Ngừng thở khi ngủ: dễ đột quỵ não

Người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ dễ ngủ thiếp đi trong lúc đang xem truyền hình, hoặc thậm chí khi đang lái xe.

15.5967
>>  

Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một bệnh lý gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh lại rất khó tự phát hiện bởi dấu hiệu ngừng thở chỉ xảy ra trong khi ngủ.
 
Theo TS Ngô Quý Châu, BV Bạch Mai, Hà Nội, Hội chứng ngừng thở khi ngủ (HCNTKN) là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở hoàn toàn khoảng 10 - 30 giây trong khi ngủ và nhiều hơn 30 lần mỗi đêm dẫn tới tình trạng thiếu ôxy máu, có thể gây đột quỵ não. 

Béo phì, dễ mắc bệnh
 
Ngừng thở khi ngủ có hai dạng: do tắc nghẽn và do thần kinh trung ương. Trong đó, ngừng thở do tắc nghẽn thường gặp hơn. HCNTKN có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên, tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ.
 
Những người có nguy cơ cao bị mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn là người béo phì (có nguy cơ gấp 3 lần người bình thường); người có bất thường về đường hô hấp trên; tiền sử nghiện rượu, dùng thuốc an thần, thuốc gây nghiện, trong gia đình có người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ; người mắc bệnh đái tháo đường, suy giáp.

HCNTKN làm giảm đột ngột nồng độ oxy trong máu, thường gây tăng huyết áp và rối loạn tim mạch. Người mắc chứng ngừng thở khi ngủ thường bị giảm trí nhớ, có cảm giác trầm uất, hay mắc chứng tiểu đêm và liệt dương. Trẻ mắc chứng bệnh này không được điều trị có thể rất hiếu động. Các nhà khoa học đã phát hiện một gene có liên quan đến bệnh Alzheimer cũng liên quan chặt chẽ với chứng ngừng thở khi ngủ.

Người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể ngủ thiếp đi trong lúc đang xem truyền hình, hoặc thậm chí khi đang lái xe. Nhóm người này bị tai nạn giao thông cao gấp 3 - 5 lần so với người bình thường.

Cách điều trị

Một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của người mắc HCNTKN là bệnh nhân có tiền sử ngủ ngáy nhiều năm, ngáy to, có cơn ngừng thở ban đêm, thở phì phò, thở hổn hển vào cuối thời kỳ ngừng thở, tiếng ngáy thường giảm khi bệnh nhân nằm nghiêng. Người bệnh thường không biết mình có vấn đề khi ngủ và tình trạng nặng của nó, người ngủ chung và người trong gia đình thường là người phát hiện được các triệu chứng này của bệnh nhân.

Hiện, có nhiều phương pháp điều trị HCNTKN. Tuy nhiên, việc chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, các bất thường của đường hô hấp và các bệnh lý phối hợp như giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng, tránh béo phì; bệnh nhân nên tập thói quen ngủ đủ thời gian và đúng giờ (thường 7 giờ/ngày).
 
Không uống rượu, uống thuốc an thần vì gây ức chế hô hấp, làm giảm phản xạ cơ vòm họng, hậu quả làm cho bệnh trầm trọng hơn; nằm nghiêng khi ngủ; dùng thuốc nhỏ mũi để làm giảm bớt chứng nghẹt mũi; điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
AloBacsi.vn(Theo Báo Đất Việt)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]