Nguyên nhân gây suy thận cấp

SKĐS - Suy thận là chức năng thận hoạt động kém hiệu quả. Suy thận cấp gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao tuổi (NCT) cần phải thận trọng hơn do sức đề kháng đã bị bào mòn bởi năm tháng. Có suy thận cấp và suy thận mạn, trong bài viết này xin được giới thiệu suy thận cấp.

15.6027

Nguyên nhân

Suy thận cấp tính là sự mất đột ngột khả năng thực hiện các chức năng chính của thận, nhằm loại bỏ các chất thừa (nước và các muối - điện giải) và các chất thải từ máu. Các chất thừa và chất thải này tồn tại trong cơ thể gây độc hại và gây nguy hiểm cho cơ thể.

Nguyên nhân có thể là do suy thận cấp trước thận bởi sự giảm tưới máu thận (hai quả thận không bị tổn thương) làm giảm thể tích máu có thể vì mất nước hay xuất huyết (chảy máu) hoặc giảm thể tích máu thứ phát do sốc (nguyên nhân chủ yếu làm giảm tưới máu thận), hoặc do sốc nhiễm trùng, bỏng nặng, suy tim, hội chứng thận nhiễm mỡ hay xơ gan.

Suy thận cấp có thể do tắc nghẽn hệ thống tiết niệu gây ứ đọng nước tiểu bởi sỏi, các khối u (u thận, bàng quang, bệnh của tiền liệt tuyến…), viêm nhiễm hệ tiết niệu (nhất là NCT), tán huyết, ly giải cơ vân do chấn thương hoặc do một số thuốc có hại cho thận, ví dụ: kháng sinh Aminoglycosid (Kanamicin, Gentamicin,…), kháng sinh chống nấm (Amphotericin B), thuốc chống đào thải mảnh ghép Cyclosporin (một sản phẩm chuyển hóa của nấm, có tác dụng giảm miễn dịch mạnh, hầu như không độc hại với tủy xương nhưng độc hại với thận rõ rệt).

Ngoài ra, do bệnh canxi huyết làm giảm trực tiếp độ lọc cầu thận và lưu lượng máu thận (thường gặp ở bệnh nhân ung thư) hoặc do đa nghẽn mạch thận cấp tính bởi các mảng xơ vữa động mạch đi đến các động mạch thận vì tăng cholesterol máu kéo dài, nhất là các tinh thể cholesterol lắng đọng trong các vi động mạch thận.

Suy thận cấp tính do giảm tưới máu ở thận với bất kỳ lý do nào cũng sẽ phát triển nhanh chóng trong một vài giờ hoặc vài ngày, tuy vậy, nếu được bồi phụ đúng lúc, đầy đủ nước, chất điện giải hoặc máu, chức năng thận sẽ trở về bình thường.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần xác định nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt (chống sốc, duy trì huyết áp, loại bỏ các thuốc độc với thận, loại bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường niệu, chống nhiễm khuẩn…). Trường hợp nặng có thể chạy thận nhân tạo. Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp (hạn chế muối, nước).

Khi nghi ngờ mắc các bệnh về hệ tiết niệu (sỏi, viêm nhiễm, u chèn ép…), cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Mời xem tiếp bài 2: Những dấu hiệu “tố” suy thận cấp ra ngày 14/8/2015

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]