(ĐSPL) - Với 13 năm gắn bó trong ngành y, bác sỹ (BS) Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng lãnh đạo bệnh viện Mắt Hà Nội đã gian lận tiền tỷ từ việc đánh tráo vật liệu giải phẫu mắt cho hàng ngàn bệnh nhân? Bên cạnh đó, BS Thủy cho biết, các bệnh nhân trước khi mổ mắt hoàn toàn không được làm xét nghiệm HIV và viêm gan B. Bất ngờ hơn, khi PV báo ĐS&PL có những cuộc tiếp xúc với một số bệnh nhân trước đây từng
phẫu thuật mắt ở bệnh viện Mắt Hà Nội ở thời điểm BS. Thủy gửi đơn
tố cáo, họ cho rằng không biết nguy cơ lây nhiễm bệnh như thế nào nhưng hiện tại đôi mắt họ đang mờ dần đi và không còn nhìn được như trước.
Hàng ngàn bệnh nhân bị “tráo” thuỷ tinh thể?Đó là khẳng định của BS. Nguyễn Thị Thu Thủy với PV về nội dung tố cáo. BS. Thuỷ cho biết, thực ra vụ việc đã xảy ra từ hai năm trước, nhưng do lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, sở Y tế Hà Nội xử lý chưa dứt điểm nên gần đây bà mới quyết tâm gửi thẳng đơn đến những cơ quan chức năng cao nhất với mong muốn sự việc được làm rõ.
Phóng to
Bệnh viện Mắt Hà Nội đang rúng động vì nghi vấn đánh tráo thủy tinh thể Theo lời BS.Thủy, trong năm 2011, bệnh viện Mắt Hà Nội đã thực hiện khoảng 3.000 ca mổ cho bệnh nhân. Giá mỗi ca mổ khoảng 6,5 triệu đồng (đối với người không có bảo hiểm y tế). Với số tiền này,
người bệnh sẽ được dùng toàn bộ chất liệu của Mỹ như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế lãnh đạo bệnh viện đã cho đấu thầu các chất liệu rẻ tiền để tráo đổi trong lúc phẫu thuật.
Cụ thể, trên hóa đơn thu tiền của người bệnh đều ghi rõ thể thủy tinh nhân tạo IQ của hãng Alcon (Mỹ), nhưng trên thực tế trong lúc mổ đã bị tráo sang nhân HOYA và Focus của hãng khác. Từ những số liệu thống kê đầy đủ, chi tiết, BS. Thủy và một đồng nghiệp trong bệnh viện tính toán có khoảng 800 ca mổ đã bị đánh tráo.
Mặt khác, thay vì chỉ dùng cho một bệnh nhân thì mỗi ống dịch nhầy của Ấn Độ lại được chia dùng cho từ 4 - 5 bệnh nhân. Sau khi khớp nối toàn bộ số liệu, theo tính toán, đã có khoảng 3.000 ca mổ bị tráo dịch nhầy. Như vậy, theo BS. Thủy nhẩm tính, số tiền gian lận đã lên đến hàng tỷ đồng?
Trò chuyện với PV, BS. Thủy đặc biệt lo ngại bởi các bệnh nhân trước khi mổ hoàn toàn không được làm xét nghiệm HIV và viêm gan B. Là người có thâm niên làm việc trong bệnh viện, BS. Thủy phân tích, trong mắt thường có nhiều mạch máu, cộng với ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng 7 phút, mà mỗi ống dịch nhầy Ấn Độ dùng cho 4 - 5 người lại chỉ dùng chung một kim truyền dịch, điều này khiến nguy cơ lây nhiễm rất cao. BS. Thủy nói thêm, sau khi lên tiếng phản ánh vụ việc, bệnh viện đã cho bệnh nhân xét nghiệm trước khi mổ. Từ đó phải có khoảng 5 - 10% trong tổng số bệnh nhân đến mổ bị phát hiện bệnh. Như vậy, trước thời điểm BS. Thủy tố cáo đã có hàng ngàn ca mổ mắt thực hiện, về nguy cơ bị lây nhiễm HIV và viêm gan B giữa các người bệnh không thể loại trừ có thể xảy ra ở một số trường hợp.
"May mà tôi chưa mù hẳn"Để xác thực thông tin đơn tố cáo của BS Thủy về việc bệnh viện Mắt Hà Nội đã đánh tráo thủy tinh thể trước khi mổ mắt cho bệnh nhân, PV đã tìm gặp một số bệnh nhân mổ mắt ở thời điểm năm 2011. Chiều muộn, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Yên (77 tuổi ở thôn Đông, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), người từng thay thủy tinh thể vào tháng 7/2011 tại bệnh viện Mắt Hà Nội. Vừa nghe chúng tôi hỏi chuyện, bà Yên đang ngồi trước hiên nhà bỗng vịn tay, quờ quạng vào tường, đứng dậy bật khóc: "Không kịp rồi cháu ơi, hai năm trôi qua rồi còn gì. Mắt bà giờ mờ mờ, có nhìn rõ đâu. Ngỡ rằng, người ta bảo mổ mắt xong, già vẫn nhìn rõ con cháu, nào ngờ giờ chỉ quanh quẩn bốn góc nhà…".
Lau hai hàng nước mắt ngắn dài trên khuôn mặt chai sạm bết lẫn tóc bạc, bà Yên kể gia cảnh éo le mà nhà bà đang trải qua. Bà Yên có 6 người con nhưng rồi 3 người con không may mất sớm. Tháng 7/2011, thấy các bác sỹ ở bệnh viện Mắt Hà Nội về huyện Sóc Sơn vận động người dân mắt kém nên đi mổ để sau này già vẫn nhìn rõ, bà động viên con cháu cho bà đi mổ mắt để ít năm nữa già yếu vẫn nhìn thấy con cháu. Khi ấy mắt bà vẫn nhìn rõ, vẫn đi làm đồng nên bà không đăng ký. Được con cháu động viên, rồi thấy nhiều người già trong thôn cũng đi mổ nên bà cũng tham gia. Khi đó, riêng xã Phú Minh có hơn 10 người đăng ký đi mổ mắt ở bệnh viện Mắt Hà Nội (địa chỉ 37 Hai Bà Trưng), đa phần là người già.
Nhắc lại ca mổ, bà Yên không giấu được nét mặt hoảng hốt: Khi ấy, một người cùng thôn tôi mổ đầu tiên. Mổ xong bà ấy liên tục khóc, kêu đau đớn, quằn quại khiến tôi sợ xin về nhưng không được. Đến lượt tôi là thứ hai, họ mổ mắt phải cho tôi trước, cảm giác đau đớn như con ốc vặn xe đạp xoáy vào mắt mình. Mổ xong, mắt tôi cứ có cảm giác đau đớn nên xin không mổ mắt kia. "Tôi bảo bác sỹ, cho tôi sáng con mắt còn lại để nhìn con, nhìn cháu, nhỡ hỏng cả hai mắt thì biết làm thế nào. Họ bảo, không mổ tiếp là hỏng cả hai mắt. Thế là ngày hôm sau, tôi lại lên bàn mổ một bên mắt còn lại. Cái cảm giác đau đớn, ám ảnh ấy sợ lắm", bà Yên run run kể.
Anh Dương Văn Quảng, con trai bà Yên nhớ lại: Khi đấy, tôi và anh trai đưa bà đến bệnh viện Mắt Hà Nội để mổ. Tưởng chỉ mổ 1 - 2 ngày là xong, ai ngờ từ lúc bà nhập viện đến lúc về mất đến 8 ngày. Chi phí mổ hết 6,6 triệu đồng. Thế rồi về nhà bà cứ kêu đau, mắt lại nhìn không rõ như trước. Thương mẹ, mấy anh em cứ thay nhau một tuần, hai lần đưa bà ra bệnh viện khám lại và lấy thuốc. Được một thời gian, bà kêu chán bởi thái độ của nhân viên bệnh viện cứ quát tháo, nặng lời với bà nên bà không đòi đi bệnh viện chữa nữa, giờ mắt bà cứ mờ dần đi.
Người tố cáo chưa đồng tình với kết luận của ngành y tế Hà NộiTrong công văn thông báo kết quả giải quyết tố cáo xảy ra tại bệnh viện Mắt Hà Nội của sở Y tế Hà Nội (ký ngày 10/7/2012), Giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã thông báo kết luận liên quan đến các điểm trên.
Theo đó, với nội dung "tráo thủy tinh thể", kết luận thanh tra cho thấy: Việc sử dụng loại thủy tinh thể nào là do bác sỹ phẫu thuật viên chính chỉ định cho phù hợp với bệnh nhân và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo đúng quy chế chuyên môn. Kết luận của sở Y tế Hà Nội nêu rõ, việc thay đổi thủy tinh thể cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật là có và theo chỉ định chuyên môn của bác sỹ phẫu thuật viên chính.
Bên cạnh đó, kết luận lưu ý nếu thay đổi thủy tinh thể trong quá trình phẫu thuật thì bác sỹ phải ghi vào bệnh án và thông báo cho người bệnh. Cùng liên quan đến nội dung này, UBND TP. Hà Nội cũng kết luận việc đúng như kết luận của sở Y tế và nói rõ, sơ suất nằm ở chỗ bác sỹ điều trị không đưa cho bệnh nhân ký xác nhận khi thay đổi thủy tinh thể trong quá trình phẫu thuật.
Về nội dung dùng dịch nhầy rẻ tiền nhưng vẫn thu giá như dùng dịch nhầy đắt tiền, sở Y tế và UBND TP. Hà Nội kết luận là có sự thay đổi dịch nhầy trong phẫu thuật. UBND TP cho biết, bệnh viện Mắt thu tiền trọn gói phẫu thuật Phaco là 6,5 triệu đồng/ca nhưng không xây dựng chi tiết giá cho từng loại vật tư tiêu hao (trong khi giá các loại vật tư này khác nhau, dịch nhầy của Mỹ giá 593.000 đồng/hộp, của Ấn Độ là 245.000 đồng/hộp) là chưa thực hiện đúng quy định hiện hành.
Về việc dùng một lọ chất nhầy cho nhiều bệnh nhân, kết luận thanh tra nêu rõ: Việc sử dụng một lọ chất nhầy cho nhiều bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật được thực hiện theo quy trình vô khuẩn, không có việc lây chéo.
Kết luận của sở Y tế Hà Nội và UBND TP. Hà Nội cho thấy, hoạt động của BV Mắt Hà Nội còn một số thiếu sót nhưng chưa đến mức độ xem xét xử lý kỷ luật. Giám đốc sở Y tế yêu cầu lãnh đạo bệnh viện cần kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý bệnh viện, tránh để xảy ra những sai sót.
Người đứng đơn tố cáo là BS. Nguyễn Thị Thu Thủy không đồng tình với những kết luận trên. Bác sỹ Thủy cho biết sở Y tế và UBND TP. Hà Nội đã xử lý chưa đúng. Bà Thủy cho rằng việc tiếp tục tố cáo là "bất đắc dĩ" và bắt nguồn từ "cách xử lý nuông chiều của sở Y tế và UBND TP. Hà Nội". "Vụ ở Hoài Đức khi xét nghiệm rồi có thể xét nghiệm lại, trong khi việc đánh tráo một vật liệu y tế rẻ tiền hơn cho phẫu thuật Phaco sẽ buộc người bệnh phải sống chung với nó suốt đời. Đau lòng hơn khi đa số bệnh nhân đục thủy tinh thể đều là người nghèo, người già ở khắp các huyện ngoại thành Hà Nội" - BS. Thủy nói.
NHÓM PV PHÁP LUẬT