Ngáy to là ngủ ngon?

“Nhiều người vẫn nghĩ ngáy trong khi ngủ là bình thường, “ngáy càng to thì ngủ càng ngon”. Thực ra, ngáy là một loại bệnh lý mà nếu không sớm chữa trị có thể dẫn đến nguy cơ tử vong”. BS Nguyễn Xuân Bích Huyên (khoa Hô hấp, BV Chợ Rẫy TP.HCM) cho biết.

0

Một bệnh lý được xem là mới ở Việt Nam hiện nay và đang có xu hướng tăng cao chính là ngáy và ngưng thở lúc ngủ. Ở các nước phát triển, đây cũng là loại bệnh xã hội rất phổ biến.

Cản trở công việc và cuộc sống

Hội chứng ngưng thở lúc ngủ tức là dòng thở bị ngưng trong khi cơ thể chúng ta vẫn cố gắng hô hấp. Nguyên nhân là do giãn cơ vùng hầu quá mức trong khi ngủ dẫn đến xẹp thành của đường thở gây ra ngưng thở tức khắc. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: béo phì (nhiều mỡ quanh vùng hầu) hoặc có cấu trúc hầu họng bất thường (phì đại amiđan, vẹo vách ngăn lưỡi to, lưỡi gà dài…)

Khi bệnh nhân bị ngưng thở, nhịp tim sẽ chậm lại và huyết áp hạ xuống. Sau đó sẽ là những lần thức giấc ngắn, khiến tim đập nhanh lên và huyết áp tăng cao. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến não và các dây thần kinh.

Hội chứng ngưng thở rất dễ phát hiện với các triệu chứng sau: ngáy ban đêm do tắc nghẽn đường hô hấp trên, ngưng thở nhiều lần trong đêm, buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Đã có trường hợp người bệnh ngủ gật ngay trong lúc đang trò chuyện với người khác mà không biết. Nhiều người vẫn không hiểu tại sao ban đêm mình ngủ đủ giấc nhưng ban ngày vẫn còn buồn ngủ, chính vì việc ngưng thở làm bạn hay thức giấc ngắn mà bạn không biết.

Những người có nguy cơ mắc bệnh cao là tiền sử người thân trong gia đình đã từng bị bệnh; do hút thuốc, uống rượu và thuốc an thần; hàm dưới nhỏ, cổ bự; amidan lớn, béo phì. Đặc biệt là nam giới vì có vùng hầu họng hẹp hơn phụ nữ. Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc hội chứng này.

Đối với những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nặng, việc ngưng thở xảy ra vào ban đêm mà kéo dài thì nguy cơ tử vong là không thể tránh khỏi, dễ gây ra tai nạn trong khi tham gia giao thông. Bệnh ảnh hưởng lớn đến công việc và gia đình của người bệnh, khiến họ dễ mắc những triệu chứng như: mệt mỏi, trầm cảm, cáu gắt, bất lực, giảm trí nhớ, cao huyết áp, suy tim ứ huyết. Đáng chú ý hơn, người mắc hội chứng này mà bị tiểu đường thì không thể nào kiểm soát được lượng đường trong máu.

Điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng

Khi thấy các dấu hiệu như đã kể trên, bệnh nhân nên đến bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp đo đa ký giấc ngủ và đo đa ký hô hấp.

Một số phương pháp điều trị mà các bác sĩ thuộc khoa Hô hấp của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra để áp dụng chung cho tất cả mức độ của hội chứng ngưng thở khi ngủ đó là:

- Tổ chức lại lối sống (ngủ đủ giấc, tránh uống thuốc ngủ hay kháng histamine trước khi ngủ, tránh nằm gối cao, quay đầu giường lên cao 10cm, nằm nghiêng khi ngủ…)

- Giảm cân đối với người dư cân, béo phì.

- Dùng thuốc giảm ngáy Asonor và dụng cụ giảm ngáy (gối giảm ngáy, gối nâng cằm, đồng hồ giảm ngáy, dây kéo cằm), tập các bài tập vùng cơ họng.

- Không ăn uống sữa và các sản phẩm từ sữa vì gây tăng tiết đàm và làm hẹp đường thở, các loại bánh nướng như Pizza, rượu và các loại thuốc an thần cũng sẽ gây giãn cơ vùng hầu họng dẫn đến xẹp đường thở khi ngủ.

- Nên dùng các thực phẩm có lợi như: tỏi, trái lê, hành tây, mật ong… Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể điều trị hội chứng này bằng các phương pháp phẫu thuật chỉnh hình xương hàm với công nghệ cao.

Biện Tú

Theo PhuNuOnline

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]