Nghiên cứu và trung tu đền tháp Champa

Du lịch và khám phá đền tháp Champa (tiếng Chăm gọi là kalan) được xây dựng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XVII trên khắp vương quốc Champa. Trải qua nhiều thăng trầm của của lịch sử, những đền tháp Champa vẫn sừng sững, đỏ rực như ngọn lửa apsara bất chấp vương quốc sản sinh ra nó đã lụi tàn vào cuối thế kỷ XVII.

15.5986

>>

>>

Chưa có lời kết về những bí ẩn

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: "Ngay cả vấn đề giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố".

Theo Ths. Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế thì kỹ thật xây dựng tháp Chăm trải qua 3 giai đoạn: "Giai đoạn 1 (Thế kỷ II – VI), tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn 2, tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Tháp Phú Diên, Mỹ Khánh ở Huế thuộc giai đoạn này. Giai đoạn 3 (thế kỷ VI – XVII), tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch. Nhưng kỹ thuật xây tháp Chăm trong giai đoạn đỉnh cao như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được thống nhất về mặt kiến giải".

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người mệnh danh là "họa sĩ Chăm" (hiện công tác trung tu tại thánh địa Mỹ Sơn) cho biết: Cách đây 20 năm, ông cùng kiến trúc sư Kazimiers Kiwatskowski (Ba Lan) đã phát hiện ra dấu tích vỏ trấu trong một viên gạch Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn. Phát hiện này khi đó được cho là ngẫu nhiên và không được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng rất có thể vỏ trấu là chất đốt cháy viên gạch mộc từ bên trong khi nung toàn khối. Quan điểm nung toàn khối do Leuba đề xướng năm 1923 với giả thuyết cho rằng người Chăm dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và dùng lửa đốt cháy cả khối vật liệu khổng lồ để xây dựng nên đền tháp Champa.

Thánh địa Mỹ Sơn, một trong những khu đền tháp Champa hiện tồn ở nước ta hiện nay.

Về giả thuyết này, Ths. Nguyễn Hữu Thông nhận định: "Nung toàn khối đúng là một truyền thống của người Chăm. Hiện nay lò gốm ở Bàu Trúc, Phan Rang được đánh giá là lạc hậu nhất thế giới, không có bàn xoay và chất củi đốt (không dùng than) nên nhiệt độ tạo ra chỉ 300 – 400 độ C. Tuy nhiên, giả sử muốn nung toàn khối thì cũng không thể thực hiện ngoài trời được. Vì nhiệt độ chỉ đạt 500 – 600 độ C. Trong khi gạch tháp Chăm hoàn chỉnh đã lên tới độ nung 1000 độ C. Và nếu nung ở lò nung thì gạch cũng không thể chín đều như vậy được. Vì có chỗ gạch nằm ở lỗ thông hơi, có gạch nằm ở chỗ gần củi đang cháy. Có lẽ chỉ có lò ga hiện đại mới đạt độ hoàn chỉnh đến như vậy. Một điều nữa là khi nung gạch mộc thì tạo sự đùn đẩy vì thông số có giãn mỗi viên gạch chắc chắn là không giống nhau, sẽ gây ra đổ vỡ".

Theo thông tin riêng của chúng tôi nhận được, khi trùng tu nhóm tháp A (Mỹ Sơn), "họa sĩ Chăm" Nguyễn Thượng Hỷ và các chuyên gia Đại học Milan (Italia) phát hiện móng của các tháp Chăm sâu đến 1,7m. Và lớp móng này được kết cấu rất đặc biệt. Đầu tiên lớp sỏi, sau đến lớp cát, rồi lớp sỏi lớn hơn, rồi lại đến lớp cát. Tiếp đó là một lớp cuội, rồi đến lớp cát và dưới nữa là một lớp gạch có kích thước lớn. Cuối cùng lại là một lớp cát. Theo nhận định riêng của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ thì với lớp "móng" như vậy thì tình trạng rút nước mưa của tháp Chăm sẽ rất dễ dàng vào mùa mưa. Đây có thể là nguyên nhân khiến các tháp Chăm đứng vững với thời gian và không bị sụt lún vì ngập lụt. Bên cạnh đó, đến mùa khô nắng, những viên gạch Chăm xốp nhẹ, hút nước nhanh sẽ dẫn nước từ "móng" lên để "nuôi sống" tháp. Vì vậy viên gạch Chăm, dù qua hàng thế kỷ vẫn giữ được sự tươi mới và liên kết bền vững. Bằng chứng còn cho thấy ở nhóm tháp F, khi đổ sập gạch mất liên kết đã đổi màu và mủn nát hoàn toàn.

Theo ông Lê Việt Thắng, cán bộ Bảo tàng Mỹ Sơn (Quảng Nam) thì gần đây đã phát hiện ra một ký tự "Trần" (viết bằng chữ Hán) tại một ngôi tháp ở Mỹ Sơn. Theo ông, đây có thể là phút ngẫu hứng của một người thợ thủ công nhà Trần khi đang xây dựng tháp Chăm. "Việc nghiên cứu sự góp mặt của những thợ thủ công người Việt tại khu đền tháp Champa rất có thể mở ra một hướng tìm kiếm mới cho việc giải mã các bí ẩn đền tháp Champa" - ông Lê Việt Thắng phấn khởi cho biết.

Một giả thuyết mới

Ths. Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế có một kiến giải về kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa được dư luận và giới khoa học bàn luận khá sôi nổi. Ths. Nguyễn Hữu Thông cho rằng việc xây dựng tháp Chăm có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ. "Như ngói lưu ly của nhà Nguyễn có sự tham gia của nghệ nhân Trung Quốc với vai trò thợ cả. Và sau này, khi họ về nước thì các xưởng ngói triều Nguyễn cũng bị suy tàn" – Th.s Nguyễn Hữu Thông cho biết.

Bởi theo Ths Nguyễn Hữu Thông, người Chăm không có truyền thống làm gạch: "Nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì người Chăm phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm. Kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao".

Do đó, theo Ths. Nguyễn Hữu Thông chỉ có một cách suy diễn: "Thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Các thương nhân Ấn Độ lẫn Champa có lợi nhuận lớn. Do đó, họ đã góp sức "biếu" cho các tiểu quốc Champa những tòa tháp Ấn Độ giáo để lưu dấu vương quyền của các ông vua. Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển để tìm kiếm sự mưu sinh".

Cùng quan điểm với Ths. Nguyễn Hữu Thông, "họa sĩ Chăm" Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng "Khác với Campuchia thuần nông, nước Champa xưa có đường bờ biển khá dài. Cho nên ngoài tầng lớp thống trị và nông dân, xã hội Champa còn tồn tại tầng lớp thương nhân giàu có. Các thương nhân này đi xa hơn người Việt. Họ đã đi đến cả Nhật Bản (hiện nay ở Nhật Bản vẫn có cây đàn Chăm). Do đó, họ đã thuê người Ấn Độ về làm tư vấn, thiết kế công trình đền tháp Ấn Độ giáo với tư cách là chủ đầu tư".

Bên cạnh đó, trên thực tế nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) và tháp Angkor (Campuchia) có rất nhiều điểm tương đồng từ niên đại xây dựng, cho đến kiến trúc (hình dáng), vật liệu xây dựng (kết hợp gạch và sa thạch), hoa văn trang trí... Cách xa nhau hàng ngàn dặm tại sao tháp Chăm và tháp Angkor của Khmer lại có nhiều điểm giống nhau như thế? Có lẽ câu trả lời là những người xây dựng những ngôi tháp này đều do cùng một nguồn gốc.

J.C. Sharma, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng cho rằng: "Những ảnh hưởng của Ấn Độ được thừa nhận rộng rãi lên nghệ thuật Champa bắt nguồn từ các trường phái nghệ thuật Amaravati, Gupta, Chalukya và Pallava. Dấu vết của các trường phái Pala hay Sena cũng được tìm thấy. Hợp lí khi cho rằng, một số thợ thủ công, đặc biệt là các nhà điêu khắc, hẳn phải đến từ Ấn Độ. Họ hẳn đã giới thiệu trực tiếp đến đây một vài đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của quê hương họ. Sự ảnh hưởng gián tiếp từ Ấn Độ đến Champa còn qua sự tương tác của Champa với Camboge, Java, Siam và Sri Lanka".

"Gạch, vật liệu xây dựng chính được sử dụng bởi các nghệ nhân Chăm, cũng đã được sử dụng tại Ấn Độ... Gần đây tôi đã đến thăm một ngôi đền vào thời Gupta ở Sirpur, Chatisgarh. Ngôi đền gạch này có sự tương đồng rõ ràng với các ngôi đền gạch ở Champa" – ông J.C. Sharma khẳng định.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một kết luận này cuối cùng về quy trình xây dựng đền tháp Champa. Bởi thế, Ths. Nguyễn Hữu Thông nhận định: "Kết luận khoa học, nhất là khoa học xây dựng phải thông qua thực nghiệm và các thông số. Mọi kiến giải đều chỉ là giả thuyết và giả thuyết sai là chuyện bình thường".

Xi măng dùng để trùng tu tháp Chăm gây mất thẩm mỹ, chụp tại khu thánh địa Mỹ Sơn. Huế, ngày 29/7/2013

Vấn đề thẩm mỹ trong trùng tu

Một cách tu bổ "làm mới", "trẻ hóa" dễ chấp nhận bởi người dân địa phương nhưng những du khách sẽ ngoảnh mặt đi với giá trị của di sản kiến trúc cổ xưa. "Điều gì xảy ra khi khách du lịch chẳng thèm xem bức tranh chép lại thật khéo tay về chân dung nàng Mona Lida của danh họa Phục Hưng Leonard de Vinci nhưng họ sẵn sàng tốn tiền đến bảo tàng Louvre ở Pais nước Pháp xa xôi ở để xem bản gốc dù đã sờn mòn theo thời gian?" - Đó là câu hỏi mà "họa sĩ Chăm" Nguyễn Thượng Hỷ đặt ra cho công tác bảo tồn đền tháp Champa hiện nay.

Thực ra, vấn đề thẩm mỹ trong trùng tu đền tháp Champa đã được kiến trúc sư Ba Lan, ông Kazimiers Kiwatskowski (Kazik) quan tâm từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trong lần đầu gia cố ba mảng tường tháp: Tháp bên trái (phía nam) và tháp giữa của nhóm tháp Chiên Đàn, ông Kazik đã hướng dẫn kỹ thuật gia cố bằng giải pháp khác nhau: góc phía trái gạch mài hai mặt lớn; góc bên trái tháo giữa chặt đôi gạch, còn phần vữa thì dùng hỗn hợp. Kết quả sau khi thợ thi công ba mảng nói trên, phương pháp cắt, chặt gạch nham nhở là phù hợp với mặt tường nguyên gốc, trông dễ nhìn và hài hòa với các cấu kiện kiến trúc chung quanh.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: "Di sản nghệ thuật kiến trúc Chăm, nhìn sâu xa vào mức độ quý hiếm, mức độ mất mát, đòi hỏi ở các nhà bảo tồn và các nhà trùng tu, trên hết và trước hết, đó là sự duy trì lâu dài, không bị mất mát thêm và không bị sai lệch". Bên cạnh đó, quy trình trùng tu đền tháp Champa cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc "Tiến trình việc trùng tu mang tính chuyên môn cao" được ghi nhận trong Điều 9 Hiến chương Venice và "tính chân xác" (hay tính xác thực) mà văn kiện Nara 1994 đã đề ra.

Với mục tiêu và nguyên tắc trên, những giải pháp tương thích đang bắt đầu được đặt ra và nghiên cứu. Đầu tiên, đó là phương pháp "gia cố" (cosolidation). Phương pháp gia cố bao gồm các giải pháp kĩ thuật nhằm gián đoạn quá trình xuống cấp của di tích và tăng cường khả năng chịu lực của các cấu trúc. Trong những năm qua, các tháp Chăm được gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật mới như: xây bổ khuyết để chịu lực cho các mảng tường bị đổ, khoan neo các vị trí nứt lớn trên tường tháp bằng các chốt thép, gia cố bằng đai bê tông cốt thép được đặt ngầm trong thân tháp. "Tuy bị chống nạng, chịu sự chắp vá không thể tránh khỏi, Mỹ Sơn vẫn đứng vững với những gì được phân biệt rõ ràng là nguyên thủy, để hôm nay được công nhận là di sản thế giới và được chiêm ngưỡng" - GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính nhận định.

Tiếp theo là phương pháp "tái định vị" (anastilosis).của Đại học Milan (Italia) đang sử dụng phổ biến hiện nay tại khu thánh địa Mỹ Sơn. "Tái định vị" được hiểu là sự xếp đặt về chỗ ban đầu các bộ phận và thành phần nguyên gốc của di tích, bị xê dịch do những tác động hủy hoại hoặc do việc xây cất lại. Về bản chất, nó mang nội dung khôi phục, song không phải khôi phục ở dạng tái tạo hoặc mô phỏng, mà là khôi phục ở dạng ít can thiệp nhất, với việc sử dụng những dữ liệu tại chỗ, ít gây sai sót nhất. Chính nhờ phương pháp này mà các nhóm tháp C, D và A ở Mỹ Sơn đã được định hình lại một phần, vực dậy từ đống đổ nát hầu như không còn hình hài.

Việc "khôi phục từng phần" (partial hoặc fragmentary restoration) cũng được đặt ra. Mục đích của khôi phục từng phần trước hết là để khôi phục khả năng chịu lực của cấu trúc di tích và một phần để khôi phục hình dáng cơ bản của nó. Tuy nhiên "tuyệt đối không đặt vấn đề khôi phục nguyên vẹn di tích về dạng ban đầu. Chỉ khôi phục từng phần, trên cơ sở những căn cứ khoa học chắc chắn và tại chỗ" - GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính khẳng định.

PGS.TS.Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì cho rằng: "Việc tu bổ các kiến trúc Chăm bằng gạch hoàn toàn không giống như tu sửa, phục hồi các công trình di tích kiến trúc bằng gỗ của người Việt hiện đang là thế mạnh của các cơ quan tu sửa di tích Việt Nam. Yêu cầu cơ bản đối với các di tích và phế tích Chăm là gia cố, tu sửa và có thể khôi phục từng phần song chưa nên phục hồi di tích nếu chưa có các tư liệu xác thực của di tích".

Trước đó, TS. Pierre Pichard - Trưởng ban Cố vấn Khoa học quốc tế, người có nhiều năm tham gia trùng tu khu đền tháp Angkor ở Campuchia lưu ý các nhà chuyên môn Việt Nam rằng: "Hết sức tôn trọng tri thức bản địa từ việc sản xuất gạch truyền thống và chất kết dính truyền thống. Nhưng đừng dẫn đến quan niệm lệch hướng là suy nghĩ rằng khi đã tìm ra chất kết dính là có thể phục hồi, phục chế được toàn bộ các kiến trúc tại khu kiến trúc được xếp hạng di sản văn hóa thế giới".

Trên thực tế, do không chú ý đến tính thẩm mỹ nên nhiều điểm trùng tu ở thánh địa Mỹ Sơn bị "méo mó" hóa. Chẳng hạn các mạch hồ ciment giữa các viên gạch được gia cố quá dày, việc lát gạch hoa trong 2 mandapa D1 và D2 (thay vì lát gạch cũ của người Chăm), khiến nước mưa không ngấm xuống đất được nên làm gia tăng độ ẩm trong nhà, tháp gạch dễ bị rêu phong, việc trát granito màu trắng lên tường của mandapa D1 (dù đó là phần tường được làm mới), đã gây nên cảm giác phản cảm đối với khách tham quan. Hay như khi tu bổ khu tháp Pô Nagar (tỉnh Khánh Hòa), tháp Dương Long, Cánh Tiên (tỉnh Bình Định), một góc nhỏ của tháp phía nam Khương Mỹ (tỉnh Quảng Nam), các chuyên viên ở đây đã dùng phương pháp dùng máy mài cầm tay, hoặc đá mài, mài thủ công các mặt gạch tạo độ phẳng, còn các cạnh tường thì thẳng tắp. Cách trùng tu này đã làm cho ngôi tháp bị khô cứng, sự uốn lượn duyên dáng của các tường gốc bị khối xây mới trơ cứng làm khách tham quan có cảm giác "gai mắt".

Địa chỉ liên hệ:

Nguyễn Văn Toàn

Địa chỉ: Số nhà 287 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế.

Số điện thoại: 01658679498.

Tài khoản ngân hàng: 711A62455381, ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Gia Hội, phường Phú Cát, TP Huế. Tên chủ tài khoản: Nguyễn Văn Toàn.

Mã số thuế: 3301469094, ngày cấp MST: 14/6/2012.

Nguyễn văn toàn

Video hot nhất trong tuần

Chuyên đề Liên Quan:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]