bên phải sưng nề, trên nền đó có các lỗ dò ấn chảy mủ, tổ chức da sờ vào cứng và nóng hơn vùng da bình thường; cổ chân khó gấp vì tổn thương; BN vẫn đi lại được nhưng đau nhiều khi di chuyển và không chạy được.
 
Qua kết quả xét nghiệm, chụp phim Xquang và cộng hưởng từ cổ chân, các bác sĩĩ kết luận là bệnh mycetoma – một bệnh nhiễm khuẩn tại chỗ do nhiều chủng nấm hoặc actinomycetes do các sinh vật hoại sinh trong đất hoặc cây cỏ. Các vi sinh vật này xâm nhập vào dưới da qua các sang chấn trên da khi làm việc. Biểu hiện đặc trưng là các hạt do tập trung các vi sinh gây bệnh trong ổ áp-xe dò mủ, các hạt đào thải ra ngoài bề mặt da qua các lỗ dò.
 
Hậu quả gây hoại tử da, tổ chức dưới da, xương bàn chân, bàn tay và các vùng da khác của cơ thể. TS.BS. Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của BV và BS. Quang Minh - người trực tiếp điều trị cho biết: chị T. làm ruộng, có thể trong lúc lao động bị chấn thương tạo đường mở cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào. Do điều trị ban đầu không tốt nên thương tổn càng ngày càng ăn sâu vào tổ chức dưới da và cơ, xương, khớp gây biến dạng và dị tật bàn chân phải. Bệnh chủ yếu gặp ở chân nhưng cũng có thể gặp ở các bộ phận khác của cơ thể như gáy (tổn thương do mang vác nặng), tay…
 
Hiện tại, bên cạnh việc dùng kháng sinh và kháng viêm tại chỗ, chị T đã được phẫu thuật để đánh giá tình trạng thương tổn xâm lấn vào tổ chức da, dưới da, cơ, xương khớp. BN được cắt bỏ các đường dò, các tổ chức xơ hoá; thăm dò tình trạng viêm xương và loại bỏ tổ chức xương viêm. Theo các bác sĩ, quá trình điều trị bệnh mycetoma sẽ phải kéo dài, có thể tới hàng năm.
Mai Linh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]