Ngủ ngáy không tốt cho trẻ

Các chuyên gia từ lâu đã biết rằng trẻ ngáy khi ngủ dễ gặp các vấn đề về khả năng tập trung và có tính hiếu động thái quá hơn những trẻ bình thường khác.

15.5986
Nghiên cứu mới của ĐH Michigan (Mỹ) cho rằng mối liên quan này thậm chí còn chặt chẽ hơn nhiều người vẫn tưởng. TS Ronald D. Chervin - Quản lý Trung tâm Nghiên cứu rối loạn giấc ngủ (ĐH Michigan) - nói: “Mối liên quan này rất mật thiết, chúng tôi cho rằng đó là quan hệ nhân quả. Tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn bản thân nó có thể dẫn tới tính hiếu động thái quá”. Tại thời điểm nghiên cứu, Chervin cùng các cộng sự từ 2 trường ĐH Michigan và Washington đã đánh giá 229 em lứa tuổi 6 - 17. Các em được chọn ra từ một nhóm 866 trẻ 2 - 13 tuổi vào thời điểm năm 1990, khi cha mẹ các em tham gia một cuộc điều tra khảo sát tại phòng đợi của các bệnh viện đa khoa. Sau 4 năm, 229 phụ huynh quay trở lại cuộc khảo sát tiếp theo. Trong 229 em này, 30 em được xếp vào mức hiếu động thái quá. Các chuyên gia dự đoán nguyên nhân chính là thói quen ngủ ngáy to, mất ngủ hay rối loạn nhịp thở khi ngủ, những tình trạng đã khảo sát được từ 4 năm trước. Trong khảo sát, các phụ huynh được hỏi con họ ngáy đến mức độ nào, có xu hướng khó thở hay ngưng thở tạm thời hoặc khó thức giấc hay không. Các bậc cha mẹ còn được hỏi về cách cư xử của con họ trong ngày và chúng có vấn đề về khả năng tập trung chú ý hay không. Chervin và các cộng sự kết luận: “Ngáy và các vấn đề khác trong khi ngủ là những yếu tố nguy hiểm gây ra những cơn cáu giận trong tương lai, hoặc các hành vi cư xử thái quá”. Theo Chervin, nghiên cứu mới này là một cái nhìn xa hơn về mối liên quan giữa ngủ và tính cách của trẻ. “Các em thường xuyên ngáy khi ngủ trong nghiên cứu cách đây 4 năm dễ phát triển tính cách hiếu động thái quá hơn các bạn khác gấp 4 lần. Ngủ mà ngáy ngay từ khi còn bé dự đoán các vấn đề trong cư xử phát sinh sau 4 năm”. Song người ta vẫn chưa rõ vì sao ngủ ngáy dẫn đến tính hiếu động thái quá. Theo Chervin, một trong những lý do có thể là mức ôxy liên tiếp giảm trong suốt đêm mỗi khi họng đóng lại. Các nghiên cứu trên động vật ít ra cũng đã cho thấy lượng ôxy giảm có ảnh hưởng đến những thay đổi trong cư xử. Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể là một nguyên nhân trực tiếp, Chervin nói thêm. Một chuyên gia khác, TS Ann Halbower tại Trung tâm Trẻ em ĐH Johns Hopkins cho rằng tuy nghiên cứu chưa được chứng minh, nhưng ít ra nó cũng dự đoán rất thuyết phục về mối quan hệ nhân quả giữa ngáy và tính hiếu động thái quá. Cho đến khi làm sáng rõ những điều chưa biết, TS Chervin khuyên các bậc cha mẹ quan tâm nghiêm túc đến giấc ngủ của con mình. Cách chữa ngủ ngáy phổ biến nhất là cắt amiđan và các ổ nấm gây sùi vòm họng lân cận.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston còn tìm ra rằng ngủ tốt mang lại những thay đổi tích cực cho não giúp tăng cường trí nhớ.

Theo Tiền Phong
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]