Ngăn ngừa nguy cơ khi người đái tháo đường tập luyện

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn là một phương pháp điều trị quan trọng, mang lại rất nhiều lợi ích ở tất cả các BN ĐTĐ.

0

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn là một phương pháp điều trị quan trọng, mang lại rất nhiều lợi ích ở tất cả các BN ĐTĐ. Đặc biệt, với các BN ĐTĐ týp 2, thì tập thể dục thường xuyên là phương pháp điều trị ưu tiên và cần phải được lên kế hoạch chi tiết giống như khi hướng dẫn chế độ ăn hoặc kê đơn thuốc hạ đường máu uống. Tuy nhiên ngoài những lợi ích rõ ràng thì tập thể dục cũng có thể gây một số nguy cơ cho người bệnh, trong đó đáng kể là nguy cơ bị hạ đường máu trong và sau khi tập luyện.

Các lợi ích của tập luyện thể dục

Tập luyện phù hợp rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. (ảnh minh họa)

Làm giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập thể dục do làm tăng tiêu thụ đường máu. Tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát đường máu hàng ngày mà nếu tập đều đặn còn có thể giúp kiểm soát đường máu tốt hơn trong thời gian dài.

Làm tăng tác dụng của insulin, do đó nhu cầu insulin sẽ giảm đi. Tác dụng này là cực kỳ quan trọng đối với các BN ĐTĐ týp 2 vì sự giảm nhạy cảm với insulin là nguyên nhân chính trong cơ chế bệnh sinh gây tăng đường máu ở các BN này.

Làm giảm nguy cơ bị các biến chứng tim mạch do có tác dụng điều chỉnh rối loạn mỡ máu và làm giảm huyết áp ở các BN ĐTĐ.

Làm giảm trọng lượng cơ thể, loại bỏ bớt lượng mỡ thừa ở các BN ĐTĐ týp 2 có thừa cân hoặc béo phì, nhất là các BN béo bụng. Tập thể dục sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu phối hợp cùng với chế độ ăn giảm vừa phải calo nhưng sẽ không có tác dụng nếu như BN đang áp dụng chế độ ăn kiêng rất ít calo (600 - 800 kcal/ngày).

Các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau khi tập thể dục thể thao

Thường gặp nhất và nguy hiểm nhất là hạ đường máu xuống quá thấp, xảy ra ở các BN được điều trị insulin hoặc thuốc uống hạ đường máu loại sulfamide với các biểu hiện đói, run chân tay, vã mồ hôi hoặc hôn mê... Nó có thể xuất hiện ngay khi người bệnh còn đang tập thể dục hoặc muộn hơn, sau khi đã kết thúc bài tập, thậm chí ở một số BN ĐTĐ týp 1, cơn hạ đường máu muộn có thể xảy ra sau khi đã tập xong 6 - 15 giờ và hạ đường máu có thể kéo dài tới 24 giờ nếu BN tập nặng và tập lâu.

Ngược lại, một số BN khi tập nặng lại có thể bị tăng đường máu, kéo dài trong vòng một vài giờ sau khi tập xong. Các BN ĐTĐ týp 1 có tăng đường máu kiểu như thế này dễ bị rơi vào tình trạng nhiễm toan ceton.

Tập thể dục, nhất là khi tập nặng có thể làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, gây cơn đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim) thậm chí gây nhồi máu cơ tim.

Tập thể dục cũng có thể làm nặng thêm các biến chứng mạn tính của ĐTĐ như:

Gây xuất huyết đáy mắt hoặc làm bong võng mạc ở những người đã có biến chứng đáy mắt giai đoạn 3 (có tăng sinh mạch máu). Hậu quả là gây mù hoàn toàn.

Làm tăng mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm nặng thêm bệnh lý thận do ĐTĐ.

Với những người béo hoặc lớn tuổi có thoái hoá khớp, vận động thể lực nhiều có thể làm tổn thương khớp trầm trọng hơn. Ngoài ra các nguy cơ gây tổn thương mô mềm hoặc tổn thương bàn chân cũng tăng lên nhất là khi BN đi giày dép chật, hoặc đi chân đất, hoặc đã có biến chứng thần kinh gây giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân.

Các BN đã có biến chứng thần kinh tự động có thể không cho phép họ tăng mức vận động vì tim và hệ tuần hoàn không tăng hoạt động tương ứng hoặc do bị tụt huyết áp tư thế nhất là khi BN bị ra nhiều mồ hôi, mất nước trong quá trình tập luyện.

Dự án phòng chống
đái tháo đường quốc gia
Bệnh viện Nội tiết TW
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]