Nắng nóng: Cẩn trọng với bệnh viêm não

GiadinhNet - Viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó đặc biệt nguy hiểm là virus viêm não Nhật Bản. Bệnh thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh, tỷ lệ tử vong cao.

15.6116

Tiêm vaccine- biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. ảnh: P.V

 
Quả vải bị tiếng oan là nguyên nhân gây viêm não

Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch thường vào các tháng hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.

Về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia đã xác định là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua xét nghiệm xác định virus. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta.

Nhờ kết quả phòng bệnh của Chương trình triển khai tiêm vaccine viêm não Nhật Bản tại nước ta, số trường hợp viêm não do virus viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus.

Mùa vải cũng trùng hợp với mùa chim di cư nên nhiều người vẫn thường nghĩ rằng quả vải có liên đới đến bệnh viêm não do chim di cư lây lan mầm bệnh. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi muỗi mới là nguồn lây bệnh. Các chuyên gia xác định nguyên nhân của bệnh viêm não Nhật Bản xuất phát từ việc muỗi đốt động vật nhiễm bệnh và truyền cho người, ngoài ra hiện chưa phát hiện ra nguồn lây truyền nào khác.

Sau khi hút máu động vật có nhiễm virus, muỗi tìm nơi trú ẩn tiêu máu. Virus nhân lên trong cơ thể muỗi trong vài ngày (tối đa 14 ngày) thì đủ khả năng truyền bệnh nếu muỗi đốt hút máu người. Muỗi cái bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản có khả năng truyền bệnh suốt đời và có thể truyền virus sang thế hệ sau qua trứng.
 
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu

Từ đầu năm 2014 đến 4/7/2014 đã có 357 trường hợp mắc viêm não virus  rải rác tại 32 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong. Mùa dịch năm nay đã ghi nhận 2 trường hợp người lớn trên 15 tuổi mắc viêm não Nhật Bản. Theo các chuyên gia Cục Y tế dự phòng, điều này không có gì bất thường bởi viêm não thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng đối với những người lớn chưa có miễn dịch thì vẫn có thể bị nhiễm bệnh.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, năm nay, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận phần lớn ở khu vực miền Bắc, tập trung chủ yếu tại Bệnh viện Nhi Trung ương (69 ca) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (5 ca ở người lớn).

Theo nhận định của Bộ Y tế, năm nay tình hình mắc viêm não Nhật Bản thấp hơn so với các năm trước đây, tuy nhiên bệnh thường gia tăng vào mùa hè, do đó trong thời gian tới có thể số ca mắc tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ muỗi thì việc tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Vaccine viêm não Nhật Bản đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia từ năm 1997, đến năm 2013 đã triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố và năm 2014 triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản trên toàn quốc trong thời gian từ 2008 - 2013 đạt tỷ lệ từ 85,9 - 95,8%. Năm 2014, ngành Y tế đã tổ chức tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1- 5 tuổi ở 63/63 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, các tỉnh đạt kết quả cao (tiêm đủ 3 mũi) là Hà Nội 89,9%, Bắc Giang 96,2%, Tây Ninh 99,6%.
 
Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân
 
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
 
- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
 
- Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

+ Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi;

+ Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

+ Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
 
Hoàng Phương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]