Nhân sâm tốt ra sao?
Theo
Đại tá, ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền,
BV Trung ương Quân đội 108, nhân sâm còn có tên là viên sâm, dã
nhân sâm. Thuộc họ Ngũ gia bì.
Cây nhân sâm sống lâu năm, cao
khoảng 0,6 m, rễ mẫm thành củ to, lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm
nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Bắt đầu từ năm thứ 3, cây nhâm
sâm mới cho hoa, kết quả. Hoa xuất hiện vào mùa hè, tự hình tán mọc ở
đầu cành, màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị. Quả dẹt, to bằng hạt đậu
xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt.
Cây mọc hoang và được
trồng ở Trung Quốc, Triều Tiên, vùng Viễn Đông của Liên Xô, còn được
trồng ở Nhật Bản, Mỹ nhưng nổi tiếng vẫn là sâm Triều Tiên và Trung
Quốc. Riêng hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm (miền Đông Bắc Trung Quốc) sản
lượng cao nhất. Tại Việt Nam tuy đã có thí nghiệm trồng bằng hạt và mầm
do Triều Tiên, Liên Xô và Trung Quốc giúp nhưng chưa thành công.
Nhân
sâm ít nhất phải 6 năm mới tích lũy được hết các dưỡng chất, càng lâu
năm càng quý hiếm nên có giá khá đắt, từ 7 triệu/củ trở lên. Ngược lại,
nhân sâm dưới một tuổi có giá rất rẻ. Người ta có thể đoán tuổi bằng các
đốt ở cổ sâm, mỗi đốt là một tuổi.
BS Hoàng Khánh Toàn cho
biết, nhân sâm là một vị thuốc cổ truyền trong Đông y và đứng đầu trong
các vị thuốc bổ, theo thứ tự Sâm, Nhung, Quế, Phụ. Thành phần chủ yếu
của nhân sâm gồm saponin triterpenoid tetracyclic, nhóm dammaran (gọi
chung là ginsenosid), có tới gần 30 saponin khác nhau.
Sau
6 năm, khoảng tháng 9-10 đào củ, tránh làm rễ đứt, không phơi gió, phơi
nắng để giữ nguyên độ ẩm trong sâm. Sau đó, chia loại sâm tốt để chế
hồng sâm, loại kém để chế bạch sâm.
Theo tài liệu cổ, nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (lá có vị đắng hơi
ngọt) bổ 5 tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận). Chúng có tác dụng đại bổ
nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí, dùng chữa phế hư
sinh ho suyễn, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, bệnh lâu ngày khí
hư, sợ hãi, tiêu khát.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm
chức năng Việt Nam cũng cho rằng nhân sâm được xếp vào hàng đại bổ, giúp
phục hồi các chức năng của cơ thể một cách toàn diện. Vị thuốc này tác
dụng hiệu quả đặc biệt với những người bị suy nhược cơ thể, ăn uống kém.
Ngoài ra, nhân sâm có khả năng chống lão hóa các tế bào, làm tăng nhanh
quá trình tổng hợp protein của các tế bào mới.
Ai không được phép dùng?
Theo
PGS Trần Đáng, nhiều người nghĩ rằng nhân sâm là thuốc bổ, dùng càng
nhiều càng tốt nên đã sử dụng một cách tùy tiện. Sai lầm này có thể đưa
đến nhiều hậu quả nguy hiểm.
Cũng như các vị thuốc khác, nhân sâm
cũng cấm chỉ định với một số đối tượng, bao gồm những người viêm đại
tràng mãn tính thể hư hàn, đau bụng, sôi bụng, quặn bụng, đi ngoài, phân
sống nát.
BS Toàn cho biết thêm y học xưa từng ghi nhận một
trường hợp tắc tử do uống sâm khi bị đau bụng. Do đó, những trường hợp
đau bụng, đặc biệt tiêu chảy mà uống sâm rất nguy hiểm.
Bệnh nhân xơ gan kèm chảy máu đường ruột dùng sâm không những không khỏi mà còn có thể khiến bệnh trở nên nguy hiểm hơn.
Ngoài
ra, bệnh nhân cao huyết áp cũng được khuyến cáo thận trọng khi dùng sâm
bởi vị thuốc này khiến huyết áp sẽ tăng lên nhanh chóng trước khi hạ
xuống. Nếu huyết áp qua ngưỡng an toàn có thể gây ra các tai biến nguy
hiểm. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo thêm bà bầu trước khi lâm bồn
không được dùng sâm.
Vẫn theo PGS Trần Đáng, trẻ em dưới 13 tuổi không nên dùng sâm bởi dưới tác dụng của sâm có thể khiến các em phát dục sớm.
Người
già là đối tượng được khuyến khích dùng vị thuốc này nhiều nhất song
chỉ nên sử dụng với một liều lượng vừa phải theo hướng dẫn của các bác
sĩ để tránh ngộ độc, nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng.
Theo BS Toàn, nhân sâm là một vị thuốc bổ nên dần dần một số vị thuốc có tác
dụng bổ cũng được gọi là sâm, gây nhầm lẫn. Ví dụ: đảng sâm - được xem
là có thể thay thế nhân sâm nhưng giá rẻ hơn rất nhiều, sâm bố chính -
có rễ giống hình người, dễ nhầm với nhân sâm, thổ ly cao sâm, huyền sâm,
sa sâm…
Ngoài ra, trên thị trường vị thuốc này cũng bị làm giả,
gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo PGS Trần Đáng, thuốc
càng đắt càng dễ làm giả, do đó chúng ta phải sử dụng cẩn thận để tránh
tiền mất tật mang.
Đơn thuốc với nhân sâm
- Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị nhân sâm) chữa cơ thể quá suy
nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược : nhân sâm 40 g, nước
400 ml, sắc còn 200 ml, cho uống từng ít một, không kể thời gian. Uống
xong cần nằm yên.
- Sâm phụ thang: chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra
nhiều, chân tay lạnh, chân sâm 40 g (có thể 20 g), chế phụ tử 20 g (có
thể dùng 10 g), sinh khương 3 nhát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600 ml)
sắc còn 200 ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt nước và cả bã.
- Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ, thêm một ít nước đậy nắp, đun
cách thủy, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thủy tiếp tục
uống, làm cho đến khi hết mùi vị mới thôi. Ngày dùng 2-6 g.