Người bệnh bị “chặt đầu, chặt đuôi”

Quy định trái khoáy, hàng ngàn công nhân bị tước mất quyền lợi BHYT; Cần tạo cơ chế cạnh tranh trong khám chữa bệnh BHYT

15.6084

Trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo quận Phú Nhuận – TPHCM mới đây, nhiều công nhân (CN) bức xúc phản ánh: “Các bệnh viện công lập không khám chữa bệnh (KCB) BHYT vào thứ bảy và chủ nhật, gây khó khăn rất nhiều cho người lao động. Muốn khám bệnh thì phải xin nghỉ việc”. Đây chỉ là một trong những khó khăn của KCB BHYT. Thực tế cho thấy dường như những quy định bất hợp lý của BHYT ngày càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn!


Quá tải khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận 3 - TPHCM, bệnh nhân tràn ra cả lối đi. Ảnh: T.THẠNH

"Được bữa giỗ, lỗ bữa cày"


Anh Hoàng Chí, CN Công ty Upgain (KCX Linh Trung I –TPHCM), cho biết: “Hai tuần trước tôi bị cảm sốt, nhức đầu dữ dội. Đợi đến ngày chủ nhật được nghỉ việc, tôi đến Bệnh viện Thủ Đức khám. Nhưng nơi đây cho biết chỉ khám BHYT từ thứ hai đến thứ sáu, chủ nhật chỉ khám ngoài giờ chứ không khám bệnh nhân BHYT. Tôi tham gia BHYT hơn 2 năm, sao đến khi có bệnh lại phải bỏ tiền túi đi chữa trị. Nếu tôi được chọn lựa, tôi sẽ không tham gia BHYT”.


Hàng chục ngàn CN làm việc ở khu vực trên cũng lâm vào tình trạng tương tự như anh Chí. Chị Nguyễn Thanh Tranh, CN Công ty Domex (KCX Linh Trung I –TPHCM), chia sẻ: Ngày thường nếu chẳng bệnh nặng thì không ai đi khám bệnh cả vì rất thiệt thòi. Khám BHYT được thanh toán vài chục ngàn đồng tiền thuốc, tiền khám bệnh nhưng mất một ngày công cả trăm ngàn đồng. Chưa kể, tháng đó sẽ mất tiền chuyên cần, kết quả bình bầu thi đua cuối năm bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, nhiều CN có bệnh cũng không đi khám và xem việc tham gia BHYT là bị mất tiền một cách vô ích.


Ông Nguyễn Văn Sáu, giám đốc một doanh nghiệp ở quận Thủ Đức- TPHCM, nói thẳng: “Tiền đóng BHYT thì trừ hằng tháng nhưng khi cần hưởng quyền lợi thì bị “chặt đầu, chặt đuôi”. Như thế này là không thể chấp nhận được”.


Lại xin – cho


Từ nhiều năm qua, rất nhiều bệnh viện, không chỉ tuyến quận, huyện mà cả tuyến tỉnh, TP “sống” nhờ vào bệnh nhân BHYT. Thế nhưng, tại sao những người tham gia BHYT lại bị phân biệt đối xử, bị hạn chế quyền lợi một cách vô lý như thế? Tồn tại này ai cũng biết nhưng ngành BHYT lại bình chân như vại.


Tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp –TPHCM, hiện có đến 75.000 người tham gia BHYT đăng ký KCB. Ông Nguyễn Thế Gia, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, cho biết: Mỗi ngày, bệnh viện KCB cho khoảng 1.000 người và chăm sóc gần 300 bệnh nhân nội trú. Diện KCB BHYT chiếm đến 90%. Với 200 giường bệnh nhưng chỉ có 180 nhân viên y tế nên bệnh viện luôn quá tải. Bệnh nhân phải nằm chung giường, nằm tràn ra các lối đi... Vừa qua, Bệnh viện Gò Vấp muốn xin KCB BHYT vào hai ngày cuối tuần, nhưng thủ tục quá nhiêu khê nên đến nay vẫn chưa được BHXH TPHCM chấp thuận.


Đi tìm nguyên nhân của những rắc rối trên, chúng tôi phát hiện ngày 21-3-2008, BHXH TPHCM có công văn yêu cầu các cơ sở KCB cho các đối tượng BHYT phải tuân thủ những quy định KCB vào hai ngày cuối tuần. Theo đó, cơ sở nào muốn KCB vào ngày nghỉ, trước tiên phải “đang ở tình trạng quá tải”. Kế tiếp là phải được các cấp có thẩm quyền quyết định cho phép tổ chức KCB cho người có thẻ BHYT ngoài giờ hành chính. Chính quy định này đã “trói” các bệnh viện.


Đối với bệnh viện tuyến quận, huyện, muốn KCB diện BHYT vào hai ngày cuối tuần, phải xin phép UBND quận, huyện. Sau khi được đồng ý, tiếp theo phải xin phép Sở Y tế TPHCM. Cuối cùng, phải có sự đồng ý của BHXH TPHCM. Một giám đốc bệnh viện công tuyến quận cho biết: “Quy định trên làm nản lòng bất cứ bệnh viện nào muốn phục vụ tốt hơn cho đối tượng KCB BHYT. Nản lòng không phải vì quá nhiêu khê mà chính vì sự “ngang phè” của quy định này”. Trong khi đó, quy định đối với bệnh viện tư lại thông thoáng hơn.


Bỏ công sang tư


Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Upgain, cho biết: Sự bất hợp lý ở các bệnh viện công đã làm CN chuyển sang đăng ký KCB ở bệnh viện tư. Công ty Upgain sử dụng 2.600 lao động. Trước đây, CN phải đăng ký KCB ở bệnh viện công nhưng 2 năm qua, hầu hết họ đã chuyển sang Bệnh viện tư nhân Hoàn Hảo. Tương tự, tại Công ty Freetrend, có đến 26.000 CN, trước đây phần lớn CN KCB tại Bệnh viện Thủ Đức. Vì những bất cập, thời gian qua, phần lớn họ đã chuyển sang các bệnh viện tư ở khu vực này.


Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ (quận 3 - TPHCM), đến 19 giờ nhưng các phòng khám vẫn đông nghẹt bệnh nhân. Ngay phòng chờ, hàng trăm người bệnh được nhân viên y tế hướng dẫn tận tình. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (quận 10 - TPHCM) người bệnh diện BHYT được chăm sóc chu đáo từ khi bước vào bệnh viện cho đến lúc ra về. Đáng nói là, phần lớn các bệnh viện tư đều KCB BHYT cả 7 ngày trong tuần, thời gian KCB từ 7 giờ đến 19 giờ - 20 giờ nên rất thuận tiện cho cả người dân lẫn CNVC-LĐ.


Cách làm đó là điều mà các bệnh viện công phải suy nghĩ nếu không muốn bị mất dần “thị phần”.

Ông Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Hành nghề Y tư nhân TPHCM:

Tạo cơ chế cạnh tranh vì người bệnh


Hiện nay, các bệnh viện tư đã tham gia KCB BHYT. Sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ người bệnh đã diễn ra. Tại các nước châu Âu, từ lâu họ đã cho áp dụng chính sách BHYT tư nhân. Những công ty tư nhân sẽ đưa ra những chính sách chăm sóc y tế để thu hút người dân tham gia. Vì chi phí KCB luôn cao nên các công ty này thuê các cơ sở y tế tư nhân để tăng cường công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người tham gia để họ ít bị bệnh, giảm được chi phí chữa trị. Đây chính là điểm ưu việt của chính sách BHYT tư nhân. Sự cạnh tranh giữa các quỹ BHYT tư nhân sẽ nâng chất lượng phục vụ, tăng khả năng thanh toán điều trị cho người tham gia. Với sự cạnh tranh này, người có lợi nhất là người mua BHYT. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, nên tạo cơ chế để tư nhân tham gia BHYT. Tôi tin rằng chất lượng phục vụ của người tham gia sẽ tốt hơn nhiều. 


ÔNG NGUYỄN HỮU THÀNH, GIÁM ĐỐC BÊNH VIÊN ĐA KHOA

KHU VỰC CỦ CHI – TPHCM:

Quá tải bệnh viện tuyến quận, huyện


Theo dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2009, người tham gia BHYT phải đăng ký KCB ban đầu ở tuyến quận, huyện. Điều này không phù hợp với huyện Củ Chi nói riêng và cả TPHCM nói chung. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đang KCB cho khoảng 120.000 người tham gia BHYT. Chúng tôi cũng vừa triển khai việc KCB BHYT vào thứ bảy và chủ nhật khoảng 3 tuần, bình quân mỗi ngày khám hơn 200 lượt người. Còn Bệnh viện An Nhơn Tây (bệnh viện tuyến huyện của Củ Chi) có 100 giường và khoảng 100 nhân viên thì làm sao gánh nổi số lượng bệnh nhân rất đông này. Thử hình dung, toàn TPHCM có 28 bệnh viện công tuyến quận, huyện đang KCB cho 1,4 triệu người tham gia BHYT. 15 bệnh viện công cấp TP, Trung ương KCB cho 1,25 triệu người tham gia BHYT. Nếu buộc người tham gia BHYT KCB ở tuyến quận, huyện thì làm sao tuyến này gánh vác nổi.

Phạm Hồ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]